Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây tác động thế nào tới Nga?
VOV.VN - Mỹ đã áp đặt “trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn” đối với Sberbank, ngân hàng nắm giữ khoảng 1/3 tổng tài sản ngân hàng của Nga và Alfabank, thể chế tài chính lớn thứ 4 của Nga. Cùng ngày, Anh thông báo đóng băng tài sản của Sberbank.
Nhà Trắng cho biết, các biện pháp được phối hợp giữa Washington, G7 và Liên minh châu Âu (EU), sẽ nhằm vào các ngân hàng và quan chức Nga, đồng thời cấm đầu tư mới vào Nga. Các biện pháp trừng phạt mới này một phần là nhằm phản ứng đối với vụ việc xảy ra ở Bucha, Ukraine.
Trước đó, Ukraine cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở thành phố Bucha nằm ở ngoại ô Kiev. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc, đồng thời tuyên bố quân đội Nga đã rời Bucha ngày 30/3 trong khi những bằng chứng giả về vụ việc được đưa ra 4 ngày sau đó, khi lực lượng an ninh Ukraine đến địa phương này.
Ngày 4/3, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc họp bất thường sau khi Anh - Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 4, đã 2 lần trong một ngày từ chối đề nghị của Nga về việc triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an liên quan đến tình hình Bucha. Ông Vassily Nebenzya đã đưa ra những video từ Bucha được ghi lại ngay sau khi Nga rút quân khỏi thành phố này và không có thi thể nào trên đường trong những video trên.
Dưới đây là các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga cho tới nay.
Ngân hàng và các công ty tài chính
Mỹ đã áp đặt “trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn” đối với Sberbank, ngân hàng nắm giữ khoảng 1/3 tổng tài sản ngân hàng của Nga và Alfabank, thể chế tài chính lớn thứ 4 của Nga. Các công dân Mỹ sẽ không thể giao dịch với các ngân hàng của Nga, trong khi bất cứ tài sản nào của các ngân hàng Nga trong hệ thống tài chính Mỹ đều bị đóng băng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6/4 ký sắc lệnh hành chính cấm công dân Mỹ đầu tư mới ở Nga, bao gồm cả lệnh cấm các thương vụ sáp nhập và liên doanh tài chính.
Cùng ngày, Anh thông báo đóng băng tài sản của Sberbank.
Các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ, Anh và các đồng minh phương Tây khác trong những ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, đã đẩy phần lớn tài sản ngân hàng của Nga ra khỏi các nước này, mặc dù một số hoạt động vẫn được phép tiếp tục.
Các ngân hàng Mỹ được yêu cầu cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý, vốn cho phép các ngân hàng thực hiện thanh toán với nhau, và với Sberbank. Các ngân hàng của Nga là VTB, Otkritie, Novikombank và Sovcombank cũng bị trừng phạt phong tỏa hoàn toàn.
Các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu tác động tới 70% hệ thống ngân hàng Nga.
Các cá nhân Nga bị trừng phạt
Mỹ ngày 6/4 tuyên bố trừng phạt đối với gia đình Tổng thống Putin, vợ và con gái Ngoại trưởng Sergei Lavrov, cũng như nhiều thành viên cấp cao của Hội đồng an ninh Nga.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Nga cáo buộc nhà tài phiệt Nga Konstantin Malofeyev vi phạm các lệnh trừng phạt hiện có, cho rằng ông này cung cấp tài chính cho người Nga thúc đẩy ly khai ở Crimea.
Trước đó, ngày 25/2, một ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cùng các nước châu Âu khác đã áp trừng phạt đối với Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Lavrov.
Hơn 100 cá nhân Nga, trong đó có cả các thành viên thân cận với tổng thống Putin và thành viên quốc hội Nga, và các doanh nhân, nhà tài phiệt Nga cũng bị các nước phương Tây trừng phạt kể từ ngày 24/2.
Loại Nga khỏi SWIFT
Mỹ, Anh, châu Âu và Canada cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, chặn các ngân hàng Nga thực hiện phần lớn các giao dịch tài chính trên thế giới.
Động thái này cũng đặt hạn chế đối với dự trữ quốc tế của ngân hàng trung ương Nga.
SWIFT hiện được hơn 11.000 thể chế tài chính tại hơn 200 quốc gia sử dụng.
Thị trường tài chính và nợ chính phủ
Trong tuần này, Mỹ đã ngăn chính phủ Nga sử dụng khoản dự trữ tại các ngân hàng Mỹ để thanh toán cho những người nắm giữ khoản nợ chính phủ hơn 600 triệu USD.
Theo các lệnh trừng phạt trước đó, dự trữ ngoại tệ do ngân hàng trung ương Nga nắm giữ tại các thể chế tài chính của Mỹ đã bị đóng băng, tuy nhiên Bộ Tài chính Mỹ vẫn cho phép Moscow sử dụng các khoản tiền đó để thực hiện thanh toán phiếu giảm giá đối với các khoản nợ chính phủ bằng đồng USD trong từng trường hợp cụ thể.
Cuối tháng 2/2022, Anh, Liên minh châu Âu và Mỹ đã đưa ra những hạn chế mới đối với việc xử lý các khoản nợ chính phủ của Nga.
Anh công bố lệnh cấm bán nợ chính phủ của Nga ở nước này, Liên minh châu Âu cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu nhà nước Nga. Các nhà đầu tư Mỹ, bị cấm đầu tư trực tiếp vào nợ chính phủ của Nga, đồng thời bị cấm mua bán nợ chính phủ của Nga trên thị trường thứ cấp từ ngày 1/3.
Năng lượng Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 đã áp đặt lệnh cấm ngay lập tức đối với nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Anh cũng cho biết đến cuối năm 2022 sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng Nga.
Trước đó, ngày 22/2, Đức đã tạm dừng quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vận chuyện khí đốt từ Nga tới Đức. Ngay sau đó, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty chịu trách nhiệm dựng đường ống.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ và EU đã có các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga. Công ty Gazprom thuộc sở hữu của nhà nước Nga, chi nhánh dầu khí Gazpromneft và các nhà sản xuất dầu Lukoil, Rosneft và Surgutneftegaz đối mặt với nhiều hạn chế trong lĩnh vực xuất/nhập khẩu.
Hạn chế công nghệ
Các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu đề xuất ngày 5/4 dự kiến cấm nhập khẩu hàng hóa của Nga trị giá 9 tỷ euro (9,8 tỷ USD) và xuất khẩu sang Nga trị giá 10 tỷ euro, bao gồm chất bán dẫn và máy tính, đồng thời chặn tàu Nga cập các cảng của EU.
EU trước đó tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp nhằm hạ thấp vị thế công nghệ của Nga trong các lĩnh vực quan trọng - từ các thành phần công nghệ cao đến phần mềm tiên tiến.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, hạn chế Nga mua các mặt hàng như chất bán dẫn, máy tính, thiết bị bảo mật thông tin, laser và cảm biến mà Moscow cần để duy trì khả năng quân sự của mình.
Các biện pháp tương tự từng được triển khai trong Chiến tranh Lạnh. Khi đó, các lệnh trừng phạt đã khiến Liên Xô lạc hậu về công nghệ và bị kìm hãm tăng trưởng kinh tế./.