Muôn kiểu xét nghiệm Covid-19 ở Trung Quốc
VOV.VN - Không chọn “sống chung với dịch”, để hạn chế đóng cửa và những thiệt hại do phong tỏa quy mô lớn gây ra, Trung Quốc đang “sống chung với xét nghiệm”.
Sự tấn công của Omicron đang khiến Trung Quốc - một trong những thành trì kiên cố nhất thế giới trước Covid-19 thấm đòn khi nhiều số liệu kinh tế tháng 4/2022 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đợt dịch đầu tiên ở Vũ Hán cùng các hệ lụy xã hội khác. Mặc dù vậy, khác với hầu hết phần còn lại của thế giới, Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược “Zero Covid”.
Xây dựng “vòng tròn lấy mẫu” trong 15 phút đi bộ
Trong cuộc họp trực tuyến tổ chức ngày 9/5/2022 của Cơ chế phối hợp phòng chống dịch bệnh Quốc vụ viện Trung Quốc, bà Tôn Xuân Lan, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng và cũng là người phụ trách cơ chế này, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các “vòng tròn lấy mẫu” axit nucleic trong vòng 15 phút đi bộ ở các thành phố lớn, nhằm nâng cao độ nhạy bén của việc giám sát và cảnh báo sớm dịch bệnh. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chính thức đề cập đến khái niệm này.
Tiếp đó, ngày 16/5, ông Mã Hiểu Vĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đăng một bài viết, lần đầu tiên đưa ra nhiều chi tiết hơn về việc thiết lập “vòng tròn lấy mẫu” này.
Theo ông, để phát hiện sớm hơn nữa dịch bệnh và hoàn thiện cơ chế giám sát thường xuyên, các tỉnh lị và thành phố với quy mô dân số trên 10 triệu sẽ thiết lập các “vòng tròn lấy mẫu” trong vòng 15 phút đi bộ, việc xét nghiệm sẽ được tiến hành định kỳ hàng tuần và tần suất xét nghiệm sẽ được tăng lên cho các nhóm trọng điểm.
“Vòng tròn lấy mẫu” 15 phút không chỉ xem xét đến vị trí đặt điểm xét nghiệm, mà còn bao gồm các tiêu chí thiết lập và bố trí nhân sự. Theo ông Mã Hiều Vĩ, “khi bố trí nhân viên lấy mẫu cố gắng không chiếm dụng các nguồn lực y tế hàng ngày, năng lực xét nghiệm của các cơ quan y tế tập trung đảm bảo việc chẩn đoán và điều trị bệnh hàng ngày”.
Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến việc quy hoạch sẵn các bệnh viện chỉ định chính và phụ, bệnh viện dã chiến vĩnh viễn và các điểm cách ly tập trung, nhằm có thể phản ứng nhanh khi dịch bùng phát.
Trên thực tế, trước khi lãnh đạo cấp cao và quan chức phụ trách cơ quan y tế đề cập đến khái niệm “vòng tròn lấy mẫu” 15 phút, các địa phương ở Trung Quốc đã bắt tay xây dựng hàng loạt điểm xét nghiệm, bởi giờ đây kết quả xét nghiệm trong vòng 48 giờ, 72 giờ hay 7 ngày đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với người dân ở quốc gia này nếu muốn đi học, đi làm, hay đơn giản là đi chợ mua thức ăn.
Xét nghiệm Covid-19 - “chuyện thường ngày” ở Trung Quốc
Việc xét nghiệm thường xuyên được rút ra từ kinh nghiệm chỉ phong tỏa 1 tuần nhờ xét nghiệm đại trà của Thâm Quyến và tránh để bị rơi vào tình cảnh như Thượng Hải. Giờ đây, xét nghiệm đã được “bình thường hóa” ở Trung Quốc như một thói quen hàng ngày và nhu cầu tất yếu của cuộc sống.
Là tâm dịch ở Trung Quốc thời gian qua, tính đến 12/5, hơn 9.900 điểm lấy mẫu đã được thiết lập ở Thượng Hải, trong số đó hơn 5.700 điểm đã được đưa vào hoạt động với công suất xét nghiệm đạt hơn 8 triệu ống mỗi ngày. Các điểm xét nghiệm được đặt ở khắp nơi, từ khu dân cư, công viên, tòa nhà văn phòng, đến lối vào ga tàu hỏa hay bến tàu điện ngầm, để giúp người dân chỉ mất 15 phút là có thể làm được xét nghiệm.
Bắc Kinh cũng tuyên bố “bình thường hóa” việc xét nghiệm và yêu cầu người dân khi vào các địa điểm công cộng như các cơ quan đảng và chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm, siêu thị, khách sạn, nhà hàng... phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ kể từ 12/5.
Hàng Châu – một trong những thành phố đầu tiên triển khai xét nghiệm thường xuyên ở Trung Quốc từ 28/4, cho biết đã lập hơn 10.000 điểm xét nghiệm thường trực miễn phí. Theo phụ trách Ủy ban Y tế thành phố, Hàng Châu thiết lập các điểm lấy mẫu theo tiêu chuẩn “1530”, tức đến điểm lấy mẫu trong vòng 15 phút đi bộ và xếp hàng chờ không quá 30 phút. Cộng đồng dân cư từ trên 3.000 người và đơn vị có trên 500 người thiết lập ít nhất một điểm lấy mẫu. Tại những nơi công cộng trọng điểm đông dân cư đều phải có các điểm xét nghiệm.
Theo ước tính của Shanghai Securities dựa trên số liệu của Hàng Châu, nơi đã thiết lập 10.000 điểm lấy mẫu, nếu chỉ tính dân số nội đô, Trung Quốc sẽ cần tăng thêm ít nhất 750.000 điểm xét nghiệm mới trên toàn quốc với hơn 1.000.000 nhân viên lấy mẫu và xét nghiệm. Thời gian gần đây, công tác tuyển dụng đang được đẩy nhanh ở nhiều nơi, khiến nghề lấy mẫu và xét nghiệm PCR bỗng chốc trở thành ngành “hot” ở Trung Quốc.
Theo truyền thông nước này, một số cơ sở xét nghiệm PCR ở Thượng Hải đang trả mức lương hàng ngày cho trợ lý phòng thí nghiệm xét nghiệm Covid-19 là 1.500 nhân dân tệ (223 USD) và 2.000 nhân dân tệ (296 USD) cho nhân viên xét nghiệm trung cấp. Các trang web săn việc làm cũng cho thấy, ở Bắc Kinh, lương tháng của những nhân viên lấy mẫu axit nucleic có thể lên tới hơn 10.000 nhân dân tệ (1.483 USD). Tại Trịnh Châu, Hà Nam và các thành phố hạng hai khác, mức lương hàng tháng cho vị trí này dao động từ 4.000 nhân dân tệ (593 USD) đến 8.000 nhân dân tệ (1.187 USD).
Muôn kiểu xét nghiệm: Chia ngày chẵn lẻ, chia theo giới tính...
Theo thông báo của Bắc Kinh, để đáp ứng các yêu cầu về chứng nhận PCR âm tính trong 48 giờ từ 12/5, thủ đô của Trung Quốc đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm “chia quận theo ngày chẵn lẻ” kể từ ngày 10/5. Sáu quận gồm Đông Thành, Tây Thành, Triều Dương, Hải Điện, Phong Đài và Thạch Cảnh Sơn xét nghiệm ngày lẻ; 10 quận hành chính còn lại và Khu Phát triển Kinh tế làm vào ngày chẵn.
Trong khi đó, thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc Trung Quốc sắp xếp xét nghiệm theo giới tính vào hai ngày khác nhau trong tuần từ 17/5, lý do là nhằm cải thiện độ nhạy và tính kịp thời trong xét nghiệm.
Theo đó, các cư dân nam sẽ lấy mẫu vào các ngày Thứ Ba, trong khi các cư dân nữ thực hiện vào các ngày Thứ Năm, cả hai giới tính cùng được xét nghiệm vào các ngày Thứ Bảy. Chính quyền địa phương giải thích, việc tách biệt xét nghiệm cho các thành viên nam và nữ trong một hộ gia đình tương đương với việc giám sát cùng một gia đình hai lần/tuần, tối đa hóa chức năng cảnh báo rủi ro trên cơ sở tiết kiệm và thuận tiện nhất.
Theo chính quyền địa phương, biến thể Omicron lây lan nhanh, có thể tạo ra một thế hệ truyền bệnh mới trong vòng trung bình từ 2-3 ngày, do đó các nhóm người khác nhau được sắp xếp xét nghiệm vào các ngày Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Bảy hàng tuần sẽ giúp xác định các rủi ro và đạt được phát hiện sớm.
Trong khi đó, thành phố Nam An, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam Trung Quốc, bắt đầu thực hiện xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình từ ngày 21/5, tức mỗi hộ gia đình có một phiếu hẹn được đánh số duy nhất và cử một người tham gia lấy mẫu, nhưng người lấy mẫu không được trùng lặp trong 2 lần xét nghiệm liên tiếp. Quy định tương tự cũng được áp dụng cho một phòng ký túc xá của doanh nghiệp hay những người sống trong cùng một ngôi nhà ở vùng nông thôn.
Thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, từ 23/5 chính thức áp dụng “Chứng nhận xét nghiệm PCR” trên toàn thành phố. Theo đó, nếu xét nghiệm không được thực hiện theo tần suất chỉ định, chứng nhận này sẽ chuyển từ màu xanh sang màu xám, tức không thể đi đến nơi công cộng, cũng không thể tham gia giao thông. Về tần suất, cư dân phải xét nghiệm ít nhất 1 lần mỗi 5 ngày, trong khi các đối tượng trọng điểm được yêu cầu phải xét nghiệm 1-3 ngày/lần tùy từng công việc cụ thể.
Một quan chức của NHC cho biết hồi tháng 4, kể từ khi đợt bùng phát Covid-19 ban đầu vào đầu năm 2020 đến tháng 4/2022, Trung Quốc đã hoàn thành khoảng 11,5 tỷ cuộc xét nghiệm PCR.
Các chuyên gia cho rằng, việc xét nghiệm thường xuyên là khá tốn kém và không hẳn là biện pháp tối ưu. Theo tính toán của ông Đào Xuyên, nhà phân tích vĩ mô của Công ty tư vấn tài chính - chứng khoán Soochow, nếu tất cả các thành phố từ cấp hai trở lên của Trung Quốc với khoảng 505 triệu dân xét nghiệm hàng loạt, chi phí trong một năm có thể lên tới 1.700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 257 tỷ USD), tương đương 1,5% GDP của nước này năm 2021.
Trong khi đó, Nomura Securities ước tính nếu 70% dân số Trung Quốc xét nghiệm 2 ngày/lần, chi phí này tương đương 1,8% GDP của nước này, trong khi tổng chi tiêu cho y tế của Trung Quốc năm 2020 chỉ chiếm 7,1% GDP.
Tuy nhiên, mức chi phí có vẻ cao này vẫn ít hơn những thiệt hại kinh tế do đóng cửa cả một thành phố gây ra. Nghiên cứu của giáo sư Tống Tranh, Đại học Trung văn Hong Kong, cho thấy nếu một siêu đô thị như Thượng Hải phong tỏa trong hai tuần, sẽ ảnh hưởng đến GDP của Trung Quốc khoảng hai điểm phần trăm trong tháng đó. Dựa trên GDP năm 2021, nếu 1/10 số thành phố của Trung Quốc đóng cửa trong hai tuần, thiệt hại kinh tế hàng tháng sẽ lên tới gần 300 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3.600 tỷ nhân dân tệ/năm.
Ông Đào Xuyên cũng cho rằng, đây không phải là giải pháp tối ưu trong phòng chống dịch do Omicron hiện nay ở Trung Quốc, nhưng so với phong tỏa vẫn là giải pháp ít tốn kém hơn. Ông ước tính thiệt hại hàng tháng có thể lên tới 156,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 24 tỉ USD) nếu các thành phố lớn nhất nước như Thượng Hải đóng cửa trong hai tuần.
Khác với phản ứng của nhiều quốc gia trước Covid-19, với chính sách “không Covid-19 năng động”, việc xét nghiệm PCR thường xuyên đang trở thành phương thức chủ yếu để Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Nhưng khả năng lây lan ngày càng nhanh của các biến thể Covid-19 đang đặt ra không ít thách thức.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Nhậm Kiến Minh, giáo sư Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, cho rằng dịch đã bùng phát ở Bắc Kinh cả tháng nay, việc xét nghiệm PCR đã được thực hiện hầu như mỗi ngày ở nhiều quận, nhưng vẫn có ca mắc trong cộng đồng. Theo ông, “sẽ mất một thời gian để xem liệu việc bình thường hóa xét nghiệm có phải là giải pháp tốt ưu hay không”./.