Chính phủ Israel mới lên nắm quyền và phép thử trong quan hệ với Mỹ
VOV.VN - Sự thay đổi trong chính phủ ở Israel sẽ đặt mối quan hệ Washington – Tehran trước những khởi đầu mới nhưng cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, xuất phát từ sự khác biệt trong quan điểm đối với các vấn đề cơ bản.
Cơ hội thắt chặt quan hệ Mỹ - Israel?
3 tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden mới có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Israel vào thời điểm đó là ông Benjamin Netanyahu. Trong khi đó, khoảng 3 tiếng sau khi chính phủ mới của Israel tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Naftali Bennett và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm. Theo Nhà Trắng, ông Biden đã gửi “lời chúc mừng nồng nhiệt” tới tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett.
Với kết quả 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống và 1 phiếu trắng, liên minh đối lập của ông Yair Lapid được xác nhận chính thức trở thành phe chiếm đa số và nắm giữ quyền lực ở Israel, thay cho liên minh của ông Netanyahu. Theo thỏa thuận của liên minh, ông Bennett sẽ làm thủ tướng trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, sau đó nhường lại quyền lãnh đạo cho ông Yair Lapid – lãnh đạo Đảng Yesh Atid trong 2 năm cuối.
Theo NY Times, sự thay đổi trong chính phủ ở Israel sẽ khó có thể xóa bỏ những khác biệt sâu sắc với chính quyền ông Biden và chính phủ mới của Israel cũng không thể giải quyết các vấn đề tồn tại ở Trung Đông.
Theo các nhà phân tích, một chính phủ mới của Israel sẽ mang lại sự thay đổi về tinh thần cũng như cơ hội để thiết lập một mối quan hệ ít gây tranh cãi hơn, với những tác động tiềm ẩn trong việc đối phó với Iran, Palestine và các khu vực rộng lớn hơn.
“Tinh thần chung của quan hệ Israel – Mỹ đã có một khởi đầu rất tốt. Chính quyền ông Biden rõ ràng muốn gửi một thông điệp rằng họ sẵn sàng đối thoại”, Daniel C. Kurtzer, Đại sứ Mỹ tại Israel từ năm 2001-2005, cho biết.
Trong một tuyên bố hôm 13/6, văn phòng Thủ tướng Bennett cho biết, ông Bennett coi tổng thống Mỹ là “một người bạn tuyệt vời của Nhà nước Israel” và đang lên kế hoạch “tăng cường quan hệ giữa 2 nước”.
Trong một bài phát biểu hôm 14/6, ông Lapid cho biết, việc chính phủ ông Netanyahu kiểm soát mối quan hệ của Israel với đảng Dân chủ “là điều bất cẩn và nguy hiểm”.
“Chúng tôi có những bất đồng với đảng Dân chủ, Thượng viện và Hạ viện. Chúng tôi cần thay đổi cách làm việc với họ”, ông Lapid nói.
Mặc dù ông Bennett đã chia sẻ và thậm chí phóng đại nhiều quan điểm cứng rắn của người tiền nhiệm về các vấn đề gần đây đã gây căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ-Israel, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran và lập trường của Israel đối với người Palestine, nhưng việc ông Netanyahu “mất ghế” sau 12 năm cầm quyền như một sự giải thoát cho chính quyền ông Biden.
Tổng thống Biden từ lâu đã coi ông Netanyahu là một người bạn, mặc dù ông Biden thường không đồng ý với quan điểm của cựu Thủ tướng Israel. Tuy nhiên, nhiều quan chức trong chính quyền ông Biden và thành viên đảng Dân chủ lại không coi trọng ông Netanyahu.
“Các quan chức trong chính quyền ông Biden không thích Bibi (ông Netanyahu-ND) và họ thấy sự một sự khởi đầu mới của Mỹ với tân Thủ tướng Bennett”, Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm chính sách Trung Đông của Viện Brookings, cho biết.
Các nhà phân tích lưu ý rằng, chính phủ liên minh mới của Israel, vốn kết hợp các đảng phái chính trị có quan điểm khác nhau, sẽ thiếu sự đồng thuận chính trị để áp dụng các chính sách mới quan trọng đối với người Palestine.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có khả năng Israel sáp nhập lãnh thổ Bờ Tây bị chiếm đóng theo cách mà ông Netanyahu dự tính gần đây, một động thái có thể gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao với chính quyền ông Biden.
Đồng thời, chính phủ mới của Israel sẽ dành ít sự quan tâm hoặc nỗ lực đối với các sáng kiến hòa bình mới với người Palestine.
Phép thử trong quan hệ Mỹ - Israel
Ông Bennett đã công khai phản đối giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Palestine mà Mỹ ủng hộ từ lâu. Theo các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Bennett đã đề cập đến cuốn sách có tên “Catch-67” của tác giả người Israel Micah Goodman, người lập luận rằng không có khả năng diễn ra bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Israel và Palestine. Biện pháp của ông Bennett là giảm bớt xung đột xung quanh vấn đề này hơn là cố gắng giải quyết một vấn đề khó hàn gắn.
Trong khi Tổng thống Biden ủng hộ một giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel-Palestine, ông không coi đây là một giải pháp thực tế trong thời gian ngắn. Với mục tiêu chuyển trọng tâm của Mỹ từ Trung Đông sang khôi phục các liên minh với châu Âu và chống lại Trung Quốc đang trỗi dậy, ông Biden đã không tích cực theo đuổi giải pháp này và không giống như một số người tiền nhiệm của mình, ông đã không chỉ định một đại diện ngoại giao để dàn xếp một thỏa thuận hòa bình.
Ngoài ra, bất kỳ cuộc bạo lực mới nào giữa người Do Thái và người Arab trong Israel, giống như xung đột Israel-Palestine hồi tháng 5, sẽ là phép thử đối với mối quan hệ giữa ông Biden và ông Bennett, một người ủng hộ mạnh mẽ các nhóm chủ nghĩa dân tộc của Israel, điều các quan chức trong chính quyền ông Biden coi là trở ngại cho hòa bình.
Yousef Munayyer, một nhà phân tích người Mỹ gốc Palestine nói rằng, cả các quan chức Israel và Mỹ đều hy vọng sẽ “đặt một diện mạo mới cho các chính sách cũ”.
Ông Biden vẫn sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội về việc Israel chiếm đóng Bờ Tây, điều đã thúc đẩy ngày càng nhiều lời kêu gọi cắt giảm hoặc giới hạn khoản viện trợ quân sự hàng năm 3,8 tỷ USD Mỹ gửi cho Israel.
Một phép thử khác trong mối quan hệ giữa Tổng thống Biden và tân Thủ tướng Bennett có thể xuất phát từ Vienna, nơi diễn các cuộc đàm phán hạt nhân giữa một số cường quốc trên thế giới. Mỹ và Iran đã bắt đầu nối lại vòng đàm phán thứ 6 tại thủ đô Vienna (Áo) vào ngày 12/6. Chính quyền ông Biden hy vọng sẽ thuyết phục Iran khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, điều mà Israel phản đối lâu nay.
Halie Soifer, Giám đốc điều hành Hội đồng Dân chủ Do Thái Mỹ, cho biết, bà lạc quan rằng cuộc tranh luận xung quanh thỏa thuận Iran sẽ diễn ra ôn hòa hơn so với thời cựu Tổng thống Obama, khi ông Netanyahu khiến Nhà Trắng tức giận vì có bài phát biểu kêu gọi phản đối thỏa thuận hạt nhân trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015.
Tuy nhiên, Michael Doran, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách các vấn đề Trung Đông tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cảnh báo rằng mối đe dọa đáng kể như khả năng vũ khí hạt nhân của Iran là quá lớn để có thể giải quyết bằng thái độ thân thiện hơn.
“Tôi nghĩ Israel sẽ không từ bỏ sự phản đối của họ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Tôi nghĩ rằng họ sẽ không từ bỏ các hoạt động bí mật để phá vỡ chương trình hạt nhân của Iran. Và điều đó sẽ tạo ra mâu thuẫn đáng kể giữa Jerusalem và Washington”, ông Michael Doran nói./.