Israel đang mất dần đồng minh vì chiến dịch quân sự ở Gaza

VOV.VN - Nhiều đồng minh phương Tây từng ủng hộ Israel đã công khai chỉ trích chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì chiến dịch quân sự kéo dài tại Gaza và việc phong tỏa viện trợ nhân đạo cho dân thường.

Sau các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, Israel nhận được sự ủng hộ chưa từng có từ cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện quyền tự vệ và phản công nhóm vũ trang ở dải Gaza của Palestine. Tuy nhiên, khi chiến sự kéo dài nhiều tháng mà không có lối thoát chính trị rõ ràng, sự ủng hộ từng rộng rãi này đã dần suy giảm, và nay đang chuyển thành làn sóng phản đối mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Trong vòng 2 tháng qua, Israel đã mất đi phần lớn sự hậu thuẫn từ các nước phương Tây ngoài Mỹ, đặc biệt sau khi chính phủ của ông Netanyahu chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 3 và phong tỏa hoàn toàn các tuyến viện trợ lương thực, nước uống và thuốc men vào Gaza – nơi đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Áp lực ngoại giao tăng mạnh từ đầu tháng 5, khi Thủ tướng Netanyahu phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm tái chiếm Gaza, thay vì chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn để giải cứu các con tin và kết thúc giao tranh.

Cơn sóng thần ngoại giao

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn thân cận đã kín đáo bày tỏ với ông Netanyahu rằng ông nên giảm leo thang chiến sự và cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận Gaza. Tuy nhiên, phần lớn những khuyến nghị này chưa được công khai.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã đưa ra các tuyên bố chỉ trích công khai.

Trong tuyên bố chung ngày 19/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Mark Carney và Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể đứng yên trong khi chính phủ của ông Netanyahu tiếp tục các hành động nghiêm trọng như hiện nay. Nếu Israel không chấm dứt cuộc tấn công quân sự mới và gỡ bỏ các hạn chế đối với viện trợ nhân đạo, chúng tôi sẽ có thêm các hành động cụ thể”.

Thủ tướng Netanyahu phản ứng gay gắt, cho rằng các nhà lãnh đạo phương Tây “đang hành động thay mặt Hamas”. Trong một tuyên bố video, ông nói: “Họ muốn Israel đứng im, chấp nhận để đội quân giết người hàng loạt của Hamas sống sót, tái xây dựng và tiếp tục lặp lại thảm kịch ngày 7/10 hết lần này đến lần khác, vì đó chính là điều Hamas tuyên bố sẽ làm”.

“Tôi gửi lời tới Tổng thống Macron, Thủ tướng Carney và Thủ tướng Starmer rằng: Khi những kẻ giết người, hiếp dâm, sát hại trẻ em và bắt cóc dân thường cảm ơn các vị, thì rõ ràng các vị đang đứng về phía sai trái của công lý, của nhân loại và của lịch sử”, ông Netanyahu chỉ trích.

Sự cô lập ngoại giao đối với Israel hiện đã vượt ra ngoài các tuyên bố chính trị. Ngày 23/5, Vương quốc Anh tuyên bố tạm dừng đàm phán thương mại với Israel, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các nhóm định cư Israel bị cáo buộc thực hiện các hành vi bạo lực chống lại người Palestine.

Pháp được cho là sẽ đồng tổ chức một hội nghị hòa bình với Saudi Arabia vào tháng tới, nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước và đang xem xét chính thức công nhận nhà nước Palestine.

Tây Ban Nha đã công nhận nhà nước Palestine từ năm 2024 cùng với Na Uy và Ireland. Tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez gọi Israel là “một quốc gia có hành vi diệt chủng” và kêu gọi loại Israel khỏi cuộc thi âm nhạc Eurovision.

Tại Brussels, 17 trong số 27 ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ đề xuất của Hà Lan, một đồng minh truyền thống của Israel, nhằm xem xét lại thỏa thuận thương mại và hợp tác giữa EU và Israel.

Sai lầm xuất phát từ tính toán chính trị nội bộ

Chính phủ Israel đã phản ứng trước các chỉ trích bằng việc cáo buộc một số nhà lãnh đạo châu Âu có xu hướng bài Do Thái, đồng thời cho rằng họ đang nhượng bộ áp lực từ các cộng đồng Hồi giáo trong nước. Tuy vậy, Israel cũng đã bắt đầu cho phép một phần viện trợ nhân đạo được chuyển vào Gaza, lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Theo một nguồn tin cấp cao trong chính phủ Israel, trong các cuộc họp Hội đồng An ninh hồi tháng 3, Ngoại trưởng Gideon Sa’ar đã cảnh báo Thủ tướng Netanyahu rằng việc cắt viện trợ sẽ không khiến Hamas suy yếu, mà ngược lại sẽ khiến Israel đánh mất lòng tin từ các đối tác quốc tế.

“Cuối cùng, chúng ta sẽ phải nhượng bộ và cho viện trợ vào trở lại do sức ép quốc tế. Và đúng là điều đó đã xảy ra. Đây là một sai lầm lớn, chủ yếu xuất phát từ tính toán chính trị nội bộ”, ông Sa’ar lập luận.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã giảm bớt nhiệt huyết với kế hoạch trục xuất toàn bộ 2 triệu người Palestine khỏi Gaza để xây dựng một “Riviera của Trung Đông” (ám chỉ khu nghỉ dưỡng hạng sang ven Địa Trung Hải kéo dài từ Pháp tới Italy), thì tuần trước, Thủ tướng Netanyahu lần đầu tiên khẳng định rằng cuộc chiến sẽ không kết thúc nếu kế hoạch này chưa được thực hiện.

Chính phủ Israel xem đây là cơ sở để thúc đẩy chính sách “di cư tự nguyện”, một cụm từ thường được hiểu là kế hoạch di dời hàng loạt người dân Palestine, trước tiên tới các “khu vực nhân đạo” tạm thời bên trong Gaza, và sau đó, lý tưởng nhất, là ra nước ngoài.

Một kế hoạch như vậy sẽ đồng nghĩa với việc san phẳng gần như toàn bộ Gaza. Nếu kế hoạch được thực hiện, giới quan sát cho rằng rằng Israel sẽ tiếp tục bị cô lập sâu sắc hơn trên trường quốc tế.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Quân đội Israel đặt mục tiêu kiểm soát 75% dải Gaza
Quân đội Israel đặt mục tiêu kiểm soát 75% dải Gaza

VOV.VN - Báo chí Israel cho biết, quân đội nước này đặt mục tiêu kiểm soát 75% dải Gaza trong vòng 2 tháng, đồng nghĩa với việc hơn 2,3 triệu cư dân Palestine ở Gaza bị dồn vào sống co cụm trong khoảng 1/4 diện tích còn lại của vùng đất này.

Quân đội Israel đặt mục tiêu kiểm soát 75% dải Gaza

Quân đội Israel đặt mục tiêu kiểm soát 75% dải Gaza

VOV.VN - Báo chí Israel cho biết, quân đội nước này đặt mục tiêu kiểm soát 75% dải Gaza trong vòng 2 tháng, đồng nghĩa với việc hơn 2,3 triệu cư dân Palestine ở Gaza bị dồn vào sống co cụm trong khoảng 1/4 diện tích còn lại của vùng đất này.

Hàng nghìn người Israel biểu tình kêu gọi chấm dứt chiến tranh Gaza
Hàng nghìn người Israel biểu tình kêu gọi chấm dứt chiến tranh Gaza

VOV.VN - Ngày 24/5, các cuộc biểu tình quần chúng yêu cầu Chính phủ Israel tiến tới thỏa thuận kết thúc chiến tranh tại Gaza, tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương ở Israel với hàng nghìn người tham gia.

Hàng nghìn người Israel biểu tình kêu gọi chấm dứt chiến tranh Gaza

Hàng nghìn người Israel biểu tình kêu gọi chấm dứt chiến tranh Gaza

VOV.VN - Ngày 24/5, các cuộc biểu tình quần chúng yêu cầu Chính phủ Israel tiến tới thỏa thuận kết thúc chiến tranh tại Gaza, tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương ở Israel với hàng nghìn người tham gia.

Tây Ban Nha kêu gọi cấm vận Israel để ngăn cuộc chiến Gaza
Tây Ban Nha kêu gọi cấm vận Israel để ngăn cuộc chiến Gaza

VOV.VN - Tiếp tục các nỗ lực quốc tế nhằm hạ nhiệt chiến sự và tiến tới kết thúc cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn một năm rưỡi qua tại Gaza, Ngoại trưởng Tây Ban Nha vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành cấm vận Israel để buộc nước này chấm dứt chiến tranh.

Tây Ban Nha kêu gọi cấm vận Israel để ngăn cuộc chiến Gaza

Tây Ban Nha kêu gọi cấm vận Israel để ngăn cuộc chiến Gaza

VOV.VN - Tiếp tục các nỗ lực quốc tế nhằm hạ nhiệt chiến sự và tiến tới kết thúc cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn một năm rưỡi qua tại Gaza, Ngoại trưởng Tây Ban Nha vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành cấm vận Israel để buộc nước này chấm dứt chiến tranh.