Cần coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức
VOV.VN - Chiều nay (27/3), Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tiếp tục diễn ra.
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị, các cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, cấp cơ sở của các tỉnh ủy,… cùng hơn 959.000 cán bộ, đảng viên ở 7.439 điểm cầu từ Trung ương tới cơ sở trên toàn quốc.
Trong buổi chiều nay, các đại biểu đã nghe ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt, quán triệt chuyên đề tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo ông Phạm Minh Chính, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đảng ta luôn vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng.
Từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, báo cáo cũng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm lớn. Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, ông Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội XIII đặc biệt chú trọng trong công tác xây dựng Đảng với những nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng.
“Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đại hội XII chúng ta thêm 2 chữ “đạo đức”, Đại hội XIII chúng ta thêm 2 chữ là “cán bộ”. Như vậy Đại hội XIII có 5 nội dung cơ bản về xây dựng Đảng đó là: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tức là đặt vấn đề cán bộ thành một nội dung chứ không phải nội dung cán bộ nằm trong nội dung tổ chức như 12 nhiệm kỳ Đại hội vừa qua. Đây là điểm mới và cũng phù hợp với tình hình thực tiễn, như tôi phân tích, một trong 5 bài học của chúng ta đó là công tác cán bộ”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt nhận thức; nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội 13, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Trước đó, buổi sáng, khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng và cả hệ thống chính trị lần này để mỗi cán bộ Đảng viên nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Cùng đó, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ là bước đầu, điều quan trọng là các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là người đứng đầu phải sớm đưa nội dung nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.
“Ngay sau Hội nghị này các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa bằng các kế hoạch, đề án khả thi sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả, hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương đơn vị. Đặc biệt các cơ quan Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung nghiên cứu sớm cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách để sớm thực thi trong đời sống, kịp thời khắc phục hạn chế yếu kém mà Đại hội đã chỉ ra đó là: chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu chậm được khắc phục, năng lực cụ thể hóa thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, ông Võ Văn Thưởng cho biết.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư quán triệt 5 chuyên đề gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam; Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia.
Nội dung các chuyên đề tập trung vào những vấn đề cốt lõi, nhận thức mới, tư duy mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng (từ tầm bao quát, cách tiếp cận mới, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu chủ yếu, các khâu đột phá chiến lược…); khẳng định những thành tựu, nắm vững các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, nhất là của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; nhận diện đầy đủ và sâu sắc về thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời gian tới; liên hệ và vận dụng phù hợp theo yêu cầu, điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm xác định và chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Giới thiệu, quán triệt chuyên đề “Báo cáo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhắc lại chủ đề đại hội lần thứ XIII của Đảng với 5 thành tố trọng tâm, trong đó nhấn mạnh nội hàm mới của những nhân tố này.
Nhìn toàn cục của Báo cáo, có 2 nội dung bao trùm và xuyên suốt đó là khẳng định một cách đầy đủ, toàn diện nhất vai trò lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thứ 2 là nội dung “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới. Đề cập đến những nội dung mới trong xây dựng Đảng, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, vấn đề công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được đề cập rất rõ ràng trong báo cáo.
“Công tác xây dựng Đảng về cán bộ không chỉ chúng ta lựa chọn đúng, phát hiện đúng, đào tạo đúng, sử dụng đúng, quy hoạch đúng, bổ nhiệm đúng mà còn phải xây dựng được cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, phải làm việc được trên môi trường quốc tế. Công tác kiểm tra giám sát cũng, công tác phòng chống tham nhũng mạnh hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, nhưng trong này có nhấn mạnh là chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để không dám tham nhũng. Chúng ta phải có cơ chế khuyến khích để người ta không muốn tham nhũng. Phải có cơ chế pháp luật để xác định rất rõ những sai phạm để xử lý cán bộ mà vi phạm là không dám. Hoàn thiện cơ chế pháp luật để người ta biết được người ta làm như thế là đúng thì người ta không thể tham nhũng được vì quy định quá chặt chẽ, rõ ràng”, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Theo chương trình ngày mai (28/03), các đại biểu sẽ nghe báo cáo chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025; Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam; Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia./.