Giá dê, heo xuống thấp khiến người chăn nuôi Đồng Nai điêu đứng
VOV.VN - Tại tỉnh Đồng Nai, giá một số loại gia súc như dê, heo đang thấp. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của người chăn nuôi, kéo theo nhiều khó khăn trong cuộc sống và nỗ lực duy trì đàn gia súc. Ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đang tích cực tìm giải pháp để cải thiện tình trạng này.
Rớt giá, nông dân thua lỗ
Huyện Cẩm Mỹ có nhiều hộ dân sống bằng nghề nuôi dê. Những ngày này, gia đình chị Hồ Nàm Hỉnh (xã Lâm San) rất lo lắng vì tiền lãi ngân hàng đang là áp lực không nhỏ. Năm 2019, gia đình chị Hỉnh thế chấp sổ đỏ để vay 700 triệu đồng đầu tư nuôi đàn dê. Sau thời gian nuôi dê, gần đây chị Hỉnh quyết định nhập thêm 300 con dê đực với giá 160.000 đồng/kg.
Không như chị Hỉnh kỳ vọng, giá dê hơi liên tục giảm, hiện chỉ còn 70.000 đồng/kg. Chị Hỉnh gọi thương lái tới bán lỗ và giảm tổng đàn xuống còn 100 con. Thế nhưng, thương lái thì chẳng tới thu mua, còn tiền nợ vẫn đều đặn phải trả khiến chị Hỉnh sốt ruột.
Chị Hỉnh chia sẻ: "Chưa gặp tình trạng này bao giờ, dù tôi nuôi bao nhiêu năm rồi. Bây giờ như vậy thì trắng tay, không biết phải làm sao. Chắc tôi không có khả năng để trả".
Tương tự, gia đình anh Vòng Bành Xìn (xã Lâm San) cũng đang đứng ngồi không yên. Tổng đàn dê của gia đình anh Xìn là 400 con. Năm 2022, anh Xìn vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để nuôi dê. Do giá ngày càng giảm, anh Xìn càng nuôi càng lỗ. Với tình trạng như hiện nay, mỗi con dê xuất bán thì anh Xìn lỗ gần 2 triệu đồng. Đầu ra khó khăn, chăn nuôi thua lỗ, việc trả nợ ngân hàng đối với anh Xìn đang rất nan giải.
Nuôi dê là vậy, chăn nuôi heo cũng không khá khẩm hơn. Với chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, để có lãi thì giá bán heo hơi phải trên 55.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện nay, giá heo bán ra chỉ hơn 48.000 đồng/kg. Với mức này, người chăn nuôi lỗ hơn 500.000 đến gần 1 triệu đồng mỗi con heo.
Bà Lý Tâm Dần, ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất đang hết sức lo lắng với tình trạng giá heo xuống thấp. Tâm lý lo ngại thua lỗ đè nặng nên bà Dần buộc phải thu hẹp quy mô.
"Một bao cám cho heo tập ăn tới 680.000 đồng. Bây giờ heo thế này thì tôi không dám tái đàn nữa, ráng duy trì năm con heo giống thôi" - bà Dần bày tỏ.
Liên kết để có chuỗi chăn nuôi bền vững
Trước đây, dê được xem là loại vật nuôi xóa đói, giảm nghèo vì dễ chăm sóc, thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc chăn nuôi ồ ạt, đầu ra trôi nổi, không có nơi thu mua ổn định khiến người nuôi dê thường rơi vào cảnh thua lỗ.
Ông Trương Đình Bá – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cho biết: "Tình hình giá dê rớt xuống quá sâu mà thời gian kéo dài nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của bà con nông dân. Người chăn nuôi dê lúc này cực kỳ khó khăn".
Về vấn đề chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi heo gặp khó khăn, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: Nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước hiện mới đáp ứng được 35%, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, giá nguyên liệu nhập khẩu như bắp, lúa mỳ, đậu…tăng, đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: "Đứt gãy chuỗi cung ứng, cho nên giá nguyên liệu đầu vào và thức ăn chăn nuôi tăng. Chính vì vậy mà giá thành chăn nuôi cũng tăng lên".
Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, giải pháp là liên kết để đầu vào của sản xuất có chi phí thấp nhất, đầu ra có giá trị cao nhất. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương, các sở, ngành phải kết nối với nhau nhằm thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, mỗi hợp tác xã, mỗi một nông dân, doanh nghiệp đều phải cùng nỗ lực.
Theo ông Võ Văn Phi: "Việc này phải thông qua các cấp Hội Nông dân, những doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực, chất lượng tốt thì liên kết với người dân, có thể bán trả chậm".
Để giải bài toán giá cả bấp bênh cho ngành chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai cần phải có quy hoạch bài bản, tầm nhìn dài hạn về vùng chăn nuôi tập trung. Từ đó, áp dụng khoa học công nghệ mới vào trong chăn nuôi để đảm bảo chất lượng vật nuôi ở mức tốt nhất, đồng đều. Ngoài ra, việc chăn nuôi cũng cần phải gắn với khâu chế biến và thị trường tiêu thụ./.