Dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn cho các cuộc bầu cử trên thế giới

Dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn cho các cuộc bầu cử trên thế giới

VOV.VN - Hàn Quốc là nước đầu tiên tổ chức bầu cử cấp quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong khi nhiều nước quyết định hoãn các cuộc bầu cử.

Hàn Quốc chưa bao giờ hoãn một cuộc bầu cử nào trước đây và đại dịch Covid-19 cũng không khiến nước này quyết định hoãn tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội ngày 15/4.

Trong khi đó, ít nhất 47 nước đã hoãn các cuộc bầu cử do dịch Covid-19, bao gồm: Sri Lanka, Anh, Pháp, Ethiopia. Ở Mỹ, một số bang đã hoãn các cuộc bầu cử sơ bộ ứng viên Tổng thống. Pháp cũng đã hoãn một số cuộc bầu cử địa phương sau khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt.

moon_jae_in_bau_cu_han_quoc_qhlp.jpg
Tổng thống Moon Jae-in đi bỏ phiếu sớm ngày 10/4. Ảnh: AP

Ba Lan quyết định tiến hành bầu cử Tổng thống ngày 10/5 tới bằng hình thức gửi lá phiếu qua đường bưu điện. Một số nước còn đang cân nhắc có tiến hành cuộc bầu cử đúng thời điểm dự kiến hay không.

Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với tình huống khó khăn: Làm thế nào để tổ chức một cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mà không khiến dịch bệnh lây lan rộng.

Các nước đang ở các giai đoạn khác nhau của dịch Covid-19. Dịch bệnh ở Hàn Quốc đã chạm đỉnh từ sớm, và đây cũng là một lý do chính phủ nước này nhận được nhiều lời đánh giá cao về việc kiểm soát dịch bệnh. Hàn Quốc không ban hành lệnh phong tỏa và trong số hơn 10.500 ca mắc bệnh, đã có hơn 7.400 ca phục hồi.

Hàn Quốc tổ chức bầu cử như thế nào?

Hàn Quốc cũng đã điều chỉnh một số quy định bầu cử theo hướng linh động hơn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tính đến 16h chiều 15/4, có đã có 26,3 triệu cử tri, tương đương 59,7% trong tổng số 44 triệu cử tri hợp pháp, đã hoàn thành nghĩ vụ của mình. Tỷ lệ này đã cao hơn so với con số 58% của năm 2016 và được dự báo là sẽ vượt mức 60% lần đầu tiên trong 16 năm kể từ khi tỷ lệ này đạt 60,6% trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2004.

Theo ủy ban bầu cử quốc gia Hàn Quốc, hơn 11 triệu người – chiếm 26,7% số cử tri đăng ký – đã bỏ phiếu sớm để tránh cảnh tụ tập đông người. Những người đi bầu cử sớm và cả những người đi bỏ phiếu đúng ngày 15/4 đếu được kiểm tra nhiệt độ ngay từ cửa vào. Các điểm bỏ phiếu được khử trùng thường xuyên và bất cứ người nào có nhiệt độ trên 37,5 độ C phải bỏ phiếu ở một địa điểm riêng biệt. Khoảng 20.000 nhân viên bổ sung được triển khai để thực hiện các biện pháp bất thường như thế này.

kiem_tra_nhiet_do_cfvt.jpg
Các cử tri phải đeo khẩu trang và được kiểm tra nhiệt độ từ lối vào. Ảnh: Yonhap.

Các điểm bỏ phiếu đặc biệt cũng được thiết lập tại các khu cách ly tập trung do chính phủ điều hành, và tất cả những người đang tự cách ly tại nhà cũng được phép rời khỏi nhà để đi bỏ phiếu sau khi các điểm bỏ phiếu công cộng đóng cửa lúc 18h ngày 15/4 theo giờ địa phương.

Các cử tri mà CNN phỏng vấn tỏ ra khá ủng hộ quyết định của chính phủ Hàn Quốc. Một số người nói rằng dịch bệnh đã khiến cho việc đi bỏ phiếu trở nên quan trọng hơn.

“Tôi không quá lo ngại về việc sẽ nhiễm virus (SARS-CoV-2) tại các điểm bỏ phiếu, bởi chúng tôi luôn ý thức việc giãn cách xã hội”, ông Lee Chang-Hoe, 53 tuổi, chủ một cửa hàng trong khu chợ ở Dongdaemun, nói.

