Chính trường Thái Lan trước những diễn biến nguy hiểm
VOV.VN - Việc phe đối lập quyết lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck khiến nhiều người lo ngại bạo lực sẽ leo thang tại Thái Lan.
Một người biểu tình vẫy cờ Thái Lan trước một điểm bỏ phiếu sớm tại Bangkok buộc phải đóng cửa (Ảnh: Reuters) |
Diễn biến mới nhất này cho thấy chính trường Thái Lan đang có những bước tiến đầy nguy hiểm với việc có thể bạo lực sẽ gia tăng khi những người biểu tình thể hiện quyết tâm lật đổ chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck. Vụ việc này cũng cho thấy người biểu tình hoàn toàn có khả năng cản trở cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra ngày 2/2 tới.
Cho đến nay, các quan chức Đảng Pheu Thái cầm quyền đã ngỏ ý muốn trì hoãn cuộc bầu cử chính thức với điều kiện là người biểu tình và Đảng Dân chủ đối lập phải dừng mọi hành động tẩy chay bỏ phiếu. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy phe đối lập sẽ đồng ý với điều kiện này.
Việc cuộc bầu cử tại Thái Lan có thể bị hoãn được các nhà phân tích nhìn nhận như “một cuộc đảo chính về pháp lý”. Vì theo Hiến pháp Thái Lan hiện tại thì quy định bầu cử phải tiến hành “không sớm hơn 45 ngày và không trễ hơn 60 ngày sau khi Hạ viện giải tán”.
Tình hình tại Thái Lan trong thời gian tới được nhìn nhận sẽ vô cùng phức tạp, vì nếu phe đối lập tiếp tục có những hành động trắng trợn uy hiếp Chính phủ thì rất có thể sẽ khiến cho những người thuộc "phe áo đỏ" ủng hộ Chính phủ xuống đường.
Một người biểu tình ném chai xăng về phía cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Kiev (Ảnh: AP) |
Trong khi đó tại châu Âu, bất chấp nhiều nhượng bộ được Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đưa ra, tình hình tại Kiev vẫn rất căng thẳng. Nhiều người lo ngại, với những diễn biến như thế này, sẽ chưa có bất cứ lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng chính trị giữa phe đối lập và chính quyền tại Ukraine.
Ngày 25/1, Tổng thống Ukraine Yanukovich đã đề xuất chia sẻ chiếc ghế Thủ tướng cho nhà lãnh đạo đối lập Arsenly Yatsenyuk và chiếc ghế Phó Thủ tướng cho cựu võ sĩ quyền anh Vitali Klitschko. Theo đó, việc bổ nhiệm sẽ diễn ra nếu những người biểu tình ngừng tấn công các tòa nhà chính phủ.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đối lập tại Ukraine đã khước từ đề nghị đó của ông Yanukovich và nhấn mạnh nhấn mạnh, Ukraine cần một cuộc bầu cử Tổng thống mới cùng một loạt yêu sách khác.
Biểu tình bạo lực tại Ukrane tiếp tục bùng phát và chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt. Bộ Nội vụ Ukraine ngày 25/1 cho biết, 2 cảnh sát nước này đã thiệt mạng và 2 người khác đang bị người biểu tình bắt giữ.
Trong một diễn biến liên quan, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov ngày 23/1 cho biết, Moscow rất quan tâm và đang theo dõi sát sao các sự kiện diễn ra ở Ukraine, nhưng Nga sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine. Ông Peskov cũng đã chỉ trích sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Ukraine.
Cái bắt tay có thể là "bằng mặt nhưng không bằng lòng" của đại diện các bên liên quan về Syria tại Hội nghị Geneva 2 (Ảnh Reuters) |
Ngày 22/1, Hội nghị hòa bình Syria (gọi tắt là Hội nghị Geneva 2) đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây là lần đầu tiên, các cường quốc hàng đầu thế giới cùng với Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy đang chiến đấu chống lại ông Assad ngồi vào bàn đàm phán để cố gắng xóa bỏ những khác biệt, kỳ vọng chấm dứt cuộc nội chiến gần 3 năm qua ở quốc gia này.
Ngay trước thềm Geneva 2, việc Iran bất ngờ bị rút lại lời mời tham dự hội nghị một lần nữa cho thấy những bất đồng vẫn còn tồn tại giữa các bên liên quan.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã vạch ra một bức tranh ảm đạm về số phận hàng triệu thường dân Syria. Ông cũng lên án những hàng động xâm phạm quyền con người do các phe phái tại nước này gây ra.
