Bầu cử Mỹ: Lãnh đạo thế giới “tranh thủ” Trump hay “đợi” Biden?

VOV.VN - Sự khó đoán định trong cuộc bầu cử Mỹ đang khiến các nước đắn đo, nên tranh thủ ký thỏa thuận với Trump hay đặt cược vào khả năng thắng cử của Biden?

Giữa bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra và các cuộc khảo sát trên toàn quốc cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump, các nhà lãnh đạo thế giới đang đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi phải chọn lựa liệu họ nên tranh thủ ký kết càng nhiều thỏa thuận càng tốt với Tổng thống Trump hay đặt cược vào khả năng thắng cử của ông Biden để bắt đầu những thỏa thuận mới.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới đang quen dần với sự biến động liên tục của chính trường Mỹ nhưng dường như với họ, những quan điểm của Tổng thống Trump vẫn quá khác biệt với đường lối ngoại giao truyền thống.

"Đây là một sự khác biệt hoàn toàn bởi những điều Tổng thống Trump chấp nhận không được bất kỳ Tổng thống nào trước đó chấp nhận", Thomas Wright, một nhà phân tích tại Viện Brookings nhận định. Chuyên gia này cho biết một số nhà lãnh đạo thế giới đang tranh thủ đạt được lợi ích từ những tháng có thể là cuối cùng trong "kỷ nguyên" Trump, đồng thời cân bằng giữa việc cần phải thực hiện điều trên như thế nào với việc không được quá gay gắt với người tiếp theo có thể là Tổng thống bởi hiện nay ông Biden ít nhất có khả năng 50 - 50 sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ".

Trước đó, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng: "Đừng chờ đợi đến sau cuộc bầu cử Mỹ diễn ra mới tiến hành những thỏa thuận lớn. Tôi sẽ chiến thắng. Các bạn sẽ có những thỏa thuận tốt hơn ngay bây giờ".

Israel

Một trong những nhà lãnh đạo thế giới theo dõi sát sao cuộc bầu cử Mỹ chính là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Dưới thời Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel dường như nhận được những "biệt đãi” khi Mỹ dời Đại sứ quán tới Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Goland và nhìn chung chấp nhận những tuyên bố của Israel trong cuộc xung đột kéo dài với Palestine.

Ông Netanyahu hiện đang cân nhắc sáp nhập một số khu định cư ở Bờ Tây trong những tháng tới và một quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump xác nhận các cố vấn Nhà Trắng đã có cuộc gặp ngày 23/6 nhằm thể hiện sự ủng hộ của họ đối với động thái này.

Trong khi nhiều quốc gia, trong đó có những nước Arab có quan hệ thân thiết với Mỹ phản đối động thái sáp nhập của Israel thì ông Netanyahu, vốn được hậu thuẫn từ kế hoạch hòa bình mà chính quyền Tổng thống Trump công bố vào đầu năm nay, thể hiện rằng ông đã có kế hoạch cho việc này.

"Đây là một cơ hội lịch sử mà họ (Israel-ND) có với Tổng thống Trump để thúc đẩy việc sáp nhập mà họ coi là không thể đảo ngược này. Họ biết nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống, điều này sẽ không phải một lựa chọn sẵn có dành cho họ", Ilan Goldenberg, một cựu cố vấn về Trung Đông dưới thời Tổng thống Obama nhận định.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người từng nhiều lần bất đồng với ông Netanyahu, có lẽ sẽ đảo ngược bất kỳ sự công nhận nào của Mỹ với việc sáp nhâp được thông báo dưới thời Tổng thống Trump. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề nhạy cảm với ông Biden bởi ứng viên đảng Dân chủ vốn luôn tự khắc họa bản thân như một người ủng hộ trung thành với Israel.

Ba Lan

Ở bên kia Đại Tây Dương, Ba Lan là một trong những quốc gia đầu tiên ông Trump ghé thăm khi nhậm chức. Tuần này, Tổng thống Mỹ cũng đã chào đón người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda thăm Nhà Trắng. Đây là chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Duda chuẩn bị tái tranh cử, vốn được cho là sẽ giúp nhà lãnh đạo này tăng tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc bỏ phiếu. Sự kiện trên cũng diễn ra trùng với thời điểm Tổng thống Trump có kế hoạch thúc đẩy mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Ba Lan, trong đó có thể bao gồm việc tăng cường quân đội Mỹ ở quốc gia này.

Ba Lan đã cố gắng làm hài lòng Tổng thống Trump trong những tháng qua, thậm chí còn cân nhắc ý tưởng sẽ đặt tên một căn cứ quân sự theo tên của ông. Mối quan hệ này rõ ràng là đôi bên cùng có lợi.

Trong khi Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Ba Lan, cũng như hài lòng với cam kết của nước này về mục tiêu ngân sách quốc phòng NATO, mua thiết bị quân sự Mỹ và hợp tác về năng lượng thì Ba Lan cũng đánh giá cao sự đầu tư của Lầu Năm Góc vào các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng tại châu Âu, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường sự hiện diện quân đội Mỹ trên đất Ba Lan.

