Biểu tình và Covid-19 - Hai cuộc khủng hoảng chấn động nước Mỹ

VOV.VN - Mọi sự giận dữ đã bùng phát sau khi dịch bệnh khiến hơn 100.000 người thiệt mạng và khiến hàng triệu người thất nghiệp trên khắp nước Mỹ.

Hai cuộc khủng hoảng đang tàn phá nước Mỹ: một là đại dịch Covid-19, một là những vụ cảnh sát làm chết người da đen khiến các cuộc biểu tình bùng nổ ở nhiều nơi trên cả nước.

Cuộc biểu tình ở Minneapolis, Minnesota hôm 31/5 sau cái chết của George Floyd. Ảnh: Reuters

Cuộc sống của Jimmy Mills bị tác động bởi cả 2 cuộc khủng hoảng này. Tiệm cắt tóc của anh ở khu Midtown, thành phố Minneapolis, bang Minnesota là một trong nhiều cửa tiệm nhỏ của những người da đen đang phải chật vật tìm cách sống sót qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Mills vẫn rất hy vọng, bởi sau 2 tháng đóng cửa, anh dự kiến được mở cửa trở lại từ đầu tháng 6.

Sáng 29/5, khu dân cư lân cận cửa tiệm mà Mill đã làm việc suốt 12 năm qua bắt đầu xáo trộn vì các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd và các vụ cảnh sát làm chết người Mỹ gốc Phi đang nhấn chìm Minneapolis và các thành phố trên khắp nước Mỹ.

“Dịch Covid-19, và rồi đến những điều này – giống như một phát súng chí mạng”, Mills, 56 tuổi nói.

Khủng hoảng kép

Mọi sự bất ổn được châm ngòi từ một đoạn video ghi lại hình ảnh người đàn ông da đen George Floyd bị cảnh sát người da trắng Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ trong hơn 8 phút đến khi bất tỉnh. Nạn nhân sau đó được tuyên bố tử vong tại bệnh viện.

Cái chết của George Floyd làm dấy lên làn sóng phẫn nộ với cảnh sát và dẫn tới các cuộc biểu tình leo thang trên khắp nước Mỹ, thậm chí lan rộng ra nước ngoài.

Người dân ở Minneapolis nói rằng mọi sự bất mãn, biểu tình sau cái chết của George Floyd là hệ quả của một cộng đồng liên tục chịu đựng những thử thách trong những tuần gần đây cả bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như tình trạng bạo lực cảnh sát và bất bình đẳng sắc tộc sâu sắc.

Dịch bệnh Covid-19 vốn đã gây ra sự mất cân xứng về kinh tế và chăm sóc sức khỏe đối với các cộng đồng sắc tộc thiểu số và những người nhập cư ở Minneapolis.

Cộng đồng người da đen ở Minneapolis, cũng như những người Mỹ gốc Phi trên khắp nước Mỹ bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, khi họ là những người có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn so với các nhóm khác.

Theo ước tính, người da đen chiếm ít nhất 29% các trường hợp mắc Covid-19 được xác định ở Minnesota dù họ chỉ chiếm 6% dân số của bang. Người Mỹ gốc Phi chiếm 35% số ca mắc Covid-19 ở Minneapolis, dù họ chỉ chiếm chưa đến 20% dân số của thành phố.

Các công nhân da đen, gốc Latin cũng là những người dễ bị mất việc làm hơn cả so với những nhóm khác. Nhiều người trong số họ là lao động làm việc theo giờ và chỉ được trả lương thấp. Họ bất chấp những rủi ro sức khỏe để làm việc ở các cửa hàng rau quả, các viện dưỡng lão, các nhà máy, lò mổ và các công việc không thể làm từ xa.

“Không có từ nào có thể mô tả những điều mà mọi người đang trải qua. Phần lớn trong số họ là những người nghèo và vốn đã chẳng có gì nhiều nhặn, sự tàn phá này thực sự sẽ tác động đến họ”, Mohamud Noor, dân biểu của bang Minnesota đại diện cho một quận có phần đông người Somalia và những người di cư khác, cho biết.