“Cũng giống như một dòng sông đóng băng trong mùa đông, mặc dù có lớp băng dày trên về mặt nhưng nước vẫn chảy bên dưới – tôi nghĩ cuộc bầu cử này cũng vậy, mặc dù đại dịch đang bùng phát, các cuộc bầu cử vẫn diễn ra”, ông Lee Chang-Hoe cho biết.

Trong khi đó, ông Miha Hribernik, người đứng đầu bộ phận phân tích rủi ro châu Á tại công ty tư vấn Verisk Maplecroft cho rằng, cuộc bầu cử của Hàn Quốc cho thế giới thấy rằng việc tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh đại dịch vừa là điều có thể thực hiện, vừa đem lại lợi ích cho các nhà lãnh đạo đương nhiệm đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Cuộc bầu cử quốc hội ở Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này được dư luận thế giới đánh giá cao về cách kiểm soát dịch Covid-19 dù không cần dùng đến các biện pháp quyết liệt nhất. Chính điều này đã trở thành cú hích lớn đối với Tổng thống Moon Jae-in và đảng Dân chủ.

Theo một cuộc thăm dò của Gallup được công bố hồi tuần trước, Đảng Dân chủ của Tổng thống Moon Jae-in dẫn trước phe đối lập với tỷ lệ 41%/23%.

Lựa chọn vẫn tổ chức bầu cử

Các chuyên gia cho rằng, dù lựa chọn vẫn tổ chức bầu cử hay trì hoãn bầu cử đều có những rủi ro, không phải đối với sức khỏe cộng đồng mà là đối với nền dân chủ.

“Theo trực giác, chúng tôi cho rằng, việc trì hoãn một cuộc bầu cử nghe có vẻ như phản dân chủ. Nhưng thực ra tính dân chủ có thể sẽ vẫn bị ảnh hưởng nếu tổ chức một cuộc bầu cử trong những thời điểm như thế này”, Toby James, Giáo sư về chính trị và chính sách công tại Đại học Đông Anglia nói.

Đã có những tiền lệ trước đây về việc tổ chức bầu cử trong bối cảnh khủng hoảng. Năm 1864, Mỹ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống bất chấp việc nước này đang ở giữa cuộc nội chiến. Năm 1918, khi dịch cúm Tây Ban Nha khiến 675.000 người chết (chỉ riêng ở Mỹ), nước Mỹ cũng vẫn tổ chức cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, dù tỷ lệ người đi bỏ phiếu là khá thấp, theo New York Times.

 

“Bầu cử là một nhiệm vụ mang tính hậu cần khá lớn. Chúng đòi hỏi mất hàng năm trời lên kế hoạch và rất khó để điều chỉnh lại những điều đã được xắp xếp tổ chức này”, ông nói.

benh_nhan_covid_19_bo_phieu_tmqm.jpg
Các bốt bỏ phiếu đặc biệt cũng được thiết lập tại các khu cách ly tập trung do chính phủ Hàn Quốc điều hành. Ảnh: Reuters

Bang Queensland của Australia đã tổ chức cuộc bầu cử các cơ quan địa phương hôm 28/3, và ủy ban bầu cử bang gọi các cuộc bầy cử này là “một dịch vụ thiết yếu”. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc tổ chức bầu cử dấy lên “rủi ro chết người” và các chuyên gia chính trị cũng cảnh báo tỷ lệ đi bỏ phiếu sẽ thấp.

Giống như Hàn Quốc, bang Queensland cũng đã có các biện pháp phòng ngừa. Cử tri được yêu cầu đem theo bút cá nhân và nước rửa tay được đặt ở các điểm bỏ phiếu. Những người phải cách ly do Covid-19 được phép bỏ phiếu qua điện thoại và khoảng 1/3 số cử tri đi bỏ phiếu sớm, để giảm bớt số người đi bỏ phiếu trực tiếp trong ngày bầu cử chính thức.

Ở Australia, việc bỏ phiếu là nghĩa vụ bắt buộc và bất cứ ai không đi bỏ phiếu ở Queensland có thể bị phạt tiền khoảng 133 USD. Mặt khác, các con số ban đầu cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là khoảng 75%, thấp hơn so với 83% trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Tỷ lệ đi bầu thấp chỉ là một trong số các rủi ro trong việc tổ chức bầu cử trong bối cảnh đại dịch. Giáo sư James nói rằng, tỷ lệ cử tri đi bầu cũng đã giảm trong cuộc bầu cử các thị trưởng ở Pháp hồi giữa tháng 3 và cuộc bầu cử quốc hội được mong chờ từ lâu ở Mali vào khoảng 2 tuần sau đó.