Trong khi đó, các cường quốc phương Tây và Nga đang tìm mọi cách để xóa bỏ sự khác biệt trong quan điểm về việc liệu Tổng thống Assad có bị buộc phải từ chức để mở đường cho việc thành lập Chính phủ chuyển tiếp và ngăn chặn việc bạo lực leo thang tại nhiều khu vực trên khắp đất nước Syria hay không.
Tại Hội nghị lần này, sau những nỗ lực ngoại giao của Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi, đoàn đại biểu Chính phủ Syria và lực lượng đối lập ngày 25/1 đã đồng ý gặp trực tiếp nhau lần đầu tiên tại Geneva. Giới quan sát cho rằng, động thái này cho thấy 2 bên đang nỗ lực để có được một kết quả tích cực hơn, nhất là khi những diễn biến tại Geneva 2 những ngày qua không như kỳ vọng của nhiều người.
Những người ủng hộ quân đội và cảnh sát Ai Cập tập trung tại Quảng trường Tahrir (Ảnh: Reuters) |
Ngày 25/1, hàng ngàn người Ai Cập đã xuống đường tuần hành kỷ niệm 3 năm ngày lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak trong các cuộc "cách mạng" mang tên Mùa xuân Arab.
Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang leo thang tại Ai Cập, chính vì vậy, thay vì kỷ niệm sự kiện này, hàng nghìn người đã tụ tập xung quanh Quảng trường Tahrir để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tướng Abdel Fattah al-Sisi, người đã tham gia lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi, vị Tổng thống dân cử đầu tiên của nước này.
Trong khi đó, những người chống chính phủ cũng tiếp tục xuống đường biểu tình. Lực lượng an ninh đã phải phun hơi cay vào đám đông người biểu tình và bắn súng chỉ thiên để ngăn chặn những người biểu tình chống Chính phủ tiến vào Quảng trường Tahrir Square, biểu tượng chính của cuộc lật đổ diễn ra năm 2011.
Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, Ai Cập đã rung chuyển bởi hàng loạt các vụ đánh bom. Theo các quan chức y tế của nước này cho biết đã có 49 người bị thiệt mạng trong các vụ đụng độ trong suốt thời gian diễn ra biểu tình tại Cairo và nhiều thành phố khác trong dịp kỷ niệm 3 năm ngày lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters) |
Ngày 22/1, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Davos (Thụy Sĩ). Tại Hội nghị lần này, lần đầu tiên vấn đề bất bình đẳng về thu nhập được đưa vào nội dung chương trình nghị sự.
Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm nay với chủ đề "Tái định hình trật tự thế giới: Những tác động lên xã hội, chính trị và kinh tế". Chương trình chính thức của Hội nghị Davos cũng xoay quanh những chủ đề như đổi mới đột phá, tăng trưởng toàn diện, những kỳ vọng mới của xã hội...
Chỉ kéo dài hơn 4 ngày, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014 có đến gần 250 phiên họp, chưa kể các cuộc gặp bên lề không chính thức, các cuộc tiếp xúc bí mật...
Binh sỹ Hàn Quốc tại khu vực biên giới với Triều Tiên (Ảnh AFP) |
Triều Tiên đang tiếp tục có những động thái kêu gọi Hàn Quốc tăng cường đối thoại, hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.
Mới đây, trong bức thư ngỏ gửi Hàn Quốc, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (NDC) đã kêu gọi hai nước kết thúc những hành động quân sự chống lại đối phương.
NDC đã gửi một loạt những đề nghị thúc giục phía Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ và đề xuất ngừng mọi hành động quân sự khiêu khích và nói xấu lẫn nhau.
Tuy nhiên đáp lại, Hàn Quốc đã bác bỏ những đề nghị trên vì cho rằng đây chỉ là “luận điệu tuyên truyền của Triều Tiên” và cảnh báo rằng Triều Tiên đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một hành động khiêu khích với Hàn Quốc.
Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Sin Son-ho ngày 24/1 cũng nhắc lại lời kêu gọi cải thiện mối quan hệ liên Triều, đồng thời hối thúc Mỹ - Hàn dừng cuộc tập trận sắp tới.
Trước đó, ngày 24/1, Triều Tiên cũng đề xuất tổ chức các cuộc đoàn tụ cho những gia đình ly tán trong chiến tranh và động thái này ngay lập tức được phía Hàn Quốc hoan nghênh./.