Căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ: “Ngoại giao pháo hạm” và hậu quả khôn lường

VOV.VN - Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia vào “chính sách ngoại giao pháo hạm” có nguy cơ cuốn thêm nhiều quốc gia khác vào vòng xoáy xung đột.

Căng thẳng đang bùng phát ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải trong bối cảnh Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh trong khối NATO nhưng lại là các “đối thủ lịch sử” tiến tới một cuộc đối đầu quân sự, có nguy cơ khiến xung đột lan rộng trong khu vực.

Tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải. Ảnh: Reuters.

“Ngoại giao pháo hạm”

Các tàu hải quân của cả hai quốc gia đã phô trương sức mạnh tại khu vực tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải vào hôm qua (25/8) khi mà cuộc đua giành nguồn dự trữ khí đốt và dầu mỏ đã tạo ra mâu thuẫn mới chất chồng lên những tranh chấp cũ.

Căng thẳng bùng phát khi Ankara tuyên bố sẽ kéo dài thời gian tiến hành hoạt động thăm dò địa chất ở vùng biển tranh chấp, mà ban đầu dự kiến kết thúc vào hôm 24/8, trong một thông báo phát đi trên hệ thống thông tin hàng hải quốc tế (NAVTEX). Tàu khảo sát Oruc Reis của nước này được các tàu hải quân tháp tùng để thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tiến hành tập trận tại Đông Địa Trung Hải. "Các tàu hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh tiến hành tập trận hàng hải ở phía đông Địa Trung Hải vào ngày 25/8 để thúc đẩy sự phối hợp và khả năng tương tác", Bộ này cho biết trong dòng Tweet đăng tải hôm qua.

Theo một nghiên cứu năm 2010 của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, ước tính có khoảng 3,5 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và 1,7 tỷ thùng dầu thô ở vùng Levant Basin, Đông Địa Trung Hải.

Hy Lạp coi hoạt động thăm dò khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp. Athens đã phát đi thông điệp phản đối Thổ Nhĩ Kỳ qua hệ thống NAVTEX, đồng thời tuyên bố tiến hành một cuộc tập trận riêng rẽ trong cùng khu vực.

“Hy Lạp đang phản ứng một cách kiềm chế, với sự sẵn sàng cả ở cấp độ ngoại giao và hành động. Hy Lạp sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình”, Reuters dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas hôm 24/8 cho biết.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chỉ trích phản ứng của Hy Lạp và cho rằng Athens “gây nguy hiểm cho việc đảm bảo an toàn hàng hải đối với các tàu thuyền trong khu vực”. Ông Erdogan nhấn mạnh: “Hy Lạp là quốc gia duy nhất chịu trách nhiệm về bất cứ diễn biến tiêu cực nào trong khu vực”.

Trong lúc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi “chính sách ngoại giao pháo hạm” có nguy cơ cuốn thêm nhiều quốc gia khác vào vòng xoáy xung đột, Đức – nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU)  đang đi đầu nỗ lực nhằm hòa giải tranh chấp giữa hai bên.

Ngoại giao pháo hạm là việc phô trương sức mạnh quân sự với mục đích đe dọa chiến tranh và thông qua đó đạt được các mục tiêu của chính sách đối ngoại, như buộc quốc gia bị đe dọa phải nhượng bộ quyền lợi trong các vấn đề lãnh thổ hay thương mại.

“Các cánh cửa đối thoại giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ phải được mở rộng hơn chứ không nên đóng lại. Thay vì thực hiện những hành động khiêu khích mới, giờ đây chúng ta cần phải thực hiện các bước giảm căng thẳng và xúc tiến các cuộc thảo luận trực tiếp”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đăng tải dòng Tweet trước chuyến thăm Athens và Ankara vào hôm qua, trong một nỗ lực đưa hai quốc gia nói trên trở lại bàn đàm phán.

Nguy cơ xảy ra một “cuộc xung đột mở”

Đức đã không thành công trong nỗ lực thúc đẩy Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận vào tháng 7/2020. Thổ Nhĩ Kỳ đã dừng khảo sát địa chất để thăm dò khí đốt tại khu vực tranh chấp khi các cuộc đàm phán diễn ra, nhưng theo nước này, đàm phán đã thất bại sau khi Hy Lạp và Ai Cập ký thỏa thuận phân định hàng hải nhằm thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai bên.

Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tiến hành khảo sát trong vùng biển tranh chấp. Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết: "Các tàu khoan của chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động theo kế hoạch. Hành động của chúng tôi phù hợp với luật pháp quốc tế. Hy Lạp đã liên kết với một số quốc gia để chứng minh nước này đúng nhưng trên thực tế họ không đáng tin".

Bộ trưởng Donmez dường như đang ám chỉ sự hỗ trợ mà Hy Lạp – một thành viên của EU nhận được từ Pháp và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Để thể hiện tình đoàn kết với Athens, Pháp cho biết sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Địa Trung Hải nhằm đáp trả hoạt động thăm dò tài nguyên của Ankara, đồng thời triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến đến đảo Crete của Hy Lạp vào giữa tháng này.

Ông Michael Tanchum, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh và Châu Âu của Áo cho biết: “Tranh chấp lãnh thổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp đã âm ỉ trong khu vực suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát hiện các nguồn khí đốt tự nhiên ngoài khơi đã làm thay đổi mọi thứ ở phía Đông Địa Trung Hải, biến nó thành một chiến trường quan trọng, với những rạn nứt về địa chính trị liên quan đến cả EU, Trung Đông và Bắc Phi”.

“Pháp cùng đối tác thân thiết của nước này là UAE đã cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mở rộng ảnh hưởng trên khắp khu vực Trung Đông và châu Phi. Pháp và UAE có thể cùng lúc gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải - khu vực mà Ankara cho là đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích quốc gia. Điều đó đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ và phản ứng bằng cách gia tăng gấp đôi những động thái gây leo thang căng thẳng”.

Nguy cơ rủi ro từ tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là rất rõ ràng. “Đã có một vụ va chạm giữa tàu chiến giữa hai nước. Trong sự cố này tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu một số thiệt hại”, chuyên gia Tanchum viện dẫn một sự cố được báo cáo trong tháng 8. “Nếu hai bên có những tính toán sai lầm hoặc xảy ra sự cố ngoài mong muốn thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc xung đột mở mà không bên nào lường trước được”, ông Tanchum nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên