Iran tung đòn trả thù, sao Mỹ chưa báo động chiến tranh?

VOV.VN - Đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về cách phản ứng đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran.

Ngày 8/1, Iran đã phóng 15 quả tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq nhằm đáp trả vụ không kích của Mỹ khiến Tướng cấp cao của Iran Qassem Soleimani thiệt mạng hồi tuần trước. Các động thái quân sự mới nhất của Mỹ và Iran làm dấy lên lo ngại nổ ra một cuộc chiến tranh tại vùng Vịnh. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về quyền hạn thực hiện hành động quân sự của Tổng thống Mỹ và khi nào thì Mỹ sẽ chính thức phát động chiến tranh với Iran.

Một tên lửa phóng đi nhằm vào căn cứ không quân al-Asad của Mỹ ở Iraq. Ảnh: Sima News.

Đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về cách phản ứng đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Ngay sau cuộc tấn công, Tổng thống Trump viết trên trang Twitter rằng: “Tất cả đều ổn! Tên lửa được phóng từ Iran nhắm vào hai căn cứ quân sự ở Iraq. Chúng ta có quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất ở bất cứ đâu trên thế giới, cho đến thời điểm này! Tôi sẽ đưa ra tuyên bố vào sáng mai”. Giới quan sát đã đưa ra những lý giải khác nhau về tâm thế có phần bình thản của Tổng thống Trump trước “đòn thù” của Iran.

Cuộc tấn công của Iran “không thực sự nghiêm trọng”

Phát biểu với VOX, Chuyên gia Ilan Goldenberg - Giám đốc Chương trình an ninh Trung Đông thuộc Trung tâm vì An ninh mới của Mỹ nhận định, sở dĩ chính quyền Tổng thống Trump chưa vội vã đưa ra phản ứng đáp trả là bởi họ đang xem xét đánh giá thiệt hại sau các cuộc không kích của Iran, suy tính nhiều kịch bản khác nhau, cân nhắc giữa được và mất. Cách giải thích thứ hai là các đợt tấn công của Iran “không thực sự nghiêm trọng”.

“Sau khi Mỹ sát hại Tướng Soleimani, Iran cho rằng cần phải làm một thứ gì đó một cách nhanh chóng, mang tính biểu tượng, một sự đáp trả công khai. Đó có lẽ là yêu cầu mà Lãnh tụ tối cao Iran đặt ra. Nhưng Iran không muốn kích hoạt một cuộc chiến tranh toàn diện. Cuộc tấn công của Iran rất táo bạo. Nó có ý nghĩa quan trọng, nhưng nó không gây nhiều thương vong cho người Mỹ. Như vậy có thể thấy Iran đã tìm ra một phản ứng tương đối tương xứng, ít nhất là trong thời điểm này”, ông Ilan Goldenberg bình luận.

Soleimani là một trong những nhân vật quyền lực nhất tại Iran. Ông là người có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong nước mà còn cả thế giới Arab. Vì thế, hành động trả đũa công khai của Iran một mặt nhằm trấn an dư luận trong nước nhưng mặt khác cũng chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy được Iran là quốc gia mạnh mẽ và rắn rỏi, không lùi bước trước mọi mối đe dọa. Theo chuyên gia Ilan Goldenberg, ngoài hành động quân sự “nóng”, Iran có thể thực hiện các biện pháp đáp trả khác theo thời gian, cả công khai lẫn bí mật, chẳng hạn như tấn công mạng máy tính của Mỹ, tấn công các đại sứ quán Mỹ hay thực hiện những vụ ám sát quan chức Mỹ…

Đánh giá về nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ với Iran, ông cho rằng: “Hiện tại, các bên không phải trong tình trạng chiến tranh mà chỉ ở trong tình huống căng thẳng gia tăng. Để phát động một cuộc chiến tranh cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ”.

Bị cản đường bởi Nghị quyết Quyền hạn chiến tranh

Theo Hiến pháp Mỹ, thẩm quyền chỉ đạo thực hiện hành động quân sự được phân chia giữa Quốc hội và Tổng thống. Quốc hội có quyền ban bố chiến tranh, trong khi Tổng thống với vai trò là Tổng tư lệnh có quyền sử dụng quân đội để bảo vệ đất nước.

Theo tài liệu lịch sử về luật pháp do Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ ban hành, ngay từ đầu, các Tổng thống Mỹ và Quốc hội đã tranh cãi về việc liệu Tổng thống có thẩm quyền hợp hiến để điều động lực lượng tham gia chiến đấu tại nước ngoài mà không cần có sự chấp thuận của Quốc hội hay không.

Những tranh cãi này đã mở đường cho việc ra đời Nghị quyết Quyền hạn chiến tranh được ban hành vào năm 1973 bất chấp sự phủ quyết của Tổng thống Richard Nixon thời điểm đó. Nghị quyết này đặt ra các điều khoản buộc Quốc hội và Tổng thống phải tuân thủ khi đưa quân đội Mỹ vào vùng chiến sự.

