100 ngày chiến sự Nga - Ukraine: Định hình một thế giới phân cực mới đang biến đổi?
VOV.VN - Các bên liên tục đối đầu trên tất cả các mặt trận. Đến nay, EU đã áp dụng lệnh trừng phạt thứ 6 áp đặt cấm vận dầu mỏ nhằm vào Nga. Thực tế cho thấy ngay bản thân các bên liên quan như EU và Nga cũng phải chịu những thiệt hại rất lớn từ cuộc đối đầu này.
Thế đối đầu Nga-phương Tây trong khủng hoảng Nga- Ukraine sau 100 ngày
Các cử tri Đan Mạch hôm 1/6 đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc liệu Đan Mạch có nên chấm dứt việc không tham gia vào Chính sách quốc phòng và an ninh chung của Liên minh châu Âu hay không. 67% số người được hỏi đã trả lời là “Có”. Điều này đồng nghĩa với việc Đan Mạch từ bỏ quan điểm được duy trì suốt 29 năm qua rằng “là thành viên NATO là đã đủ đảm bảo an ninh còn việc tham gia vào các chính sách quốc phòng của EU chỉ là một sự lãng phí nguồn lực vào một bộ máy quan liêu”.
Những gì vừa diễn ra tại Đan Mạch là biểu hiện rõ nhất của một châu Âu đang trải qua những biến động địa chính trị lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc chiến tại Ukraine cho đến nay thực sự là một sự kiện mà các lãnh đạo cao nhất châu Âu như Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá là “thay đổi thời đại”. Cuộc chiến tranh toàn diện lớn nhất tại châu Âu từ hơn 7 thập kỷ qua không chỉ đã phá vỡ toàn bộ cấu trúc an ninh tại châu Âu từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh mà còn thúc đẩy những động thái mà chỉ vài tháng trước không một ai dám nghĩ tới. Đó là việc nước Đức tái vũ trang, đầu tư hàng trăm tỷ euro ngay trong 2022 và nâng ngân sách quốc phòng lên mức trên 2% GDP để xây dựng lại quân đội. Đó là việc Thuỵ Điển từ bỏ chính sách trung lập 200 năm, Phần Lan bỏ việc trung lập hơn 7 thập kỷ để xin gia nhập NATO. Với tư cách là một Liên minh, EU cũng đã có những quyết định lịch sử mang tính cách mạng, như việc chi đến 2 tỷ euro mua vũ khí viện trợ cho Ukraine, đồng thời áp đặt 6 vòng trừng phạt chưa từng thấy đối với Nga.
Quan hệ giữa châu Âu với Nga đang trên đà đổ vỡ toàn diện và có lẽ phải mất vài thế hệ nữa mới có thể hàn gắn, thậm chí là sẽ đổ vỡ mãi mãi. Từ chỗ là một khách hàng phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng của Nga, 40% khí đốt, 27% dầu mỏ, châu Âu đang từng bước cắt đứt sự phụ thuộc này. Quyết tâm hiện nay của châu Âu là rất lớn, đó là sẽ dần thay thế năng lượng Nga và sớm nhất là đến năm 2027 sẽ chấm dứt hoàn toàn quan hệ năng lượng với Nga. Mọi liên hệ về văn hoá, con người… giữa châu Âu và Nga cũng đổ vỡ khi các đường bay giữa hai bên bị cắt đứt hoàn toàn.
Xung đột quân sự tại Ukraine đã thay đổi sâu sắc châu Âu, dù rất nhiều thay đổi này là không mong muốn. Sau 100 ngày chiến sự, về tổng thể EU vẫn duy trì được một sự đoàn kết lớn trong cách phản ứng với Nga và trợ giúp Ukraine. Sự đoàn kết này là một điều ngạc nhiên. Tuy nhiên, chúng ta có lẽ cũng nhận thấy rằng các phản ứng của châu Âu đối với Nga và cuộc chiến tại Ukraine đã bị chi phối rất mạnh bởi sự cảm tính. Có lẽ châu Âu đã quá sốc khi chứng kiến một cuộc chiến bộ binh toàn diện ngay cửa ngõ của châu lục này vào thời điểm mà không ai nghĩ chiến tranh có thể quay lại châu Âu, nên các phản ứng của châu Âu cũng đã vượt qua các tính toán thông thường. Đây không hẳn là tín hiệu tốt bởi sự đối đầu Nga-phương Tây, và cụ thể là châu Âu, sẽ đến lúc phải chấm dứt. Nga là một cường quốc hạt nhân toàn cầu, thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ và từ khoảng hơn 4 thế kỷ qua luôn là một nhân tố địa chính trị quan trọng tại châu Âu. Do đó, dù muốn hay không châu Âu cũng sẽ tính đến việc chung sống hoà bình lâu dài với Nga. Những ý định tìm cách huỷ diệt nền kinh tế Nga hay buộc Nga phải hứng chịu thất bại nặng nề về quân sự… đều không hứa hẹn một kết cục tốt đẹp cho cả hai bên bởi lẽ Nga đủ lực để buộc tất cả các bên phải trả giá đắt.
Châu Âu chia rẽ có làm suy giảm sức mạnh EU khi đối đầu Nga
Dù mục tiêu bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu của châu Âu, song vấn đề này đã không còn cấp bách so với việc đảm bảo lợi ích của châu Âu, đặc biệt khi EU bàn tới cấm vận dầu mỏ với Nga và “cạn kiệt” vũ khí kinh tế trừng phạt Nga.
Châu Âu đầu tuần này vừa thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó trọng tâm là việc cấm vận ngay lập tức 3/4 lượng dầu mỏ nhập từ Nga thông qua đường biển và đến cuối năm 2022, EU có thể cắt đứt 90% lượng dầu mỏ mua từ Nga. Nhưng sự chật vật, gian nan của châu Âu trong việc tìm được sự đồng thuận trong gói trừng phạt này, cụ thể là vượt qua được sự phản đối của Hungary, cho thấy là càng ngày châu Âu càng khó tìm được tiếng nói chung. Khoảng cách thời gian từ lúc đưa ra gói trừng phạt thứ 5 và gói trừng phạt thứ 6 là gần 2 tháng và không ai biết khi nào EU mới thể đưa ra gói trừng phạt thứ 7. Các vũ khí kinh tế của châu Âu đã được sử dụng gần hết và biện pháp mạnh nhất, cũng có thể coi là cuối cùng, đó là cấm vận khí đốt của Nga, thì gần như đã bị gạt ra ngoài các kịch bản trong thời gian dài trước mắt. Ngay cả những nước chống Nga mạnh nhất trong EU, như các nước Baltic, cũng đều phải thừa nhận rằng châu Âu còn mất rất nhiều thời gian mới có thể tính đến việc cắt nguồn cung khí đốt từ Nga, vốn chiếm 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Điều đáng nói ở đây, đó là các lệnh trừng phạt kinh tế của châu Âu không đạt hiệu quả mong muốn. Về mặt kinh tế, việc châu Âu cắt nguồn cung năng lượng từ Nga khiến nhu cầu năng lượng trên thị trường tăng cao, Nga bán được ít hơn nhưng với giá cao hơn nhiều lần nên về mặt ngắn hạn, Nga vẫn tiếp tục thu được lợi nhuận lớn, như riêng dầu mỏ, Nga đã thu về gần 30 tỷ euro tiền bán cho EU kể từ sau ngày 24/02. Quan trọng hơn, châu Âu cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ cắt nguồn tài chính phục vụ chiến tranh của Nga và buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine. Mục tiêu này đến thời điểm này cũng thất bại, khi Nga không cho thấy bất cứ một ý định nào là sẽ sớm chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Sự chia rẽ, rạn nứt trong nội bộ EU về cách tiếp cận cuộc chiến Ukraine, về quan hệ với Nga đã thể hiện rất rõ ràng, công khai và sẽ ngày càng khó dung hoà hơn. Chiến sự tại Ukraine càng kéo dài, tác động kinh tế càng lớn thì sự kiên nhẫn, đoàn kết của châu Âu càng bị thử thách. Cuộc chiến này đã phơi bày toàn bộ những khác biệt về nhận thức của các thành viên của Liên minh châu Âu. Trong 27 nước thành viên EU, có nhiều quốc gia ở Đông Âu, Trung Âu, Baltic vốn có một di sản lịch sử phức tạp với Nga từ thời Liên Xô nên hiện nay mang quan điểm chống Nga vô cùng quyết liệt. Các nước này muốn châu Âu cắt đứt toàn bộ quan hệ với Nga, thậm chí còn thúc đẩy các động thái leo thang quân sự. Nhưng, một số nước khác, trong đó có 3 cường quốc hàng đầu EU là Đức-Pháp-Italy lại có cách tiếp cận khác. Các nước này không chấp nhận hành động của Nga tại Ukraine nhưng hiểu rằng đến cuối cùng, châu Âu vẫn phải tìm một cách thức để cùng tồn tại với Nga. Đó là một thực tế mà dù muốn hay không, châu Âu cũng sẽ phải chấp nhận. Hiện tại, hai quan điểm, hai cách tiếp cận này đều đang được bày tỏ công khai, mạnh mẽ và chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các nước EU cố gắng đi tìm tiếng nói chung trong việc kết thúc cuộc chiến. Về lâu dài, khi tình hình kinh tế tại các nước u ám, nguồn lực quân sự để viện trợ suy giảm, khó có thể hy vọng châu Âu vẫn tương đối đoàn kết như hiện nay trong cuộc đối đầu với Nga. Trên thực tế, cuộc chiến này đã và đang bào mòn sức mạnh cũng như vị thế của châu Âu./.