Chiến sự Nga-Ukraine khiến Myanmar rơi vào thế khó, nhất là về vũ khí nhập khẩu
VOV.VN - Quân đội Myanmar phụ thuộc nhiều vào vũ khí của Nga. Chiến sự giữa Nga và Ukraine hiện nay đang khiến cho Myanmar ngày càng khó khăn trong vấn đề nhập khẩu vũ khí.
Phản ứng của Myanmar trước biến cố Ukraine
Cả Nga và Ukraine đều là các nhà cung cấp vũ khí và khí tài chủ yếu cho Myanmar. Nhưng dòng chảy vũ khí này nhiều khả năng sẽ trở thành nhỏ giọt trong bối cảnh chiến tranh leo thang giữa Nga và Ukraine – một biến cố địa chính trị có ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả của nội chiến ở Myanmar.
Hiện Myanmar chưa nắm được chiếc ghế của chính quyền dân sự (bị họ phế truất) tại Liên Hợp Quốc. Đại diện của Myanmar tại Liên Hợp Quốc bày tỏ sự phản đối Nga tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, tại Myanmar, chính quyền quân sự lại có quan điểm khác.
Vào ngày 27/2, cơ quan ngôn luận của chính quyền quân sự Myanmar, tờ Myanmar Alin, đăng một bài bình luận 2 trang có nhan đề “Các bài học rút ra từ Ukraine…”.
Bài báo được đăng tải vào thời điểm 3 ngày sau khi Nga phát động tấn công Ukraine. Bài báo thể hiện sự ủng hộ dành cho Nga.
Quan hệ quân sự đặc biệt giữa Myanmar và Nga
Lực lượng đang cầm quyền tại Myanmar hiện nay có các lý do chiến lược để ủng hộ Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine. Vũ khí Nga nhập khẩu vào Myanmar đã tăng vọt trong các năm gần đầy để bù lại việc Myanmar từng phải phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ Trung Quốc. Myanmar hiện nay muốn tránh dựa nhiều vào sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Nga cho tới nay đã cung cấp cho quân đội Myanmar các máy bay tiêm kích MiG-29, trực thăng vũ trang Mi-35, trực thăng vận tải, máy bay cường kích Yak-130, và xe thiết giáp hạng nhẹ.
Hơn 7.000 sĩ quan quân đội Myanmar và các nhà khoa học có liên quan đến lực lượng này đã học tập ở Nga kể từ đầu thập niên 1990. Họ theo học tại các cơ sở như Viện kỹ thuật thiết giáp Omsk, Học viện kỹ thuật không quân Moscow, Học viện chỉ huy Nizhniy Novgorod, và Học viện chỉ huy quân sự Kazan.
Theo Viện hòa bình quốc tế Stockholm, trong một thập kỷ kéo dài đến năm 2019, Myanmar sở hữu lượng vũ khí khí tài xuất xứ từ Nga có giá trị lên tới 809 triệu USD. Theo nghiên cứu của tổ chức này, số vũ khí còn lại trị giá 1,5 tỷ USD xuất phát từ các nguồn khác, chủ yếu là Trung Quốc.
Trước khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar vào ngày 1/2/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shougui đã thăm Myanmar để hoàn thiện việc chuẩn bị cung cấp thiết bị radar, tên lửa đất đối không Pantsir-S1, và UAV trinh sát Orlan-10E do Nga sản xuất.
Sự hiện diện của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tại lễ kỷ niệm Ngày Quân đội Myanmar vào 27/3/2021 là chỉ dấu rõ ràng về mối quan hệ gần gũi giữa hai bên.
Vào tháng 6/2021, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar tướng Min Aung Hlaing đã thăm Moscow. Tại Nga, ông được phong danh hiệu giáo sư danh dự tại Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
Tướng Min Aung Hlaing bị phương Tây chỉ trích nhưng lại được hoan nghênh ở Nga. Ông từng tới Nga từ trước đó.
Hồi năm 2016, Nga và Myanmar đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự dọn đường cho “hợp tác đa diện” với đầy đủ công cụ để “củng cố mức độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Myanmar và Nga”.
Nguồn cung cấp từ Ukraine cũng bắt đầu gặp khó khăn
Hoạt động cung cấp vũ khí của Ukraine cho Myanmar thì không mạnh như Nga. Theo một cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Myanmar, kể từ năm 2015, Ukraine đã bán cho Myanmar các xe thiết giáp chở quân BTR-4, xe tăng hạng nhẹ MMT-40, và pháo tự hành 2SIU.
Ukraine cũng xem xét khả năng hợp tác sản xuất chung với các ngành công nghiệp quốc phòng của Myanmar.
Người ta đã chứng kiến các xe BTR-4 do Ukraine sản xuất xuất hiện ở Yangon (Myanmar) trước và sau cuộc chính biến quân sự vào ngày 1/2/2021.
Phái đoàn Liên Hợp Quốc tại Myanmar cho rằng các hãng sản xuất chuyên cung cấp vũ khí cho Ukraine là Ukroboronprom và Ukrspecexport – hai hãng vũ khí lớn ở Ukraine.
Đài Đức DW vào tháng 8/2021 có phỏng vấn phát ngôn viên của hãng Ukroboronprom với câu hỏi liệu hãng có ngừng xuất khẩu thiết bị chiến tranh sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, người này đáp rằng hãng Ukroboronprom xuất khẩu “phù hợp với luật Ukraine và nghĩa vụ quốc tế”. Phát ngôn viên đó cũng cho biết, hợp tác kỹ thuật quân sự ký vào năm 2015 vẫn có giá trị trong thời kỳ chính quyền quân sự mới.
Tuy nhiên một số nhà hoạt động tại Myanmar đã kêu gọi trừng phạt các công ty nào mua vũ khí tài cho quân đội Myanmar và cấm các công ty đó được tiếp cận các hệ thống tài chính quốc tế cũng như thị trường toàn cầu. Và hiện nay, các lệnh trừng phạt như thế đang được áp lên Nga.
Tất cả những điều này đang tạo ra khó khăn cho Myanmar trong việc tiếp cận vũ khí Nga cũng như trả lương cho các học viên quân sự của họ đang theo học tại Nga…/.