“Kịch bản Ai Cập” có lặp lại ở Yemen?

Dù có nhiều động thái mềm dẻo hơn ông Mubarak, nhưng Tổng thống Yemen Saleh có vẻ vẫn sẽ thua trong ván cờ tương tự ở Ai Cập.  

Khu vực Bắc phi – Trung Đông với những bất ổn của các cuộc biểu tình, chống Chính quyền và đòi các nhà lãnh đạo lâu năm từ chức vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Sau Tunisia, Ai Cập, một loạt quốc gia khác đang hết sức căng thẳng như Libya, Sirya, Bahrain rồi Yemen…

Mới đây nhất, ngày 24/3, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã đưa ra lời cam kết sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Song những diễn biến đang ngày càng phức tạp ở nước này khiến dư luận hết sức quan tâm và đặt câu hỏi: Liệu có lặp lại kịch bản Ai Cập ở quốc gia này?.

Trước sự mạnh lên không ngừng của phe đối lập, Tổng thống Ali Abdullah Saleh sẽ "trụ" được bao lâu?

Có lẽ, không muốn một “kết cục buồn” như của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Tổng thống Saleh, người cũng đã cầm quyền ở Yemen hơn ba thập kỷ đã có một động thái khôn khéo hơn khi vào đúng lúc đỉnh điểm của sự bất ổn ông đã đưa ra lời đề nghị tiến hành một cuộc bầu cử Tổng thống mới trước tháng 1/2012 thay vì vào tháng 9/2013, thời điểm nhiệm kỳ của ông mãn nhiệm.

Ông Saleh nêu rõ: “Bằng mọi phương thức tiến tới đối thoại chính trị, quyền lực có thể được chuyển giao một cách hòa bình thông qua các thể chế Hiến pháp.” Trong bài phát biểu với các sĩ quan cảnh sát và quân đội được phát trên truyền hình, ông Saleh cũng khẳng định “chúng ta quyết đảm bảo an ninh, độc lập và ổn định của Yemen bằng mọi cách”.

Cùng với đó ông đưa ra một biện pháp mềm mỏng để làm dịu tình hình căng thẳng bằng lời đề nghị ân xá cho những quân nhân đào ngũ và kêu gọi ông từ chức. Thế nhưng, khó mà khẳng định liệu Tổng thống Saleh có làm được như lời tuyên bố của ông hay hiệu ứng “domino” sau Tunisia và Ai Cập sẽ lại xảy ra với đất nước này khi theo dõi diễn biến những ngày qua.

Cũng bắt đầu bằng những cuộc biểu tình chống chính quyền nổ ra vào những ngày trung tuần tháng 1 năm nay, tình hình ở Yemen đã gia tăng căng thẳng khi hàng chục nghìn người đã chiếm khu quảng trường tại trung tâm các thành phố và thị trấn trong nước, đòi ông Saleh phải từ bỏ quyền lực.

Điều nguy hiểm cho số phận chính trị của Tổng thống Saleh là cùng với các cuộc biểu tình bạo động, một loạt cựu đồng minh của ông lại đã đưa ra lời cam kết trung thành với những người nổi dậy.

Một trong những nhân vật ấy là Trung tướng Ali Mohsen al-Ahmar - một viên tướng được coi là trụ cột của chế độ và cũng là người trong thân tộc của Tổng thống Saleh đã “đào ngũ” và tuyên bố sẽ “hậu thuẫn cách mạng hòa bình”. Thậm chí, những ngày gần đây Trung tướng al-Ahmar đã triển khai hàng nghìn binh sĩ tới bảo vệ những người biểu tình, đồng thời bố trí lực lượng thiết giáp tại Ngân hàng Trung ương và các tòa nhà Chính phủ trọng yếu tại Thủ đô Sanaa.

Người biểu tình Yemen đốt xe của chính quyền tại Aden. (Ảnh: BBC)

Ngoài các tướng lĩnh, nhiều quan chức Chính phủ, thủ lĩnh bộ tộc và các nhà ngoại giao cũng đã rời bỏ chính quyền sau khi xảy ra sự kiện các tay súng trung thành với Tổng thống Saleh nã đạn vào những người biểu tình ngày 18/3, làm 52 người thiệt mạng.

Cho đến nay, trừ Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed Nasser Ahmed vẫn trung thành với Tổng thống Saleh, hầu hết các Bộ trưởng trong nội các của đã từ chức hoặc bị sa thải.

Tình hình Yemen đang hết sức căng thẳng và đe dọa sẽ dẫn đến nội chiến. Một động thái mới nhất đang được Chính quyền của Tổng thống Saleh đưa ra là Quốc hội Yemen ngày 23/3 đã phê chuẩn Luật tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Tổng thống Saleh với thời hạn 30 ngày, cho phép tăng thêm quyền hạn cho lực lượng an ninh Yemen nhằm đối phó với các cuộc biểu tình đang có xu hướng gia tăng.

Mặc dù Luật tình trạng khẩn cấp đã thu được hơn 60% số phiếu ủng hộ của 164 nghị sỹ tại Quốc hội, nhưng nó cũng lại lập tức bị phe đối lập tại Yemen bác bỏ tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu.

Tình hình chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn khi hiện nay Liên minh các nhóm đối lập đã lên tiếng bác bỏ đề nghị của ông Saleh và đòi ông phải từ chức ngay lập tức. Liên minh này còn đe dọa rằng “những giờ sắp tới sẽ có tính chất quyết định”.

Bộ trưởng Quốc phòng Yemen Mohammad Nasser Ali ngày 21/3 tuyên bố quân đội ủng hộ Tổng thống Ali Abdullah Saleh và sẽ bảo vệ Tổng thống trước bất cứ "cuộc đảo chính chống lại dân chủ" nào.

Trong khi đó, cùng ngày 21/3, Tổng thống Saleh cũng đã phái Thủ tướng Abu Bakr al Qurbi đến Riyadh để vận động Saudi Arabia làm trung gian tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài đã 5 tuần qua. Thế nhưng, bất chấp những động thái đó, có thể thấy rằng, diễn biến tình hình ở Yemen đang rất bất lợi cho Tổng thống Saleh và sự ra đi như kiểu của Tổng thống Ai Cập có lẽ sẽ chỉ còn là thời gian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên