Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Thay địa điểm, kỳ vọng kết quả mới?
VOV.VN - Việc nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung được đánh giá một bước đi tích cực sau thỏa thuận đình chiến thương mại hai bên đạt được cuối tháng 6/2019.
Đúng thời điểm các nhà đàm phán Mỹ đang có mặt tại Thượng Hải nhằm tháo gỡ bế tắc cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước, Tổng thống Donald Trump hôm qua (30/7) đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc khi cho rằng, nước này vẫn luôn tìm cách sửa đổi thỏa thuận theo hướng có lợi cho mình. Đây cũng chính là lý do mà chính phủ Mỹ viện dẫn để giải thích cho sự đổ vỡ của vòng đàm phán mới đây nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Trump chỉ trích Trung Quốc hay thay đổi thỏa thuận. Ảnh: Reuters. |
Diễn ra tại Thượng Hải, nơi được mệnh danh là “thủ đô kinh tế của Trung Quốc”, đây là cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa hai nước sau thất bại của vòng đàm phán mới đây nhất hồi tháng 5/2019. Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã cáo buộc Trung Quốc “trở mặt” khi tìm cách phá bỏ chính những cam kết của mình.
Và lần này, ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Trung Quốc dường như đang bắt đầu tăng mua nông sản nhưng không gì có thể nói lên họ đang làm điều đó. Theo ông, đây là vấn đề với Trung Quốc, đơn giản là họ không làm điều mà họ nói sẽ làm. Nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa cho rằng, nước này đang ở “thế mạnh”, đặc biệt nhấn mạnh tới sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, mà theo ông là tồi tệ nhất trong 27 năm.
“Trung Quốc đã có một năm tồi tệ nhất trong 27 năm qua. Một năm khủng khiếp vì thuế quan. Rất nhiều công ty đang rời khỏi Trung Quốc. Bạn chưa bao giờ thấy điều này trước đây. Mỹ đang hoạt động rất tốt và chúng tôi đang kiếm thêm hàng chục tỷ USD từ Trung Quốc”, ông Trump nói.
Tổng thống Donald Trump yêu cầu chính quyền Trung Quốc không chỉ phải cắt giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, mà còn phải chấm dứt những hành vi thương mại “không công bằng” như chuyển giao công nghệ cưỡng ép hay trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu không đạt được thỏa thuận, cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua sẽ dẫn tới những biện pháp thuế quan trừng phạt đối với hơn 360 tỷ USD trao đổi thương mại mỗi năm.
Cả Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đều chưa đưa ra bất kỳ phát biểu nào kể từ khi tới Thượng Hải. Hôm nay (30/7), hai quan chức cấp cao Mỹ này có cuộc đàm phán kéo dài cả ngày với phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Tuy nhiên, những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Donald Trump đã làm gia tăng những hoài nghi rằng, các cuộc đàm phán tuần này sẽ khó có thể đạt được những bước tiến quan trọng.
Bất đồng thương mại giữa hai nước đã lan rộng sang lĩnh vực công nghệ với việc Mỹ hồi tháng 5 vừa qua quyết định đưa tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei vào danh sách đen vì những lý do về an ninh. Một lãnh đạo cấp cao Huawei hôm qua (30/7) đã phải thừa nhận những khó khăn bất chấp doanh thu bán hàng vẫn tăng trong quý 1: “Nguồn cung một số thành phần kém quan trọng hơn đã được nối lại. Song đối với các thiết bị quan trọng, khó khăn vẫn chưa được giải quyết, ví dụ như hệ thống Android. Vì thế sẽ có một số thách thức tại thị trường nước ngoài trong nửa cuối năm nay”.
Tổng thống Donald Trump mới đây thậm chí còn cảnh báo sẽ hủy bỏ quy chế quốc gia đang phát triển của các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới, một biện pháp được xem là đặc biệt là nhắm tới Trung Quốc. Trong một phản ứng mạnh mẽ, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ “kiêu ngạo và ích kỷ”. Truyền thông Trung Quốc hôm qua (30/7) nhấn mạnh, quan hệ Mỹ- Trung đang căng thẳng và kêu gọi Mỹ hành xử trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nếu muốn đi tới một thỏa thuận.
Dẫu vậy, việc nối lại các cuộc đàm phán được đánh giá một bước đi tích cực sau thỏa thuận đình chiến thương mại được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được hồi cuối tháng 6 vừa qua. Và giới phân tích kỳ vọng, Thượng Hải sẽ là nơi tháo gỡ những nút thắt trong quan hệ hai nước. Bởi cũng chính tại Thượng Hải, Mỹ và Trung Quốc năm 1972 đã ra thông cáo chung cùng tên, khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước./.