Chính sách ủng hộ Israel khiến Mỹ “lạc nhịp” với các đồng minh
VOV.VN - Sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel khiến Washington ngày càng lạc nhịp với phần còn lại của cộng đồng thế giới bao gồm cả các đồng minh của họ và đó là điều mà Tổng thống Biden không phải muốn xảy ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với căng thẳng chính trị cả trong nước và quốc tế sau cuộc không kích của Israel vào trại tị nạn ở Rafah hôm 27/5 khiến 45 người thiệt mạng và 249 người khác bị thương, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.
Cuộc tấn công đã khiến Israel đối mặt với làn sóng lên án mạnh mẽ từ Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, cũng như các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar, Pháp, Italy...
Trong khi đó, Phát biểu trước Quốc hội Israel ngày 27/5, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng, cuộc tấn công này là một “tai nạn bi thảm”, đồng thời cam kết sẽ tiến hành điều tra.
Cuộc tấn công của Israel ở Rafah xảy ra nhiều tuần sau các cuộc biểu tình phản chiến tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Diễn biến mới nhất này cũng phơi bày tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Biden về mức độ ủng hộ Israel trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn nửa năm ở Dải Gaza, đặc biệt là khi ông phải đối mặt với chặng đường tranh cử đầy cam go.
Làn sóng phản đối bên trong đảng Dân chủ
“Nó khiến tình hình khó khăn trở nên tồi tệ hơn đối với ông Biden. Ông ấy đang cố gắng duy trì một chính sách nhất quán, nhưng vấn đề là ở chỗ, với nhiều người thì chính sách đó đang ủng hộ Israel quá nhiều, nhưng với một số người khác sự ủng hộ đó vẫn chưa đủ”, ông Richard Haass, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói về cuộc tấn công mới nhất của Israel ở Rafah.
Một số chuyên gia và nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, cuộc không kích của Israel cùng với báo cáo về việc xe tăng Israel tiến vào trung tâm Rafah hôm 28/5 rõ ràng đã vượt qua ranh giới đỏ của ông Biden và kêu gọi Tổng thống có phản ứng cứng rắn.
“Số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng và thảm họa nhân đạo ngày càng sâu sắc. Chính quyền của Tổng thống Biden nên tạm dừng hỗ trợ vũ khí tấn công cho chính phủ Israel cho đến khi họ thực hiện tất cả các yêu cầu, bao gồm cả việc dừng chiến dịch tấn công Rafah và đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo ở Gaza”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen nhấn mạnh.
“Rõ ràng là cố ý. Không ai có thể vô tình giết chết hàng loạt trẻ em và gia đình họ hết lần này đến lần khác rồi lại thốt lên rằng: ‘Đó là một sai lầm’”, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Rashida, người Mỹ gốc Palestine duy nhất trong Quốc hội Mỹ, bình luận trong bài đăng trên mạng xã hội X (trươc đây là Twitter).
Ông Brian Finucane, cố vấn cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng chính sách, của Mỹ cần phải thay đổi những hình ảnh bi thảm ở Gaza.
“Có những sai lầm, có những tai nạn không phải do cố ý, và có một cuộc không kích vào trại tị nạn đầy những người tuyệt vọng vì đã nhiều lần phải rời bỏ nhà cửa của mình. Israel sẽ phải giải thích lý do tại sao việc tấn công vào thời điểm đó lại khẩn cấp và bất chấp rủi ro cho dân thường đến vậy”, ông Finucane nói.
Israel vẫn chưa vượt qua lằn ranh đỏ?
Khi được hỏi liệu cuộc không kích hôm 27/5 có thể xếp vào loại “chết chóc và hủy diệt” và dẫn đến việc Mỹ từ chối cung cấp thêm viện trợ cho Israel hay không, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Israel đã nói rằng đây là một sai lầm bi thảm”.
Ông Kirby cho hay, Mỹ sẽ tìm kiếm các câu trả lời của Israel sau cuộc điều tra của họ về vụ tấn công vào trại tị nạn ở Rafah.
“Sau cuộc tấn công hôm 27/5, Mỹ không có sự thay đổi chính sách nào đối với Israel. Israel sẽ điều tra, chúng tôi sẽ quan tâm tới những gì họ tìm thấy và sẽ xem mọi chuyện đi tới đâu”, ông Kirby nói.
Theo ông Kirby, Mỹ không tin là Israel đã tiến hành một chiến dịch tấn công toàn diện vào Rafah khiến Tổng thống Biden phải thay đổi chính sách.
Khi được hỏi tại sao các cuộc tấn công của Israel vẫn chưa được coi là chiến dịch toàn diện, ông Kirby cho hay: “Chúng tôi chưa thấy Israel thực hiện việc đó với các đơn vị lớn, với hàng nghìn binh sĩ, theo một kiểu phối hợp chống lại nhiều mục tiêu trên bộ”.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, nếu Israel thực hiện cuộc tấn công toàn diện vào Rafah, phía nam Gaza thì điều đó sẽ vượt qua lằn ranh đỏ của Mỹ.
Mỹ “lạc nhịp” với đồng minh
Tổng thống Biden dù công khai chỉ trích cách Israel xử lý xung đột trong những tháng gần đây nhưng ông vẫn nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ của Mỹ với Israel. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3, Tổng thống Bien từng nhấn mạnh ông “sẽ không bao giờ rời bỏ Israel”.
Ông Bruce Riedel, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, từng làm việc về các vấn đề Trung Đông trong chính quyền tại Mỹ, nói rằng cộng đồng quốc tế ngày càng kêu gọi hành động chống lại Israel, khiến Mỹ trở nên “lạc lõng”.
Vài ngày trước cuộc không kích hôm 27/5, Tòa án Công lý Quốc tế, đã kêu gọi Israel ngừng ngay lập tức chiến dịch ở Rafah. Dù không mang tính ràng buộc, nhưng lời kêu gọi này được các đồng minh của Mỹ ủng hộ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông “phẫn nộ” trước cuộc không kích ở Rafah và các chiến dịch của Israel “phải dừng lại”. Ông cũng kêu gọi Israel “tôn trọng luật pháp quốc tế và ngừng bắn ngay lập tức”.
Tuần trước, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha đã tuyên bố chính thức công nhận nhà nước Palestine nhằm bày tỏ sự bất mãn với cách tiến hành chiến tranh của Israel ở Gaza.
“Lằn ranh đỏ đã bị vượt qua và nó lại bị vượt qua một lần nữa khi chúng ta đang nói đến nó ở đây. Mỹ dường như ngày càng lạc nhịp với phần còn lại của cộng đồng thế giới bao gồm cả đồng minh của họ và đó không phải là điều mà ông Biden muốn xảy ra”, ông Riedel nói.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò cho thấy, cử tri Mỹ không hài lòng về cách ông Biden xử lý vấn đề Israel. Một cuộc thăm dò do Wall Street Journal được thực hiện vào tháng 3 tại 7 bang chiến trường cho thấy, nhiều cử tri tin rằng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ giải quyết cuộc xung đột Israel-Hamas tốt hơn ông Biden, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 45% và 31%.
Mặc dù ông Trump chưa vạch ra kế hoạch riêng để giải quyết xung đột Israel-Hamas, nhưng ông chỉ trích chiến lược của Tổng thống Biden về Israel, tuyên bố rằng đảng Dân chủ “ghét Israel” và người Mỹ gốc Do Thái bỏ phiếu cho đảng này là “ghét” tôn giáo của chính họ.