Nghị quyết yêu cầu Tổng thống phải tham khảo ý kiến “trong mọi trường hợp có thể” với Quốc hội trước khi điều động lực lượng. Tổng thống phải thông báo với Quốc hội trong vòng 48 giờ về việc đưa quân đội Mỹ vào một cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài. Những thông báo như vậy thường sẽ nêu chi tiết lý do đối với sự can dự của Mỹ, cũng như nêu cơ sở pháp lý và hiến pháp khi triển khai quân đội Mỹ. Thông báo cũng có thể bao gồm sự can dự sẽ kéo dài bao lâu.

Một khi lực lượng được triển khai, nghị quyết yêu cầu rút quân trong vòng 60 ngày (trong một số trường hợp là 90 ngày) nếu Quốc hội không phê chuẩn việc sử dụng vũ lực hoặc kéo dài thời hạn triển khai.

Phe Dân chủ cực lực phản đối

Cuộc không kích của Mỹ nhằm sát hại Tướng Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran đã gây leo thang căng thẳng với Tehran. Điều đáng lưu ý là Tổng thống Trump đã ra lệnh thực hiện cuộc tấn công này mà không tham khảo ý kiến hoặc thông báo trước cho Quốc hội. Theo lập luận của đảng Dân chủ, hành động của chính quyền đã đặt quân đội Mỹ vào một cuộc xung đột tiềm năng, thậm chí là một cuộc chiến tranh với Iran mà Quốc hội không cho phép.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nacy Pelosi cho biết, Hạ viện dự kiến tiến hành cuộc bỏ phiếu trong tuần này về Nghị quyết Quyền hạn chiến tranh để hạn chế khả năng hành động của Tổng thống Trump chống lại Iran. “Chính quyền ông Trump đã thực hiện một hành động khiêu khích và một cuộc không kích không tương xứng nhằm vào các quan chức quân sự cấp cao của Iran. Hành động này gây nguy hiểm cho những quân nhân, nhà ngoại giao của chúng ta và những người khác bằng cách làm leo thang căng thẳng với Iran”, bà Pelosi nói.

Tại Thượng viện Mỹ, nơi nghị quyết dự kiến sẽ phải đối mặt với một “trận chiến” khó khăn, Thượng nghị sỹ Dân chủ Tim Kaine cho biết ông sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu từ đa số các thành viên của đảng Cộng hòa. “Chúng ta không nên gây chiến với Iran dựa trên quyết định của Tổng thống mà không có sự tham khảo ý kiến của Quốc hội. Chúng ta không thể để Tổng thống tự mình đưa ra quyết định này”, ông Tim Kaine nói với kênh truyền hình MSNBC./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dấu hiệu Iran muốn hòa bình dù họ phóng nhiều tên lửa vào căn cứ Mỹ
Dấu hiệu Iran muốn hòa bình dù họ phóng nhiều tên lửa vào căn cứ Mỹ

VOV.VN - Sáng ngày 8/1/2020, Iran phóng hàng loạt tên lửa vào 2 căn cứ Mỹ ở Iraq. Nhưng ngay cả khi đó Iran vẫn có dấu hiệu kiềm chế và mong muốn hòa bình.

Dấu hiệu Iran muốn hòa bình dù họ phóng nhiều tên lửa vào căn cứ Mỹ

Dấu hiệu Iran muốn hòa bình dù họ phóng nhiều tên lửa vào căn cứ Mỹ

VOV.VN - Sáng ngày 8/1/2020, Iran phóng hàng loạt tên lửa vào 2 căn cứ Mỹ ở Iraq. Nhưng ngay cả khi đó Iran vẫn có dấu hiệu kiềm chế và mong muốn hòa bình.

Lãnh tụ Iran tuyên bố trả đũa, cảnh báo Mỹ về hậu quả nghiêm trọng
Lãnh tụ Iran tuyên bố trả đũa, cảnh báo Mỹ về hậu quả nghiêm trọng

VOV.VN - Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei hôm 8/1 cho rằng Mỹ có thể làm tổn hại Iran nhưng Washington sẽ gây hại cho chính bản thân nước này hơn gấp nhiều lần.

Lãnh tụ Iran tuyên bố trả đũa, cảnh báo Mỹ về hậu quả nghiêm trọng

Lãnh tụ Iran tuyên bố trả đũa, cảnh báo Mỹ về hậu quả nghiêm trọng

VOV.VN - Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei hôm 8/1 cho rằng Mỹ có thể làm tổn hại Iran nhưng Washington sẽ gây hại cho chính bản thân nước này hơn gấp nhiều lần.

Sự trả thù đầu tiên của Iran sau cái chết của Tướng Soleimani
Sự trả thù đầu tiên của Iran sau cái chết của Tướng Soleimani

VOV.VN - Sáng sớm 8/1, Iran tấn công vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, đúng 5 ngày sau khi tướng Soleimani bị sát hại trong cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad.

Sự trả thù đầu tiên của Iran sau cái chết của Tướng Soleimani

Sự trả thù đầu tiên của Iran sau cái chết của Tướng Soleimani

VOV.VN - Sáng sớm 8/1, Iran tấn công vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, đúng 5 ngày sau khi tướng Soleimani bị sát hại trong cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad.