Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông:

Không có gì để chờ đợi!

Chuyến đi Trung Đông lần thứ hai của bà Hillary trong vòng 10 tháng qua với mục đích “gỡ bí” cho tiến trình hoà bình Trung Đông nhưng thực tế lại đẩy tình hình tiến sát hơn đến ngõ cụt

Ngày 2/11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có cuộc gặp với Ngoại trưởng các quốc gia Arab tại Morocco để thảo luận về tình hình Trung Đông, sau khi có cuộc gặp lãnh đạo Palestine và Israel cuối tuần qua. Tuy nhiên, ngay từ đầu, dư luận đã thấy chẳng có gì để đợi chờ, hy vọng từ các cuộc gặp này bởi nguyên nhân muôn thủa là Mỹ vẫn dành cho Israel sự thiên vị rõ rệt đến mức trắng trợn.

Xâu chuỗi lại một loạt các hoạt động mà chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm, không phủ nhận Mỹ đã nỗ lực “thổi luồng gió mới” vào tiến trình hoà bình Trung Đông, như bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu George Mitchell làm đặc phái viên về vấn đề này, không ngừng tổ chức các cuộc gặp cấp cao song phương và ba bên với Israel và Palestine... Cũng chính những ý tưởng hoà giải đó đã góp phần giúp Tổng thống Obama bất ngờ đoạt giải thưởng cao quý Nobel hoà bình. Tuy nhiên, cụm từ “quyết tâm” được ông Obama và các quan chức Mỹ sử dụng quá nhiều trong khi các hành động thực sự lại chẳng được là bao nhiêu.

Những ai càng mong chờ bao nhiêu vào một sự “đổi mới” trong thái độ của Mỹ với tiến trình hoà bình Trung Đông thì đã cảm thấy thất vọng tràn trề trước những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ khi đến thăm khu vực này. Bà Hillary Clinton khen ngợi lập trường của Thủ tướng Israel Netanyahu về việc không xây mới các khu định cư Do Thái là "chưa từng có tiền lệ"; trong khi đó, bác bỏ yêu cầu từ phía Palestine coi việc Israel ngừng xây dựng và mở rộng các khu định cư là điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán.

Thái độ thiên vị đối với Israel thể hiện rõ rệt ở việc nữ Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng thống Palestine trên lãnh thổ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất nhưng lại gặp Thủ tướng Israel tại Jerusalem - vùng đất tranh chấp mà cả hai bên đều coi là thủ đô của họ.

Những tưởng chính quyền mới ở Mỹ sẽ gây sức ép buộc Israel phải nhượng bộ, thực tế lại cho thấy hai khả năng Mỹ “bất lực” trước sự “cứng đầu” của Israel hoặc Mỹ đã không làm đủ trách nhiệm của họ. Đến mức, người phát ngôn của Tổng thống Abbas đã không ngần ngại mỉa mai rằng “Thủ tướng Israel Netanyahu giờ còn có nhiều ảnh hưởng ở Mỹ hơn cả ở Israel”.

Không cần phải nói nhiều về những hậu quả nặng nề mà thái độ thiên vị Israel của Mỹ gây ra, dư luận cũng đủ cảm thấy “chán ngán” và bi quan vào vai trò trung gian hoà giải của Mỹ. Không chỉ đẩy triển vọng nối lại đàm phán trở nên xa vời hơn, thái độ thiên vị của Mỹ đang đe doạ đến cả sự sống còn của chính quyền của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và của phong trào Fatah.

Mới đây nhất, Mỹ đã ép ông Abbas chấp nhận hoãn thảo luận bỏ phiếu tại Hội đồng nhân quyền LHQ về báo cáo chỉ trích Israel phạm tội ác chiến tranh khi gây chiến ở dải Gaza mùa đông năm 2008. Sự việc này đã hạ thấp uy tín của nhà lãnh đạo Palestine tới mức thê thảm với tỷ lệ ủng hộ ông này chỉ còn hơn 12% và ngày càng có nhiều yêu cầu đòi hỏi ông Abbas phải từ chức. Đây không chỉ là vấn đề của một nhà lãnh đạo mà là số phận của cả phong trào Fatah. Một khi ông Abbas và Fatah bị hạ bệ tại Palestine, phong trào Hamas lên ngôi, thì việc nối lại đàm phán và đạt được thoả thuận tại Trung Đông sẽ hoàn toàn trở thành “không tưởng”.

Nhìn vào cuộc gặp ngày 2/11, với thái độ thiên vị Israel như vậy, bà Hillary Clinton đã tự đặt mình vào thế “khó ăn khó nói” trước Ngoại trưởng các nước Arab - vốn đang chờ đợi Mỹ có sức ép mạnh mẽ hơn với Israel. Tiến trình hoà bình Trung Đông càng trở nên khó khăn, mịt mù hơn bao giờ hết !./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên