Cuộc chiến kinh tế phương Tây phát động khó chặn đứng chiến dịch quân sự của Nga
VOV.VN - Đã hơn 3 tháng kể từ khi phương Tây phát động một cuộc chiến kinh tế đối với Nga nhằm buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng mọi thứ dường như không diễn ra theo kế hoạch.
Cuộc chiến kinh tế Nga-phương Tây
Đối với phương Tây, các biện pháp trừng phạt Nga không được coi là lựa chọn tốt nhất, nhưng đó được cho là lựa chọn khả thi nhất so với 2 phương thức khác gồm: không làm gì hoặc can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc chiến.
Vòng trừng phạt đầu tiên được đưa ra vào hôm 26/2, chỉ 2 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, khi nhiều người cho rằng Ukraine có thể thất thủ trong vòng vài ngày. Nhưng điều đó đã không xảy ra, kết quả là phương Tây dần gia tăng các lệnh trừng phạt. Đến ngày 2/6, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 6.
Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ rút quân khỏi Ukraine. Cây bút Larry Elliott của tờ Guardian cho rằng, điều này không mấy ngạc nhiên bởi các lệnh trừng phạt đã tạo ra hiệu ứng ngược, làm gia tăng chi phí dầu mỏ và khí đốt, thúc đẩy mạnh mẽ cán cân thương mại của Nga và giúp nước này có thêm kinh phí để phát triển sức mạnh quân sự. Trong 4 tháng đầu năm 2022, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt 96 tỷ USD – nhiều hơn gấp 3 lần con số cùng kỳ năm 2021.
Khi EU công bố lệnh cấm một phần đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Nga hồi đầu tuần này, giá dầu thô trên thị trường toàn cầu đã tăng, cung cấp cho Điện Kremlin thêm một lợi thế về tài chính. Nếu như EU đang “vật vã với cơn khát năng lượng”, thì Nga không gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường thay thế cho dầu mỏ và khí đốt của nước này. Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga sang Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh châu Âu mới chỉ bắt đầu tìm đường thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, một cuộc khủng hoảng tài chính trước mắt đối với nước này sẽ được ngăn chặn. Đồng rúp đang tăng trưởng mạnh nhờ sự kiểm soát vốn và thặng dư thương mại của nga gia tăng. Bởi vậy, Điện Kremlin sẽ có thời gian tìm kiếm các nguồn phụ tùng và linh kiện thay thế từ những quốc gia khác.
Điều này không có nghĩa là các lệnh trừng phạt không gây đau đớn cho Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm 8,5% trong năm 2022 khi hàng hóa nhập khẩu từ phương Tây sụt giảm. Nga có kho dữ trữ hàng hóa thiết yếu để duy trì nền kinh tế của họ nhưng theo thời gian, chúng có thể dần cạn kiệt.
Hệ lụy với toàn thế giới
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022 ở Davos, Thụy Sỹ hồi tháng 5 vừa qua, nhiều quốc gia đã công khai chỉ trích hành động quân sự của Nga và cam kết hỗ trợ Ukraine. Nhưng phía sau là nỗi lo về chi phí kinh tế của một cuộc chiến kéo dài.
Những lo ngại nói trên là điều không thể tránh khỏi. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng chóng mặt. Tại một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Anh, tỷ lệ lạm phát là 9% - mức cao nhất trong 40 năm qua. Giá xăng dầu đã đạt mức cao kỷ kục.
Do hậu quả của chiến tranh, các nền kinh tế phương Tây phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, thậm chí tăng trưởng âm và có khả năng rơi vào tình trạng lạm phát tồi tệ tương tự như những năm 1970. Nhiều ngân hàng trung ương sẽ buộc phải đối phó với tỷ lệ lạm phát tăng gần 2 con số bằng cách tăng lãi suất. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.
Với các quốc gia nghèo hơn trên thế giới, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Ở một số nơi, tình trạng lạm phát không phải là điều cần ưu tiên giải quyết hàng đầu mà là nạn đói, do hoạt động xuất khẩu lúa mì từ các cảng của Ukraine tại Biển Đen bị đình trệ
Ông David Beasley, giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới đã nói: “Hiện tại, các kho chứa ngũ cốc của Ukraine đã đầy. Nhưng 44 triệu người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nạn đói”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên Hợp Quốc đang lo ngại về một thảm họa nhân đạo tồi tệ sẽ xảy ra. Hiện nhiều quốc gia đang đối mặt cùng lúc 3 cuộc khủng hoảng: khủng hoảng nhiên liệu, khủng khoảng lương thực và tài chính. Sri Lanka là quốc gia đầu tiên tuyên bố vỡ nợ kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nhưng có lẽ đây không phải là quốc gia cuối cùng. Một số chuyên gia cảnh báo, thế giới đang tiến gần hơn đến một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện hơn bất cứ thời điểm nào kể từ những năm 1990.
Khi các lệnh trừng phạt hầu như không phát huy tác dụng, phương Tây cho rằng quyết định cung cấp các hệ thống vũ khí tiến tiên cho Ukraine sẽ giúp họ đạt được điều mà lệnh cấm năng lượng và tịch thu tài sản Nga đến nay vẫn chưa làm được là buộc ông Putin phải rút quân. Theo quan điểm của các chính trị gia châu Âu, thất bại hoàn toàn của Nga trên chiến trường sẽ khiến Tổng thống Putin phải chấm dứt chiến dịch quân sự, song khả năng này rất khó xảy ra.
Một kế hoạch khác là siết chặt vòng kiểm tỏa kinh tế với các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt hơn để khiến Nga lùi bước. Tuy nhiên, Điện Kremlin dường như đã chuẩn bị cho tình huống này và đang cố gắng chứng minh ngưỡng chịu đựng nỗi đau kinh tế của Nga cao hơn phương Tây.
Xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa thấy hồi hết song tác động của cuộc chiến kinh tế tới mọi mặt của đời sống rất rõ ràng: mức sống giảm ở các nước phát triển trong khi các nước đang phát triển phải đối mặt với nạn đói, khủng hoảng nợ công và mất an ninh lương thực. Cả Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin đều không có dấu hiệu nhượng bộ trong các cuộc đàm phán, nhưng giới phân tích với những hậu quả nghiêm trọng mà cuộc chiến gây ra, sớm hay muộn, một thỏa thuận cũng sẽ được ký kết./.