Phillipe Cunningham, là một thành viên hội đồng thành phố, đại diện cho khu vực nghèo ở phía bắc Minneapolis với phần đông là người da đen, Hmong và người Mỹ bản địa. Cunningham nói rằng, ông đã dành 2 tháng đấu tranh để mở cửa một khu vực xét nghiệm, đồng thời tập hợp những lời kêu gọi từ các công nhân đang gặp khó khăn vì nơi làm việc đóng cửa, cũng như các chủ cơ sở kinh doanh người da đen không thể tìm được phương hướng trong mê cung của chương trình cứu trợ liên bang.

“Căn bệnh” chưa có thuốc chữa?

Ở nhiều khu biệt lập của thành phố Minneapolis, nơi có tỷ lệ mắc Covid-19 khá cao, người dân không được tiếp cận với khẩu trang và nước rửa tay dù thị trưởng đã ra quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang bên trong các cơ sở kinh doanh từ đầu tuần trước, Jia Starr Brown, linh mục của Nhà thờ First Covenant ở trung tâm Minneapolis nói.

Ngay cả những người khỏe mạnh ở Minneapolis cũng cảm thấy bất an sau một khoảng thời gian dài căng thẳng do bị buộc phải ở nhà; việc mở cửa kinh doanh cũng chỉ được áp dụng hạn chế và đi kèm với 1 danh sách dài các quy tắc về vệ sinh và giãn cách xã hội.

Brown cho biết, bà đã tham gia một cuộc biểu tình bên ngoài một tòa nhà quận chiều 29/5. Bà cảm thấy được động viên khi thấy nhiều người tham gia biểu tình kêu gọi công bằng cho Floyd, dù làm vậy, bản thân họ có thể gặp những rủi ro về sức khỏe.

“Đây là một nỗi đau của tập thể và nỗi đau đó phải lớn tới nhường nào thì mọi người mới đánh liều với cuộc sống của mình như vậy? Đây là điều cấp bách, không phải chỉ là về sinh mạng của một cá nhân người da đen, mà là về tương lai, về con cháu chúng ta”, bà nói.

Tyler Sit, linh mục nhà thờ New City, cho biết, nhiều người trẻ, đặc biệt là cộng đồng thiểu số, đều là các công nhân làm việc tạm thời, những người phải làm cùng lúc tới 2-3 công việc làm thêm nhưng đều thất nghiệp khi dịch bệnh bùng phát. Phải ở nhà trong lúc phong tỏa, không việc làm, không triển vọng tìm được việc trong thời gian trước mắt, họ nắm bắt các thông tin mới tốt hơn và cũng có thời gian để cân nhắc có đổ xuống đường biểu tình hay không.

“Tôi đã nghe các thành viên cộng đồng nói rằng họ đang cân nhắc liệu họ có nên ra mặt hay không. Họ không muốn bị lây bệnh Covid-19 hay làm lây lan dịch bệnh nếu chẳng may họ là người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng. Nhưng mọi người đều có một cảm nhận sâu sắc rằng chúng tôi phải làm gì đó vì thành phố của chúng tôi bùng cháy”, ông nói.

Từ Atlanta, Denver, New York..., nhiều người đổ xuống đường biểu tình bất chấp dịch bệnh. Họ đeo khẩu trang và những chiếc khăn vải để tránh Covid cũng như hơi cay.

Anais Nunez, một nhà tổ chức cộng đồng 31 tuổi đến từ Bronx (New York), nói cô đã bất chấp những rủi ro về sức khỏe từ một đám đông biểu tình để thể hiện tình đoàn kết với những người khác đang chống lại bạo lực cảnh sát.

“Tôi đến từ Bronx, tâm chấn của tâm chấn. Chúng tôi đã chịu đựng sự đau khổ. Phải làm tất cả những điều này, nó khiến cho sự khủng khiếp còn trở nên tồi tệ hơn”, Nunez nói về khu vực có tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện và tử vong do Covid-19 cao nhất của thành phố New York.

Rashawn Ray, một nhà xã hội học tại Viện Brookings nói rằng có một sự khác biệt cốt yếu giữa 2 cuộc khủng hoảng hiện nay. Dịch Covid-19, giống như những dịch bệnh trước đây, một ngày nào đó có thể sẽ tiêu tan khi có những liều vaccine hay những đột phá về y học.

Trong khi đó, “Chúng tôi sẽ không bao giờ tới được nơi không còn sự phân biệt chủng tộc trong đời sống của mỗi người dân ở nước Mỹ”, Rashawn Ray nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên