Ưu thế của Nga trong chiến tranh hạt nhân chiến thuật

VOV.VN - Học giả Mỹ Pyne cho rằng Mỹ không có cơ hội chiến thắng Nga trong một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế ở cấp chiến thuật. Ông Pyne cho rằng Nga được chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản đó.

Mỹ đẩy Nga về phía Trung Quốc và nguy cơ chiến tranh

Học giả Pyne (cựu sĩ quan tham mưu của lục quân Mỹ, lấy bằng thạc sĩ an ninh quốc gia tại Đại học Georgetown) cho rằng trong thế kỷ 21, chính sách đối ngoại của Mỹ nên là ly gián quan hệ quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Nhưng thực tế, theo quan sát của ông Pyne, Mỹ hiện đang theo đuổi một chiến lược đối ngoại khác, đó là tiến hành một cuộc chiến không tuyên với Nga ở Ukraine và chiến lược này đang thúc đẩy Nga và Trung Quốc tiến tới một liên minh quân sự thay vì chia tách họ. Theo Pyne, điều này trái ngược căn bản với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ cũng như chính Chiến lược An ninh quốc gia 2022 của chính quyền Tổng thống Biden, vốn tập trung vào cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc.

Khi nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, Mỹ vẫn chưa hình thành được một chiến lược răn đe hạt nhân để có thể răn đe thành công, chưa nói tới chuyện chiến thắng, trong một cuộc chiến tranh đồng thời với cả hai cường quốc hạt nhân.

Đô đốc Richard - Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ, đã tuyên bố rằng Mỹ bắt buộc phải tư duy lại chiến lược hạt nhân của mình để làm được như thế.

Lợi thế áp đảo của Nga trong xung đột hạt nhân chiến thuật

Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ đã phớt lờ tác động thực sự của việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Họ cho rằng việc sử dụng vũ khí như thế tất yếu dẫn tới việc “hủy diệt thế giới”, bất kể thực tế số vũ khí hạt nhân được sử dụng là ít và có sức công phá hạn chế, có thể chỉ dùng cho mục tiêu quân sự, và khi chưa rõ cách thức Mỹ phản ứng.

Theo Pyne, những vị này đã nhầm lẫn khi tin rằng giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga có cùng cách giả định với phương Tây, đó là trong chiến tranh hạt nhân, không có bên chiến thắng, từ đó bác bỏ khả năng Nga và Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân vì đó là hành động tự sát quốc gia. Pyne cho rằng các nhà lãnh đạo đó đã mặc định khi nghĩ Mỹ có thể chiến đấu an toàn chống lại Nga và Trung Quốc trong các cuộc xung đột quân sự trực tiếp với nguy cơ leo thang hạt nhân ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, sự thật là giới lãnh đạo Nga tin rằng chiến tranh hạt nhân, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân giới hạn, vẫn có thể phát động và mang lại chiến thắng cho bên nào chuẩn bị tốt nhất cho điều đó. Trên thực tế, không quốc gia nào trên thế giới chuẩn bị tốt nhất cho việc tiến hành và giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân như Liên bang Nga.

Nga có 3.300 đầu đạn hạt nhân chiến lược trong khi Mỹ chỉ có 1.515 đầu đạn hạt nhân chiến lược hoạt động được và 2.000 đầu đạt hạt nhân chiến lược đã bị dỡ bỏ một phần - số đầu đạn này không thể khôi phục về trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào thời điểm 6 tới 24 tháng sau khi Mỹ ban bố sắc lệnh hành pháp cho việc này.

Một điểm nữa, trong lúc Mỹ đang nỗ lưc gia tăng năng lực chế tạo đầu đạn hạt nhân lên mức 8 quả một năm thì cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ tướng Robert P. Ashley, Jr tuyên bố hồi năm 2019 rằng Nga đã nâng cao năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân của mình lên mức có thể chế tạo vài ngàn đầu đạn hạt nhân mỗi năm. Còn Trung Quốc cũng đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân lên mức khá cao. Đô đốc Charles Richard - Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ, ước tính quá trình xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ hoàn thiện cơ bản vào đầu năm 2024.

Ngoài ra, Nga còn sở hữu số tên lửa đạn đạo (ABM) nhiều gấp hơn 225 lần và các trung tâm chỉ huy tác chiến hạt nhân khó bị xuyên thủng kể cả hi bị trúng trực tiếp đòn tấn công hạt nhân. Nga có các hầm trú ẩn kiên cố có khả năng bảo vệ 60 triệu dân, tương đương 40% dân số nước này.

Nga tin rằng có thể giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân, “đặc biệt là trước các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân như Ukraine”, tương tự như chiến thắng hạt nhân của Mỹ đối với Nhật Bản vào năm 1945.

Trên thực tế, Nga đã triển khai 5.000 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, một nửa trong số là các vũ khí hạt nhân hiện đại cấp chiến trường, với sức công phá nhỏ từ 0,1 đến 1 kiloton, không phát ra bụi phóng xạ. Các vũ khí tân tiến này bảo đảm khi được sử dụng sẽ gây ra rủi ro ở mức thấp nhất đối với các lực lượng quân sự Nga bố trí gần đó.

Trong khi đó, Mỹ mới chỉ triển khai xấp xỉ 200 quả bom trọng trường B-61 tại 5 quốc gia thành viên ở Tây Âu, tạo cho Nga ưu thế hạt nhân áp đảo và thế chủ động trong leo thang căng thẳng.

Giải pháp thực tế cho Mỹ

Trong khi đó, việc tránh được Thế chiến III không phải là khoa học gì cao siêu. Mỹ chỉ cần giữ lực lượng quân sự của mình bên ngoài vùng ảnh hưởng của Nga cũng như Trung Quốc, đồng thời cắt viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine để khuyến khích nước này quay trở lại bàn đàm phán.

Trong cuộc cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc, ông Pyne cho rằng Mỹ nên cùng với các đồng minh theo đuổi chiến lược trừng phạt kinh tế toàn diện để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới cả về quân sự và kinh tế.

Theo Pynye, chưa bao giờ lại có nhu cầu lớn như hiện nay về việc chính quyền Tổng thống Biden cần đi đầu trong hợp tác giải quyết các tranh chấp với Nga và Trung Quốc một cách hòa bình thông qua các thỏa thuận toàn diện công nhận các lợi ích an ninh thiết yếu của cả 3 cường quốc hạt nhân. Học giả Pyne nhấn mạnh, đây chính là cách duy nhất để Mỹ và phần còn lại thế giới tránh xa bờ vực của một thảm họa hạt nhân toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên