Chính quyền Biden sẽ xây dựng kỷ nguyên mới của Mỹ tại châu Á?
VOV.VN - Chính quyền ông Biden hứa hẹn sẽ đẩy mạnh các cải cách trong nước và tái thiết vai trò dẫn đầu của Mỹ trên trường quốc tế, trong đó có khu vực châu Á.
Tái khẳng định vai trò dẫn đầu của Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ nhanh chóng thực hiện chương trình nghị sự trong 100 ngày đầu tiên lên nắm quyền nhằm chứng minh cho thế giới thấy rằng “nước Mỹ đang trở lại” sau 4 năm nhiều xáo trộn dưới thời chính quyền Donald Trump.
Chính quyền ông Biden hứa hẹn sẽ đẩy mạnh các cải cách trong nước và tái thiết vai trò dẫn đầu của Mỹ trên trường quốc tế, trong đó có khu vực châu Á. “Nước Mỹ sẽ khẳng định vai trò của mình trên thế giới và trở thành người xây dựng các liên minh”, ông Biden tuyên bố sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.
Chìa khóa để thực hiện các cam kết nói trên là hối thúc Quốc hội do phe Dân chủ chiếm đa số nhanh chóng thông qua việc đề cử những nhân vật giữ vị trí cấp cao trong chính quyền và thay thế một loạt nhân sự dưới thời ông Trump trong bộ máy an ninh quốc gia. Mục tiêu của chính quyền Joe Biden là tránh những lỗ hổng trong hoạch định chính sách và lấp đầy những vị trí từng bị bỏ trống dưới thời ông Trump.
Chính quyền mới của Tổng thống Biden chủ yếu sẽ dựa vào các nhà hoạch định chính sách kỳ cựu và các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ tại các khu vực chiến lược, chẳng hạn như châu Á. Nền tảng của các gương mặt được ông Biden đề cử có thể giúp họ nhanh chóng nhận được sự phê chuẩn của lưỡng viện Quốc hội.
Kế hoạch xây dựng nội các “cựu binh” được thể hiện mạnh mẽ nhất ở việc ông Biden bổ nhiệm ông Kurt Campbell - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, làm người phụ trách vấn đề châu Á trong chính quyền mới. Đề cử này nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ và các đồng minh lớn như Nhật Bản, Australia.
Chuyên gia chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa Michael Green đã ca ngợi ông Kurt Campbell là “kiến trúc sư quan trọng nhất trong chính sách về châu Á của đảng Dân chủ ở thế hệ của ông”. Kurt Campbell từng đóng vai trò quan trọng trong chính quyền của ông Obama với nỗ lực “đẩy lùi sự cưỡng ép từ Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã khen ngợi đề cử của ông Biden cũng như quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ thành lập một cơ quan giám sát các vấn đề Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Julie Bishop, cựu ngoại trưởng Australia đánh giá, việc bổ nhiệm là chỉ dấu cho thấy chính quyền ông Biden sẽ là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy đối với nước này.
Nhiệm vụ của ông Campbell đặc biệt quan trọng, trong đó phải kể đến việc điều phối chính sách tại nhiều cơ quan khác nhau như bộ Quốc phòng, bộ Ngoại giao nhằm củng cố lợi ích chiến lược của Washington ở khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và khu vực Á-Âu.
Nhân vật “cầm trịch” trong chiến lược đối phó Trung Quốc
Theo giới phân tích, có lẽ thách thức lớn nhất của ông Campbell sẽ là tìm cách điều chỉnh mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh sau nhiệm kỳ của ông Trump, để giúp chính phủ mới của Mỹ vừa thúc đẩy hợp tác lại vừa theo đuổi các chính sách nhằm gây sức ép với Trung Quốc.
Ông Eric Sayers, cựu cố vấn của chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nhận xét: “Chúng ta không thể để một mình bộ Quốc phòng điều hành chiến lược đối phó Trung Quốc còn bộ Ngoại giao, bộ Thương mại và bộ Tài chính thì tập trung vào các vấn đề khác. Ông Kurd có nhiệm vụ vô cùng to lớn là tập hợp họ cùng tham gia vào chiến lược mà ông ấy dẫn dắt”.
Trong một loạt bài bình luận, ông Campbell cùng ông Ely Ratner, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia và ông Rush Doshi - giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings đã đưa ra những đề xuất cho chính sách đối ngoại mới của đảng Dân chủ, được thúc đẩy bởi chiến lược đa phương mạnh mẽ nhằm thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc.
“Gần một nửa thế kỷ kể từ khi Tổng thống Nixon thực hiện những bước đi đầu tiên tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung, có sự nhận thức ngày càng gia tăng rằng Washington một lần nữa quá tự tin vào sức mạnh của mình trong việc định hình quỹ đạo của Trung Quốc”, các chuyên gia Campbell và Ratner đánh giá trong một bài bình luận.
Thời gian gần đây, ông Doshi và ông Campbell cho rằng: “Sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã làm mất đi sự cân bằng vốn đã mong manh trong khu vực và thúc đẩy tham vọng mở rộng lãnh thổ của Bắc Kinh. Nếu không bị kiềm chế, hành vi của Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng đền nền hòa bình trong khu vực”.
Đáng chú ý, ông Campbell đã công khai ủng hộ một số quan điểm cứng rắn hơn của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc, đồng thời ca ngợi “những bước đi táo bạo” của Mỹ trong việc tiếp cận với Triều Tiên thời gian gần đây.
Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh cần phải có những thay đổi lớn về chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng, Mỹ nên dựa vào các quốc gia có cùng chí hướng, bao gồm cả các thành việc khác trong nhóm “Bộ Tứ kim cương” như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp, Đức.
Ông đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump đã tạo cớ cho Trung Quốc “viết lại một số quy tắc” trong khu vực do những chính sách đơn phương của ông Trump, từ việc phát động cuộc chiến thương mại đến việc đưa ra các luận điệu về một “cuộc chiến tranh Lạnh mới”.
Thay vào đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tái kết nối Mỹ với khu vực qua việc thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao và thương mại đa phương, cũng như tạo ra cơ chế hợp tác phù hợp với Trung Quốc để tránh một cuộc xung đột không cần thiết./.