Indonesia lựa chọn chiến lược cân bằng giữa guồng xoáy cạnh tranh Mỹ-Trung

VOV.VN - Indonesia đang theo đuổi các kế hoạch hiện đại hóa quân sự lớn song song với việc duy trì quan điểm trung lập về hầu hết các vấn đề.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh sự tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm và lo ngại của các chính trị gia cùng các quan chức quốc phòng trong khu vực và trên thế giới.  

Khi Trung Quốc và Mỹ ra sức cạnh tranh để giành ảnh hưởng trong khu vực, cả hai đang đặt mục tiêu lôi kéo một quốc gia châu Á từ trước đến nay luôn giữ quan điểm trung lập, đó là Indonesia.

Cách tiếp cận cân bằng

Với hơn 270 triệu dân, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và thứ ba ở châu Á. Là một quốc đảo rộng lớn với hơn 17.000 hòn đảo, Indonesia nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ các tuyến giao thông hàng hải quan trọng từ Thái Bình dương sang Ấn Độ dương qua eo biển Malacca, nơi chiếm tới hơn 1/3 tổng lượng hàng hoá thông thương bằng đường biển trên thế giới.

Michael Green, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á và Nhật Bản, chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng: “Xét đến bối cảnh địa chính trị tương lai, Indonesia nằm ở một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng”.

Rất khó phủ nhận tầm quan trọng của Indonesia với Trung Quốc, Mỹ, với khu vực và thế giới. Nước này vẫn đang theo đuổi các kế hoạch hiện đại hóa quân sự lớn song song với việc duy trì quan điểm trung lập về hầu hết các vấn đề.

Từ trước đến nay, Indonesia luôn tránh chọn bên trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Jakarta từng là thành viên sáng lập của Phong trào Không liên kết trong Chiến tranh Lạnh và thậm chí đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của phong trào này vào năm 1955.

Mối quan hệ giữa Indonesia với phương Tây đã căng thẳng trong nửa cuối thế kỷ 20 do sự cạnh tranh giữa nước này với Australia, cùng sự ủng hộ của Mỹ và Australia đối với nền độc lập của Timor Leste. Đầu những năm 2000, sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Trung Đông cũng bị nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực tại Indonesia – quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất trên thế giới.

Tuy vậy, mối quan hệ giữa Indonesia và Mỹ đã được cải thiện trong những năm qua, chủ yếu do sự tăng cường hợp tác về an ninh, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố và sự hỗ trợ của Washingron sau trận động đất, sóng thần năm 2004 khiến hơn 130.000 người Indonesia thiệt mạng.

“Indonesia có một lịch sử phức tạp với Mỹ. Điều đó giống như một quả lắc, lắc qua lắc lại’, ông Michael Green nói.

Hiện đại hóa quân đội

Indonesia đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội với mục tiêu trở thành cường quốc quân sự ở châu Á. Hồi đầu năm nay, nước này đã công bố bản dự thảo, trong đó đề xuất chi tiêu hơn 100 tỷ USD cho mua sắm quốc phòng và khoản chi tiêu này sẽ được duy trì cho đến giữa những năm 2040. Mặc dù kế hoạch nói trên không nhằm đối phó với Trung Quốc nhưng sự trỗi dậy của Bắc Kinh đã khiến Jakarta lo ngại. Indonesia ngày càng lo lắng trước các hoạt động của Trung Quốc gần lãnh hải của nước này ở vùng biển Natuna trên Biển Đông.

Jakarta đã đặt mua 6 tàu khu trục đa năng FREMM và 2 tàu khu trục lớp Maestrale từ tập đoàn đóng tàu Fincantieri của Italy. Nước này cũng đang thử nghiệm một loại tàu tuần tra catamaran (tàu 2 thân) mới có tên gọi “tàu xe tăng” (tank boat) vì có tháp pháo trên nóc tàu. Tốc độ tối đa của con tàu hai thân này lên tới 40 hải lý/giờ, tương đương 74km/h. Con tàu dài 18m nhưng chưa có thông tin về lượng choán nước.

Sau khi bị mất một tàu ngầm trong cuộc tập trận hồi tháng 4/2021, Hải quân Indonesia đang hy vọng sẽ gia tăng hạm đội tàu ngầm từ 12 chiếc lên đến 36 chiếc. Các công ty của Hàn Quốc, Pháp, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản đang đưa ra các thiết kế tàu ngầm riêng với hy vọng sẽ thu hút sự chú ý Indonesia.

Ngoài việc tăng cường năng lực của hải quân, Indonesia cũng có kế hoạch nâng cấp lực lượng không quân. Nước này đang để mắt đến việc mua 8 máy bay chiến đấu F-15EX của Mỹ, 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp và 15 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của Áo. Indonesia cũng là một đối tác chung trong chương trình chế tạo máy bay chiến đấu KF-21 của Hàn Quốc và đang có kế hoạch mua 48 máy bay này.

Lục quân Indonesia đang bổ sung một loạt xe bọc thép, trong đó có xe bọc thép hạng trung mới, được phát triển dưới sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, để nâng cấp lực lượng gồm 103 xe tăng Leopard 2, xe bọc thép chở quân Pandar II do CH Séc sản xuất và xe bọc thép hạng nhẹ Komodo do Tập đoàn PT Pindad, nhà thầu quốc phòng hàng đầu Indonesia sản xuất.

Chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất

Ngoài việc mua sắm khí tài quân sự, Indonesia cũng tăng cường hợp tác với các quốc gia khác. Vào tháng 3/2021, nước này đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản về chuyển giao trang thiết bị và công nghệ của Nhật Bản cho Indonesia, mở đường cho hai bên tiến hành các cuộc tập trận chung.

Hồi tháng 6 vừa qua, Indonesia thông báo, Mỹ sẽ tài trợ việc xây dựng một căn cứ huấn luyện mới cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Indonesia trên đảo Batam, gần Eo biển Malacca và Eo biển Singapore.

Dù tăng cường hợp tác với Mỹ và đồng minh, nhưng Indonesia vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đã hỗ trợ Indonesia trục vớt chiếc tàu ngầm bị chìm ở Biển Java vào tháng 4 vừa qua. Bắc Kinh cũng đã gửi hàng chục triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đến Indonesia – nơi đang là tâm dịch của châu Á, với số ca mắc và ca tử vong tăng cao kỷ lục.

Trước sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh với phương Tây, các nước trong khu vực đã đưa ra những phản ứng khác nhau. Một số nước nghiêng về thỏa hiệp, một số nước, chẳng hạn như Ấn Độ lại nghiêng về đối đầu. Về phần mình, Indonesia tiếp tục giữ quan điểm trung lập trong khi chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. “Thành thực mà nói, Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo không thay đổi nhiều trong chính sách đối ngoại. Nước này hiện đang tập trung vào vấn đề đối nội”, nhà phân tích Green đánh giá.

Tuy vậy, trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Indonesia ngày càng nhận thức rõ mối đe dọa từ Bắc Kinh và giá trị của "một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" mà Mỹ và các đồng minh chủ trương thúc đẩy.

“Nhận thức rõ mối de dọa từ Trung Quốc, Indonesia đang âm thầm phát triển năng lực của nước này”, chuyên gia Green nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, vị thế của Indonesia sẽ chỉ gia tăng khi mà cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. “Thật ngạc nhiên là Indonesia đang nhận được sự chú ý không tương xứng với tầm quan trọng về địa chính trị của nước này. Nói cách khác, đây vẫn là điểm trọng yếu của một trong những khu vực quan trọng nhất hiện nay”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Bãi hầm phóng tên lửa hạt nhân thứ 2 của Trung Quốc" trong báo cáo khoa học của Mỹ
"Bãi hầm phóng tên lửa hạt nhân thứ 2 của Trung Quốc" trong báo cáo khoa học của Mỹ

VOV.VN - Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ (FAS) vừa công bố một báo cáo khoa học với những chi tiết đáng lo ngại về cái mà họ gọi là bãi các hầm phóng tên lửa hạt nhân thứ 2 của Trung Quốc.

"Bãi hầm phóng tên lửa hạt nhân thứ 2 của Trung Quốc" trong báo cáo khoa học của Mỹ

"Bãi hầm phóng tên lửa hạt nhân thứ 2 của Trung Quốc" trong báo cáo khoa học của Mỹ

VOV.VN - Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ (FAS) vừa công bố một báo cáo khoa học với những chi tiết đáng lo ngại về cái mà họ gọi là bãi các hầm phóng tên lửa hạt nhân thứ 2 của Trung Quốc.

Trung Quốc “trao quà” cho Taliban, Mỹ cảnh báo Afghanistan sẽ bị quốc tế bài xích
Trung Quốc “trao quà” cho Taliban, Mỹ cảnh báo Afghanistan sẽ bị quốc tế bài xích

VOV.VN - Ngày 28/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp phái đoàn Taliban. Động thái được cho là báo hiệu mối quan hệ ấm dần lên giữa hai bên khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu sắp rút hết khỏi Afghanistan.

Trung Quốc “trao quà” cho Taliban, Mỹ cảnh báo Afghanistan sẽ bị quốc tế bài xích

Trung Quốc “trao quà” cho Taliban, Mỹ cảnh báo Afghanistan sẽ bị quốc tế bài xích

VOV.VN - Ngày 28/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp phái đoàn Taliban. Động thái được cho là báo hiệu mối quan hệ ấm dần lên giữa hai bên khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu sắp rút hết khỏi Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ WHO quay lại Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ WHO quay lại Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19

VOV.VN - Các nhà điều tra của Tổ chức Thế giới (WHO) phải quay lại Trung Quốc để "nghiên cứu nguồn gốc" của đại dịch Covid-19, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định trong cuộc gặp với Tổng giám đốc WHO.

Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ WHO quay lại Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19

Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ WHO quay lại Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19

VOV.VN - Các nhà điều tra của Tổ chức Thế giới (WHO) phải quay lại Trung Quốc để "nghiên cứu nguồn gốc" của đại dịch Covid-19, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định trong cuộc gặp với Tổng giám đốc WHO.