Chiến dịch truy kích của Nga buộc Ukraine rút xe tăng Abrams khỏi tiền tuyến
VOV.VN - Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết Ukraine đã rút xe tăng Abrams M1A1 khỏi tiền tuyến, sau khi mất 5 chiếc trên chiến trường trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Sự phổ biến của máy bay không người lái trên chiến trường khiến cả Nga và Ukraine không thể đưa các phương tiện quân sự qua các khu vực trống trải mà không sợ bị phát hiện. Xe tăng Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng không ngoại lệ.
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, các lực lượng Nga đã phá hủy 5 xe tăng Abrams mà Ukraine triển khai trong vùng chiến sự.
New York Times dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, ngoài 5 chiếc Abrams đã bị Nga loại bỏ, còn 3 chiếc khác bị hư hỏng nhẹ kể từ đầu năm nay.
Tờ báo này cho rằng, cuộc chiến UAV đã “bắt đầu gây thiệt hại lớn cho một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của sức mạnh quân sự Mỹ”. Xe tăng Leopard của Đức cũng là mục tiêu tấn công của Nga và ít nhất 30 chiếc trong số đó đã bị phá hủy.
“Tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp về công nghệ, máy bay không người lái có thể có giá chỉ 500 USD - một khoản đầu tư nhỏ để loại bỏ một chiếc xe tăng Abrams trị giá 10 triệu USD”, New York Times bình luận.
Khi vụ phá hủy xe tăng Abrams đầu tiên được đưa tin, một số blogger quân sự thân Nga nói rằng chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) có giá khoảng 5-9 triệu USD đã bị một máy bay không người lái (UAV) trị giá 30.000 USD tấn công.
Không có gì ngạc nhiên khi Nga sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) để phá hủy xe tăng, bởi đây là phương pháp phổ biến được cả 2 bên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine sử dụng.
Theo các quan chức Mỹ, mối đe dọa từ UAV là một phần nguyên nhân khiến Ukraine phải rút xe tăng M1A1 Abrams khỏi tiền tuyến.
Chiến dịch truy kích xe tăng của Nga
Xe tăng Abrams được Mỹ chuyển giao cho Ukraine vào tháng 10/2023. Theo truyền thông địa phương và thông tin tình báo nguồn mở, những chiếc xe tăng Abrams lần đầu tiên được triển khai tới Avdiivka vào tháng 1 năm nay.
Tháng 2/2024, UAV FPV Piranha của Nga đã tấn công vào khoang chứa đạn của Abrams, ngọn lửa bốc lên khiến chiếc xe tăng bị phá hủy. Đây là chiếc Abrams đầu tiên bị Nga loại bỏ.
Chỉ vài ngày sau vụ phá hủy xe tăng Abrams đầu tiên, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 đã phá hủy một chiếc M1A1 Abrams khác trong cuộc giao tranh trực tiếp gần Avdiivka vào ngày 5-6/3.
“Một đội xe tăng T-72B3 đã phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất ngay từ phát bắn đầu tiên”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Vụ việc xảy ra trong cuộc giao chiến giữa Nhóm Tsentr của Nga với lực lượng Ukraine ở hướng Avdiivka.
Cũng khoảng thời gian này, thông tin về chiếc Abrams thứ ba bị phá hủy đã lan truyền trên mạng, lần này là do Tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM).
Sau khoảng 2 tuần tạm lắng, ngày 20/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng nước này đã phá hủy chiếc xe tăng Abrams thứ tư bằng máy bay không người lái FPV gần Avdiivka.
“Tại khu định cư Berdychi, các đội trinh sát đã phát hiện chuyển động của phương tiện đối phương. Sau khi theo dõi mục tiêu, họ đã tấn công khiến xe tăng chiến đấu của đối phương bị vô hiệu hóa và không thể di chuyển. Đòn tấn công thứ hai bằng UAV FPV đã khiến xe tăng đối phương bị phá hủy. Ngoài ra, các đội trinh sát của chúng tôi đã tiếp cận được chiếc xe bị hư hỏng, kiểm tra và thu hồi tất cả các thiết bị cần thiết”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
Một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội mới đây cho thấy xe tăng Abrams bốc cháy sau khi bị UAV Lancet tấn công ở Avdiivka.
Bộ Quốc phòng Nga gần đây đã cung cấp thông tin chi tiết về một chiến dịch phức tạp do một đơn vị của họ thực hiện vào cuối tháng 3 nhằm phá hủy xe tăng Abrams ở hướng Avdiivka, nơi giao tranh ác liệt diễn ra suốt nhiều tháng qua.
Theo đó, các quân nhân của nhóm quân “Center” (Tsent) đã dành 3 ngày vào cuối tháng 3 để truy kích chiếc xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất và cuối cùng đã phá hủy mục tiêu bằng UAV Lancet rẻ tiền và được sử dụng phổ biến.
Bộ Quốc phòng Nga dẫn lời chỉ huy một trung đội đặc nhiệm có biệt hiệu “Igla” cho biết: “Chúng tôi đã theo dõi xe Abrams trong 3 ngày. Vào ngày đầu tiên, chúng tôi phát hiện ra nó và muốn tấn công ngay, nhưng phía Ukraine bảo vệ chiếc xe tăng này rất chặt chẽ và UAV của chúng tôi đã bị hệ thống tác chiến điện tử (EW) đối phương làm nhiễu”.
Igla cho biết thêm, UAV liên tục giám sát xe tăng mục tiêu sau đó. Chiếc Abrams không ở yên một chỗ và liên tục thay đổi vị trí khai hỏa hoặc di chuyển về khu vực phía sau để tiếp nhiên liệu.
Các binh sĩ Nga đã nghiên cứu quy trình vận hành của tổ lái xe tăng đối phương cũng như các điều kiện trên không và vô tuyến điện tử trong khu vực.
Đội vận hành UAV của Nga sau đó đã cân nhắc rất kỹ để lựa chọn thời điểm tốt nhất có thể tấn công xe tăng Mỹ bằng UAV tự sát Lancet.
“Vào hôm thực hiện nhiệm vụ, UAV được triển khai từ rất sớm. Chúng tôi đã bắn trúng mục tiêu. Kế hoạch mặc dù mất nhiều thời gian nhưng nó đã mang lại kết quả”, Igla kể lại.
Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, chiến dịch này đã dẫn đến việc Ukraine mất xe tăng Abrams thứ năm trong vòng chưa đầy 2 tháng.