"Thật khó để kể hết tên các quốc gia có quan hệ trục trặc với chính quyền Tổng thống Trump nhưng Ba Lan là một ngoại lệ", Julianne Smith, quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama nhận định.

Một thỏa thuận về "Pháo đài Trump" hay tăng cường sự hiện diện của quân Mỹ tại Ba Lan vẫn chưa chắc chắn nhưng Ba Lan cho rằng họ sẽ nhận được lợi ích từ việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Trump.

Trung Quốc

Trung Quốc nhận thấy việc Tổng thống Trump có tái đắc cử trong cuộc đua vào tháng 11 tới hay không đem đến cả thuận lợi và bất lợi.

Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện chính sách cứng rắn trong một loạt vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Giới chức Mỹ cũng coi Bắc Kinh là mối đe dọa lâu dài với Washington. Mặc dù có những phát ngôn "nồng ấm" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng ông Trump vẫn tiến hành các đòn trừng phạt thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời các cố vấn của Tổng thống cũng hối thúc chính phủ các nước cắt giảm quan hệ với Bắc Kinh và hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ nước này.

Ông Biden được cho là cũng có quan điểm duy trì đường lối cứng rắn với Trung Quốc nhưng các nhà phân tích cho biết ít nhất ứng viên đảng Dân chủ này sẽ cố gắng cải thiện quan hệ về thương mại với Bắc Kinh và cân nhắc đến các lĩnh vực mà 2 bên có thể hợp tác. Chẳng hạn, về các vấn đề như biến đổi khí hậu hay đại dịch Covid-19, ông Biden sẽ nỗ lực để làm việc với Trung Quốc nhằm đối phó với các thách thức chung.

Dù vậy, một số quan chức Trung Quốc cho rằng nước này sẽ có lợi hơn nếu Tổng thống Trump tái đắc cử. Những người này nhận định 4 năm tiếp theo trong Nhà Trắng của ông Trump sẽ hủy hoại thêm vị thế trên toàn cầu của Mỹ, cũng như gia tăng rạn nứt với đồng minh. Điều đó có thể đem đến lợi ích cho Trung Quốc khi nước này tìm cách gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu.

Saudi Arabia

Saudi Arabia cũng xác định nước này vừa có thuận lợi, vừa gặp bất lợi khi Donald Trump là Tổng thống. Riyadh là điểm đến nước ngoài đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức. Trong chuyến thăm lịch sử này, Tổng thống Trump đã gặp các quan chức cấp cao của Saudi Arabia và thông báo về những hợp đỗng vũ khí trị giá hàng tỷ USD.

Mặc dù Saudi Arabia vẫn là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, kiềm chế ảnh hưởng của Iran và là vị "khách sộp" của các tập đoàn thiết bị quân sự Mỹ nhưng nếu dưới chính quyền ông Biden, Mỹ sẽ không bao giờ "nhắm mắt làm ngơ" trước những hành động của Saudi Arabia ở Yemen hay những sự việc như vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Một cựu quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump tiết lộ rằng Saudi Arabia đang cố gắng hoàn tất cả hợp đồng vũ khí nhạy cảm, chẳng hạn như mua thêm đạn dược và chiến đấu cơ trước tháng 11.

Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp mặt trực tiếp 3 lần, tạo nên những sự kiện ngoại giao chưa từng có tiền lệ và gia tăng hình ảnh của ông Kim trên trường quốc tế. Năm 2018, ông Trump và ông Kim nhất trí một tuyên bố kêu gọi phi hạt nhân hóa, đồng thời 2 bên đã trao đổi thư từ với nhau một vài lần. Thậm chí, ông Trump còn từng khẳng định ông "phải lòng" ông Kim vì những bức thư.

Tuy nhiên, hầu như có rất ít tiến triển thực chất đạt được kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên. Trên thực tế, các nhà phân tích tin rằng, Triều Tiên vẫn đang mở rộng kho hạt nhân bất chấp những cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề này. Triều Tiên cũng đã nối lại các vụ thử hạt nhân sau một thời gian tạm dừng.

Bên cạnh đó, việc chính quyền Tổng thống Trump từ chối giảm bớt và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến Bình Nhưỡng ngày càng mất kiên nhẫn. Truyền thông Triều Tiên gần đây đăng tải một số tuyên bố, chỉ trích mạnh mẽ các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump.

Dù vậy, nếu xem xét lại chính sách "kiên nhẫn chiến lược" phớt lờ Bình Nhưỡng dưới thời Tổng thống Obama mà ông Biden từng là Phó Tổng thống, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể thực hiện những nỗ lực cuối cùng giúp ông Trump làm nên lịch sử và dỡ bỏ trừng phạt. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ở một viễn cảnh khả thi hơn, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân hoặc các hành động khiêu khích khác để gửi đi một thông điệp rằng, dù bất cứ ai trở thành Tổng thống, người đó cũng không thể phớt lờ Bình Nhưỡng.

"Nếu ông Trump không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, họ hiểu ông Biden sẽ là một đối tác khó khăn hơn", một nhà ngoại giao châu Á nhận định với Politico./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên