Liệu Hamas có thực sự mong muốn ngừng bắn với Israel?

Theo các nhà phân tích khu vực, các nhóm vũ trang hồi giáo kiểu như Hamas không muốn một thỏa thuận được xác định rõ ràng và lâu dài bởi sợ bị ràng buộc và cưỡng chế.

Ngày 2/2, đại diện phong trào Hamas tại dải Gaza tuyên bố có thể chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn trong một năm với Israel. Tín hiệu tích cực này được phát đi trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc đàm phán giữa Hamas với nước trung gian hòa giải là Ai Cập về một thỏa thuận ngừng bắn mới tại Trung Đông; mở ra hy vọng có thể yên tiếng bom đạn tại vùng đất này.

Tuy nhiên, dư luận tỏ ra hoài nghi về thiện chí của Hamas đối với một thỏa thuận ngừng bắn với Israel, đồng thời trong ban lãnh đạo Israel cũng có mâu thuẫn nội bộ về việc có hay không đàm phán về ngừng bắn với Hamas.

Điều kiện mà Hamas đặt ra để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một năm là Israel phải dỡ bỏ phong tỏa ở dải Gaza và tái mở cửa các trạm biên giới vào dải đất này. Thực ra điều kiện này không có gì là mới mẻ, mà điều người ta đặt câu hỏi trước hết là “tại sao lại là 1 năm” chứ không phải một thỏa thuận dài hạn mà phía Ai Cập đang cố gắng thuyết phục hai bên chấp nhận? Nhìn lại thỏa thuận ngừng bắn trước đó giữa Hamas với Israel cũng có thời hạn “1 năm”, dường như Hamas muốn duy trì thời gian mà tổ chức này cho là “vừa phải” để có thể vừa đàm phán vừa “hù dọa” Israel.

Cuộc chiến tại dải Gaza bùng nổ cũng xuất phát sâu xa từ việc thỏa thuận ngừng bắn một năm giữa Israel và Hamas hết hiệu lực và nhóm này đơn phương chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn. Mặt khác, việc nhất quyết thời hạn “1 năm” cũng thể hiện tính phức tạp và chia rẽ trong nội bộ chính phong trào Hamas.

Giới quan sát lo ngại rằng việc chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn dường như mới là quyết định đơn phương của ban lãnh đạo Hamas ở Gaza, những người đang chịu nhiều sức ép trước khó khăn về kinh tế - xã hội do Gaza bị Israel phong tỏa, chứ chưa được lãnh đạo của phong trào này đang sống lưu vong ở Syria chấp nhận. Và như vậy, 1 năm cũng là đủ để nếu cần Hamas có thể thay đổi thái độ. Với những phân tích đó, có thể thấy tuyên bố tích cực mới của Hamas trên thực tế lại rất mong manh và cầm chừng.

Tuy nhiên, tại sao Hamas lại tuyên bố chấp nhận lệnh ngừng bắn vào lúc này, khi mà nhìn lại thì thấy nhóm này luôn muốn phá vỡ các thỏa thuận ngừng bắn với Israel? Dĩ nhiên, Hamas đã chịu nhiều tổn hại bởi các cuộc tấn công ác liệt của quân đội Israel và cũng muốn ngừng chiến để khôi phục lực lượng. Tuy nhiên, lên tiếng chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn vào lúc này là một sự tính toán khôn ngoan của Hamas.

Đã có nhiều nhà phân tích cho rằng Hamas đã không thua, mà thậm chí Thủ tướng của nhóm này đã bị cách chức – ông Haniyah - còn tuyên bố Hamas đã chiến thắng trong cuộc chiến ở dải Gaza. Thắng lợi lớn nhất mà Hamas đạt được có thể là một vị thế hợp pháp mà nhóm luôn muốn được quốc tế công nhận. Các nỗ lực hòa giải quốc tế, do nóng lòng muốn chấm dứt tiếng bom đạn ở dải Gaza, vô tình đã tạo cho Hamas vị thế này.

Mỹ và Liên minh Châu Âu thậm chí còn có phần hối thúc việc hòa giải dân tộc giữa Hamas với Fata hướng tới thành lập một Nhà nước thống nhất mà quên đi đòi hỏi Hamas phải thay đổi hiến chương bạo lực của nhóm. Trong bối cảnh như vậy, Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn để đường hoàng ngồi vào đàm phán với Israel và đàm phán với phong trào Fatah của Tổng thống Abbas.

Về phía Israel, vị thế của Hamas liệu có xứng đáng để đàm phán hay không là vấn đề đang gây rạn nứt trong nội bộ ban lãnh đạo Israel. Cả 2 quan chức chóp bu từng chủ trương không mở rộng cuộc chiến nay lại có quan điểm khác biệt về một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak thì cho rằng nên có thỏa thuận này và hoan nghênh vai trò trung gian tích cực của Ai Cập.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Livni thì phản đối và cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn sẽ vô hình chung hợp pháp hóa Hamas- phong trào mà Israel liệt vào danh sách các nhóm khủng bố. Rõ ràng, chính Israel đã đưa họ đến một tình cảnh khó khăn, khi mà họ buộc phải đạt được một thỏa thuận ngừng bắn để chấm dứt cuộc chiến đã gây nhiều thiệt hại cho dân thường.

Nhưng nếu ký một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, có nghĩa là tình hình tại dải Gaza lại trở về nguyên trạng như trước chiến tranh và cũng có nghĩa là cuộc chiến mà Israel tiến hành không đem lại cho nước này bất cứ điều gì.

Về chi tiết, có một số điểm mà người ta cho rằng cả hai bên Israel và Hamas sẽ khó dung hòa với nhau. Israel trước hết sẽ khó chấp nhận dỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn dải Gaza ngay lập tức. Trong khi đó Hamas cũng thẳng thừng bác bỏ ý định của Israel gắn việc trả tự do cho binh sỹ Shalit của Israel bị Hamas bắt cóc với thỏa thuận ngừng bắn mới.

Thay vào đó, Hamas vẫn khăng khăng chỉ trả tự do cho binh sỹ này nếu Israel trả tự do cho một số thành viên quan trọng của Hamas đang bị Israel bắt giữ. Về một phần quan trọng trong thỏa thuận ngừng bắn đang được bàn bạc là việc ngăn chặn buôn bán vũ khí qua cửa khẩu giữa Ai Cập với dải Gaza; Hamas tuyên bố sẽ không đảm bảo việc này bởi đây là trách nhiệm của phía Ai Cập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.