Campuchia căng mình chống biến thể Alpha khi biến thể Delta rình rập tấn công
VOV.VN - Tiến sĩ Ailan Li, đại diện của WHO tại Campuchia cảnh báo, virus SARS-CoV-2 vẫn chưa bị triệt tiêu, lây lan trong cộng đồng vẫn đang tiếp diễn và Campuchia phải đặc biệt lưu ý đến sự nguy hiểm của biến thể Delta.
Cách đây 2 tuần, khi ngôi sao quyền anh người Campuchia Eh Phouthong – người đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ nhiễm SARS-CoV-2, anh cần phải thở oxy liên tục trong 24 giờ đầu tiên, vợ của Phouthong, chị Taing Somaly chia sẻ.
Nhưng cựu võ sĩ 46 tuổi, người bị mắc bệnh tim đã khỏi bệnh chỉ sau khoảng 1 tuần điều trị. “Anh ấy không còn cảm thấy ốm nữa. Các bác sĩ nói với tôi rằng nếu không có vaccine thì tình trạng của anh ấy thậm chí có thể còn tồi tệ hơn”, Somaly nói.
Kể từ khi Campuchia khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 hồi tháng 2, cho đến nay đã có hơn 60% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, khoảng 44% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Hầu hết trong số 17 triệu liều vaccine mà Campuchia có được là từ nguồn viện trợ trực tiếp hoặc mua từ Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc, phần còn lại là vaccine nhận được thông qua cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19 (COVAX). Hôm thứ Sáu tuần trước (23/7), Nhật Bản cũng đã gửi cho Campuchia 332.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca.
Tuy nhiên, Campuchia vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày, khiến nhà chức trách phải lên kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17.
Hôm 26/7, Campuchia ghi nhận 778 ca mắc mới, trong đó có 475 ca nhập cảnh – phần lớn là các công nhân Campuchia trở về từ nước láng giềng Thái Lan – nơi làn sóng dịch bệnh thứ ba đang hoành hành. Campuchia vẫn tiếp tục cho phép các chuyến bay quốc tế đến nước này.
Hiện tại, hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 ở Campuchia vẫn liên quan đến biến thể Alpha – biến thể của SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tiên ở Anh vào năm ngoái. Tuy nhiên, ngày 27/7, Bộ Y tế Campuchia cho biết đã ghi nhận 39 trường hợp nhiễm biến thể Delta. Khoảng một nửa (21 trường hợp) trong số này là lao động trở về từ Thái Lan. Các trường hợp còn lại bao gồm những người có tiếp xúc gần với họ, nhân viên y tế và 8 trường hợp không rõ nguồn lây - chứng tỏ đã có sự lây truyền của biến thể Delta trong cộng đồng.
Khi Campuchia mới chỉ có 500 ca bệnh và chưa có ca tử vong vì Covid-19, đợt bùng phát mạnh các trường hợp nhiễm biến thể Alpha bất ngờ xảy ra ngay khi quốc gia này bắt tay vào chiến dịch tiêm chủng cho người dân, dẫn đến số ca bệnh tăng lên 73.000 và hơn 1.300 người chết trong vòng 5 tháng.
Làn sóng Covid-19 liên quan đến biến thể Alpha bắt đầu sau "sự cố cộng đồng ngày 20/2" – khi 4 người phụ nữ Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly và ít nhất 2 người trong số này mang trong mình biến thể Alpha đã đến một hộp đêm đông đúc ở Phnom Penh và gây ra sự kiện siêu lây nhiễm.
Tiến sĩ Michael C. Thigpen, thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ở Campuchia cho rằng, với khả năng dễ dàng lây lan hơn phiên bản SARS-CoV-2 gốc nên biến thể Alpha đã lây truyền nhanh hơn các nỗ lực và phản ứng ban đầu Chính phủ Campuchia có thể đưa ra.
Để đối phó với làn sóng dịch bệnh, nhà chức trách Campuchia đã áp dụng biện pháp phong tỏa [biện pháp này đã được dỡ bỏ hồi tháng 5/2021], tăng hình phạt với những người vi phạm quy định giãn cách và hạn chế đi lại, đồng thời tăng tốc độ tiêm chủng. Campuchia cũng đã mở rộng năng lực xét nghiệm, 10 cơ sở xét nghiệm hiện đang hoạt động có thể lấy mẫu cho khoảng 10.000 người mỗi ngày.
Biến thể Delta rình rập tấn công Campuchia
Giờ đây, khi biến thể Delta đã bắt đầu manh nha “gõ cửa” Campuchia sau khi gây lây nhiễm khủng khiếp, tàn phá hệ thống y tế ở nhiều quốc gia, Campuchia đang đứng trước mối lo hiện hữu.
Hôm 26/7, Thái Lan ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục sau khi biến thể Delta gây làn sóng dịch thứ ba ở nước này, trong khi nước láng giềng Malaysia cũng đã chạm cột mốc nghiệt ngã, 1 triệu ca mắc hôm 25/7. Trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của biến thể Delta, Philippines đã cấm các chuyến bay từ Malaysia và Thái Lan.
Có ghi nhận về nhiều trường hợp trên khắp thế giới đã được tiêm chủng nhưng vẫn nhiễm biến thể Delta. Mặc dù vậy, những người đã được chủng ngừa khi mắc bệnh thường không bị nặng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 19/7, đã phát hiện 70 trường hợp nhiễm biến thể Delta trong số những người lao động trở về Campuchia từ nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, Campuchia vẫn chưa phát hiện biến thể nguy hiểm này trong cộng đồng.
Tiến sĩ Thigpen cho biết, chính phủ Campuchia đang áp dụng biện pháp xét nghiệm và kiểm dịch liên tục để hạn chế sự lây lan của các ca nhiễm biến thể Delta.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Ailan Li, đại diện của WHO tại Campuchia vẫn bày tỏ lo ngại biến thể Delta có thể sẽ sớm phá vỡ tuyến phòng thủ của Campuchia.
“Ở nhiều nước, biến thể Delta đã thay thế các biến thể khác trở thành biến thể chính gây lây lan các ca bệnh. Chúng ta cần lường trước những kịch bản như vậy trong tương lai. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi biến thể này chiếm ưu thế ở Campuchia. Delta có thể lây lan nhanh hơn và có liên quan đến việc gia tăng số ca bệnh, điều này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều người nhập viện hơn”, bà Li nói.
Các chuyên gia y tế luôn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người trong không gian kín và tránh tiếp xúc gần. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết, có những trường hợp không tuân thủ quy định và điều này gây lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng.
“Tôi muốn kêu gọi công chúng thức tỉnh. Nếu họ tự mãn, một thảm họa sức khỏe cộng đồng sẽ xảy ra”, bà Or Vandine nói.
Tiến sĩ Ailan Li cho rằng Campuchia cũng phải đề phòng những mối nguy tiềm ẩn bởi không phải ca bệnh nào cũng có triệu chứng. “Ở Campuchia, số ca mắc và tử vong vì Covid-19 được xác nhận hàng ngày vẫn ở mức cao đáng kể và điều đó chỉ ra rằng, SARS-CoV-2 vẫn chưa bị triệt tiêu và sự lây lan trong cộng đồng vẫn đang tiếp diễn”./.