Động thái mới ông Kim Jong - un tại Đại hội Đảng nói lên điều gì?
VOV.VN - Giới chuyên gia cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sử dụng Đại hội Đảng lần này để công bố chính sách mới của mình với cộng đồng quốc tế.
Ngày 6/5 Triều Tiên đã chính thức khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VII tại thủ đô Bình Nhưỡng sau gần 36 năm gián đoạn, đây là sự kiện chính trị lớn nhất của quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua và cũng là sau nhiều tháng hoạt động bất thường tiến hành thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo, cả từ tàu ngầm, khiến quốc tế lo ngại và LHQ đã gia tăng trừng phạt.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh AP
Củng cố vị trí lãnh đạo
Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên là cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất của đất nước Triều Tiên sẽ xem xét các chính sách quan trọng của nhà nước, đánh giá các dự án trước đây, cất nhắc nhân sự cấp cao và sửa đổi các quy định của điều lệ Đảng.
Đại hội Đảng lần này, Triều Tiên đã không mời bất kỳ phái đoàn đảng phái, hoặc chính phủ nước ngoài nào tham dự, nhưng các nhà báo phương Tây lại được phép tới dự để đưa tin về sự kiện trọng đại này.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên hầu như đã tránh được các thảm họa thiên nhiên tồi tệ và nạn đói hoành hành như những năm trước. Tình hình kinh tế của quốc gia này cũng được cho là đã cải thiện một chút. Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, thì kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng khoảng 1% hàng năm tính từ năm 2011 đến năm 2014.
Đại hội Đảng Triều Tiên: khi ông Kim Jong-un khẳng định siêu quyền lực
Điều này có thể thúc đẩy ông Kim Jong-un tái khởi động Đại hội Đảng, như một cách để “khuếch trương” với thế giới rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, kinh tế Triều Tiên đã phát triển ổn định hơn, và tiềm lực hạt nhân ngày càng đạt được những tiến bộ, đủ để bảo vệ đất nước khỏi sự đe dọa của Mỹ.
Ông Kim Jong-un hiện giữ vị trí quan trọng, trong có chức Thư ký thứ nhất của Đảng Lao động và Tư lệnh tối cao của quân đội Triều Tiên với 1,2 triệu quân. Báo chí Hàn Quốc dự đoán, ông Kim có thể sẽ giữ chức Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, một vị trí vốn đã được gắn “vĩnh viễn” cho cựu lãnh đạo Kim Jong-il sau khi ông tạ thế vào năm 2011.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, điều này không mang nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, Chủ tịch Triều Tiên có khả năng sẽ thay thế một số nhân sự của đảng với những người trẻ, trung thành hơn với ông. Có thể không có sự xáo trộn lớn, nhưng những nhân vật quan trọng tuổi cao chắc chắn sẽ có cơ chế để họ rút về hậu trường.
Thực thi chính sách “song trùng phát triển”
Triều Tiên đã sẵn sàng cho việc ca tụng ông Kim cũng như những nỗ lực của ông trong việc củng cố chương trình vũ khí hạt nhân của họ - chương trình mà Bình Nhưỡng khẳng định là cần thiết để đối phó với các mối đe dọa quân sự từ phía Mỹ.
Hầu hết các chuyên gia phân tích đều nhận định, Chủ tịch Kim Jong-un không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên những chính sách quan trọng nhằm vực dậy kinh tế nước nhà cũng được đặc biệt quan tâm.
Người ta còn gọi đây là chính sách “song trùng phát triển” tức là cả kinh tế và hạt nhân đều được đấu tư và phát triển như nhau. Xuất phát từ quan điểm cho rằng, “kinh tế khó khăn Triều Tiên vẫn có thể sống, song không có hạt, tên lửa thì Triều Tiên không thể tồn tại”.
Các biện pháp trừng phạt Triều Tiên chỉ là “vòng luẩn quẩn”?
Được biết, những nhà lãnh đạo trên thế giới đã tỏ ra thất vọng khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, khi Triều Tiên mở một cuộc pháo kích vào một số địa điểm của Hàn Quốc. Có vẻ như sự kiện này là dấu hiệu của việc nhà lãnh đạo trẻ tuổi này sẽ đi theo chính sách của người cha và ông nội, tiếp tục duy trì sự căng thẳng với Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giờ đây sau bốn năm cầm quyền, loại trừ những sự kiện có vẻ mang tính phô trương này diễn ra, thế giới đã đang được thấy một Triều Tiên dần thay đổi. Với chính sách “byeongjin”. Theo đó, Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân song song với phát triển kinh tế.
Thay đổi để phát triển
Chỉ trong bốn năm ngắn ngủi, Triều Tiên đã có những thay đổi nhiều hơn cả hàng chục năm dưới thời ông nội và cha của ông Kim Jong-un.
Thế giới đang được thấy một Triều Tiên ngày càng độc lập hơn với Trung Quốc, có lúc ông Kim Jong-un đã cho đóng cửa biên giới với người láng giềng khổng lồ, và tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Những động thái củng cố quan hệ giữa Bình Nhưỡng và New Delhi đang ngày càng gia tăng, và Ấn Độ giờ đây đang là một trong những nước có ảnh hưởng lớn nhất ở Triều Tiên thông qua viện trợ và đầu tư. Nhưng, đáng kể hơn cả là những thay đổi trong nội tại của Triều Tiên, hay nói chính xác hơn là đường đi, nước bước của nước này.
Những chính sách khoán ruộng bắt đầu được triển khai, đánh dấu một bước ngoặt trong nền nông nghiệp Triều Tiên, dần thay cho mô hình hợp tác xã tồn tại hàng chục năm qua.
Các hoạt động dịch vụ, thương mại cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các thị trấn và thành phố; những người lao động Triều Tiên ngày càng có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới thông qua hình thức xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, Triều Tiên không hề sử dụng cụm từ nào đại loại như: cải cách, cải tổ, đổi mới hay mở cửa, hội nhập… Những định chế khép kín về kinh tế - xã hội vốn đã duy trì kể từ những năm 50 đến nay ở Triều Tiên đã bắt đầu bị loại bỏ dần dần, nhường chỗ cho một mô hình kinh tế - xã hội cởi mở hơn, vốn là tiền đề cho một đất nước năng động.
Bắn thêm 2 tên lửa, Triều Tiên ở thế đánh mất đồng minh?
Thế giới đã và đang chờ đợi những chính sách tích cực và cởi mở từ một nhà lãnh đạo trẻ tuổi như Kim Jong-un, và có vẻ như đến thời điểm này thì sự kỳ vọng ấy tỏ ra phần nào là đúng đắn, nhất là thông qua Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần này.
Theo giới phân tích, vấn đề là việc những đổi thay trong mô hình kinh tế - xã hội này có dẫn đến việc Bình Nhưỡng chấp nhận mở cửa đất nước và nền kinh tế hay không. Tuy không ai dám dự đoán chắc chắn, nhưng khả năng điều đó xảy ra là tương đối cao. Sau những chuyển động từ Cuba, Myanmar… thì điều rất có thể sẽ diễn ra ở Triều Tiên.
Bằng chứng là, năm 2009, mạng 3G bắt đầu được lắp đặt ở Triều Tiên, và đến năm 2012 đã có tới 1 triệu thuê bao, con số này tăng lên gấp đôi đạt mức 2 triệu vào năm 2013, trong khi dân số Triều Tiên chỉ có 25 triệu người.
Những thiết bị và công nghệ hiện đại như Smartphone, xe hơi hạng dắt tiền hay Tivi LCD cao cấp… được nhập khẩu vào Triều Tiên ngày càng nhiều hơn, các vợ con công chức nhà nước được khuyến khích tham gia các hoạt động kinh tế và thương mại, không còn cấm đoán như trước đây.
Những điểm nhấn của tình hình kinh tế - xã hội ở Triều Tiên cũng giống như Myanmar và Cuba cách đây vài năm. Trong bối cảnh mà nền kinh tế ngày càng năng động hơn trong nông nghiệp và thương mại, và xã hội cũng cởi mở hơn với việc các mạng di động đã ngày càng lan tỏa, thì rõ ràng việc quay trở lại cuộc sống khép kín trước kia là điều không thể.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng những động thái mới của Triều Tiên, nhất là thông qua Đại hội lần thứ VII của Đảng Lao động Triều Tiên, có thể đưa ra những quyết sách mới tạo động lực đưa đất nước Triều Tiên phát triển./.