Chuyên gia về luật bầu cử tại Đại học Queensland, Australia, ông Graeme Orr nói rằng, bang Queensland nên hoãn bỏ phiếu trực tiếp và thay bằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, việc bỏ phiếu qua đường bưu điện là “nguy hiểm” do những rủi ro về gian lận, các chuyên gia tin rằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện sẽ là phương thức quan trọng khi bất cứ nước nào muốn tổ chức bầu cử trong bối cảnh đại dịch.

Chiến dịch vận động bị tác động không nhỏ

Các cuộc bầu cử là khoảng thời gian để thảo luận về một loạt chủ đề mà người dân quan tâm. Tuy nhiên hiện nay, thực sự chỉ có 1 chủ đề thống trị các cuộc thảo luận.

Theo Giáo sư James, việc tổ chức một cuộc bầu cử trong bối cảnh khủng hoảng đồng nghĩa với việc các cuộc thảo luận thường sẽ bị hạn chế xung quanh chủ đề chính phủ của nước đó xử lý vấn đề như thế nào, có tốt hay không.

Đó là trường hợp đã xảy ra với cuộc bầu cử ở Queensland, khi mà các vấn đề không liên quan đến dịch bệnh gần như không được nói tới, theo chuyên gia Graeme Orr.

Một vấn đề khác là sự khó khăn của việc tiếp xúc cử tri. Đối với những nước đang áp đặt lệnh phong tỏa, thì các cuộc vận động, gặp gỡ cử tri dường như là điều không thể.

Đó cũng là điều mà cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon đã nhận thấy trong chiến dịch vận động năm nay. Ông nói rằng, những cái ôm, những cái bắt tay đôi khi còn có sức ảnh hưởng hơn cả lời nói, nhưng việc giãn cách xã hội khiến điều đó trở nên bất khả thi. “Chúng ta bị hạn chế trong việc bày tỏ cảm xúc ở thời điểm này”, ông nói với CNN khi vận động tranh cử ở quận Jogno, thủ đô Seoul. 

bo_phieu_so_bo_o_my_wqpc.jpg
Nhân viên giám sát bầu cử mặc đồ bảo hộ tại điểm bỏ phiếu sơ bộ ở Kenosha, Wisconsin, Mỹ ngày 7/4. Ảnh: Getty

Những năm gần đây, việc vận động tranh ở nhiều nước được tiến hành trực tuyến nhiều hơn, và các chiến dịch trực tuyến càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch như hiện nay. Những người không thể truy cập internet vốn đã bị gạt ra ngoài với những hình thức vận động như vậy sẽ càng bị cô lập hơn nếu không có các biện pháp khác để tiếp cận họ.

Lựa chọn hoãn bầu cử

Đối mặt với tất cả những vấn đề kể trên - và một cuộc khủng hoảng y tế đang lan rộng – một số nước đã lựa chọn hoãn bầu cử.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lựa chọn này cũng có những rủi ro. Đó là bởi các cuộc bầu cử là cần thiết để giữ được niềm tin của công chúng và đảm bảo tính hợp hiến.

Ví dụ ở bang New South Wales, các cuộc bầu cử chính quyền địa phương đã bị hoãn lại 1 năm, đồng nghĩa với việc các thị trưởng và thành viên hội đồng địa phương tiếp tục nắm quyền thêm 12 tháng nữa.

Sri Lanka cũng chưa ấn định thời điểm mới sau khi hoãn bầu cử Quốc hội theo dự kiến ban đầu vào ngày 25/4. Việc trì hoãn đã khiến nước này rơi vào tình thế khó khăn về mặt hiến pháp – quốc hội đã giải tán trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử theo dự kiến ban đầu, vì thế về mặt kỹ thuật, nước này hiện đang không có quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử Mahinda Deshapriya cho biết, bà sẽ chọn 1 ngày mới trong tháng 5 tới. Theo bà việc ấn định lại thời điểm bầu cử là điều cần thiết để giữ được lòng tin của công chúng đối với quá trình này. Bất cứ quyết định nào về việc trì hoãn bầu cử cũng phải được thực hiện với sự ủng hộ từ các chính đảng, để tránh tình trạng các nhà lãnh đạo đơn phương ra quyết định nhằm kéo dài nhiệm kỳ của mình.

Và khi các nước cuối cùng cũng tổ chức các cuộc bầu cử của mình, họ không những phải đảm bảo việc bỏ phiếu từ xa là có thể thực hiện được đối với bất cứ ai, mà còn phải đảm bảo việc đi bỏ phiếu trực tiếp được đảm bảo vệ sinh, theo và Repucci./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên