Hé lộ địa điểm Nga có thể dùng để phóng tên lửa “bất khả chiến bại” Burevestnik
VOV.VN - Hai nhà nghiên cứu của Mỹ cho biết họ đã xác định được địa điểm mà Nga có thể sử dụng để triển khai tên lửa hành trình hạt nhân 9M370 Burevestnik mà Moscow ca ngợi là “bất khả chiến bại”.
Sử dụng hình ảnh do công ty vệ tinh thương mại Planet Labs chụp vào ngày 26/7, hai nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được một dự án xây dựng tiếp giáp với một cơ sở lưu trữ đầu đạn hạt nhân có tên Vologda-20 hay Chebsara. Đây là địa điểm mà Nga có thể sử dụng để phóng tên lửa Burevestnik mới. Cơ sở này cách Moscow 475 km về phía Bắc.
Decker Eveleth, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu và phân tích CNA, đã phát hiện hình ảnh vệ tinh và xác định những gì ông cho là 9 bệ phóng ngang đang được xây dựng. Chúng được đặt thành 3 nhóm bên trong tường bao để bảo vệ chúng khỏi bị tấn công hoặc để ngăn chặn một vụ nổ vô tình ở một nhóm làm kích nổ tên lửa ở những nhóm khác.
Có những con đường dẫn tới các tòa nhà bảo dưỡng tên lửa và linh kiện liên quan, cung như đến khu phức hợp gồm 5 boongke chứa đầu đạn hạt nhân.
Theo ông Eveleth, địa điểm này là “dành cho một hệ thống tên lửa lớn, cố định và hệ thống tên lửa lớn và cố định duy nhất mà Nga đang phát triển là Burevestnik (NATO gọi là Skyfall).
Đại sứ quán Nga tại Mỹ hiện chưa phản hồi đề nghị bình luận về thông tin trên, trong khi một người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng đây là vấn đề thuộc phạm vi của Bộ Quốc phòng,
Ở phía Mỹ, Bộ Ngoại giao, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Quốc gia (CIA), Trung tâm Tình báo Vũ trụ Không quân Mỹ cũng chưa đưa ra bình luận.
Ông Eveleth và nhà nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Montery cho biết, việc xác định địa điểm phóng tên lửa cho thấy Nga đang tiến hành triển khai tên lửa Burevestnik sau một loạt cuộc thử nghiệm gặp trục trặc trong những năm gần đây.
Ông Lewis đồng tình với đánh giá của chuyên gia Eveleth sau khi xem xét hình ảnh vệ tinh, nói rằng, các hình ảnh này “gợi ra điều gì đó rất độc đáo, rất khác biệt và rõ ràng là chúng ta biết rằng Nga đang phát triển tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân”.
Hans Kristensen thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cũng nhận định, hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy bệ phóng và các đặc điểm khác có thể liên quan đến tên lửa Burevestnik. Tuy nhiên ông chưa thể đưa ra đánh giá chắc chắn vì Nga thường không đặt bệ phóng tên lửa bên cạnh nơi cất giữ đầu đạn hạt nhân.
Thông thường Nga lưu trữ đầu đạn hạt nhân cho tên lửa phóng từ đất liền ở xa các địa điểm phóng, ngoại trừ những tên lửa thuộc lực lượng Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được triển khai của nước này.
Trong khi đó, ông Lewis và Eveleth cho rằng, việc triển khai Burevestnik tại Vologda sẽ cho phép quân đội Nga dự trữ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trong hầm ngầm, giúp chúng sẵn sàng phóng nhanh hơn.
Tên lửa Burevestnik đáng gờm cỡ nào?
Một báo cáo năm 2020 của Trung tâm Tình báo Không gian và Không quân Quốc gia của Mỹ cho biết nếu Nga đưa thành công tên lửa Burevestnik vào sử dụng, nó sẽ mang đến cho Moscow một “vũ khí độc đáo có khả năng xuyên lục địa”.
Dù vậy, với những hạn chế về thiết kế cũng như sau loạt cuộc thử nghiệm thất bại của Burevestnik, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về năng lực của tên lửa từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi là “bất khả chiến bại” này.
Theo Sáng kiến về mối đe dọa hạt nhân (NTI), một nhóm vận động tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro công nghệ mới nổi, hạt nhân và sinh học, kể từ năm 2016, trong số 13 lần thử nghiệm tên lửa Burevestnik, chỉ có 2 lần thành công một phần.
Pavel Podvig, một chuyên gia về lực lượng hạt nhân của Nga sống tại Geneva, cùng với Lewis, Eveleth và các chuyên gia khác cho rằng, Burevestnik sẽ không bổ sung thêm khả năng cho lực lượng hạt nhân của Moscow, bao gồm khả năng áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Theo ông Cheryl Rofer, cựu nhà khoa học vũ khí hạt nhân Mỹ, động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân của Burevestnik khiến nó có nguy phát xạ dọc theo đường bay, do đó, việc triển khai tên lửa này có nguy làm các khu vực xung quanh bị nhiễm xạ.
NATO chưa bình luận về việc liên minh sẽ phản ứng như thế nào với việc triển khai vũ khí này.
Hiện có rất ít thông tin về chi tiết kỹ thuật của Burevestnik. Tháng 3/2018, Tổng thống Putin từng tiết lộ về Burevestnik, nói rằng tên lửa sẽ “bay thấp”, với tầm bắn gần như không giới hạn, đường bay không thể đoán trước và “bất khả chiến bại” trước các hệ thống phòng thủ hiện tại cũng như tương lai.
Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về sức mạnh của Burevestnik. Tên lửa Burevestnik có thể có tầm bắn khoảng 23.000 km (tên lửa Sarmat, ICBM mới nhất của Nga có tầm bắm 17.700 km), trong khi tốc độ cận âm sẽ khiến nó dễ bị phát hiện.
“Burevestnik sẽ dễ bị đánh chặn như bất kỳ tên lửa hành trình nào. Nó bay càng lâu thì càng dễ bị đánh chặn vì có nhiều thời gian hơn để theo dõi”, ông Kristensen nói.
Việc triển khai Burevestnik không bị cấm theo New START, hiệp ước cuối cùng giữa Mỹ và Nga về hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2/2026.
Một điều khoản cho phép Mỹ yêu cầu đàm phán với Nga về việc đưa Burevestnik vào giới hạn. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hiện không có cuộc đàm phán nào như vậy.
Viện dẫn cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã từ chối lời kêu gọi đàm phán của Mỹ về việc thay thế New START, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân toàn diện khi hiệp ước này hết hạn.
Hãng thống tấn TASS ngày 1/9 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga sẽ thay đổi các hướng dẫn về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả những gì mà Moscow coi là sự leo thang của phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine.