Mỹ “thức tỉnh” trước tham vọng của Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực
VOV.VN - Kịch bản tồi tệ nhất đối với Mỹ sẽ là một liên minh giữa Nga và Trung Quốc, có thể đe dọa sự mở rộng ảnh hưởng của Washington tại Bắc Cực.
Khi Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ triệu tập một phiên điều trần để thông qua đề xuất bổ nhiệm tân Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite, từ “Bắc Cực” đã được nhắc đến 35 lần. “Bắc Cực” đã đứng đầu trong chương chình nghị sự, cùng các chủ đề nóng khác như “Nga” và “Trung Quốc”, với mỗi chủ đề được nhắc đến 22 lần, vượt xa “Triều Tiên” với 6 lần đề cập. Điều này phản ánh mối quan tâm mới tại Washington.
Tàu ngầm Mỹ trồi lên trên lớp băng trong một cuộc tập trận tại Bắc Băng Dương vào tháng 3/2020. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Liên kết Nga-Trung đe dọa ảnh hưởng của Mỹ tại Bắc Cực
“Người Nga và người Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Đặc biệt là người Trung Quốc. Bạn sẽ lo lắng về số lượng các hoạt động của Trung Quốc ở vùng High North, ngoài khơi Na Uy và chúng ta cần cảnh giác điều đó. Chúng ta cần tìm hiểu lý do tại sao”, ông Braithwaite phát biểu trước các nghị sỹ hôm 7/5.
Từng đảm nhiệm cương vị Đại sứ Mỹ tại Na Uy trong suốt 2 năm qua, ông Braithwaite có tầm nhìn tương đối rõ ràng về các hoạt động của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực. Giới quan sát cho rằng, việc bổ nhiệm ông vào vị trí Bộ trưởng Hải quân cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Mỹ đối với xu hướng cạnh tranh tại Bắc Cực.
Cựu đô đốc một sao này cũng nói rằng, việc mở cửa Bắc Cực do băng tan là yếu tố chính thúc đẩy Trung Quốc đến đây. “Tuyến đường biển phía bắc nối Kirkenes – thành phố cực bắc của Na Uy với Nga có thể giảm thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu xuống còn 1 nửa”.
Các thượng nghị sỹ đều nhất trí với phân tích của ông Braithwaite.
“Việc mở cửa Bắc Băng Dương là một sự kiện lịch sử của thế giới. Nó tương đương với việc khám phá ra Địa Trung Hải”, Thượng nghị sỹ độc lập Angus King của bang Maine cho biết. “Đó là vùng nước hoàn toàn mới, mà con người chưa sẵn sàng khai thác, ngoại trừ người dân bản địa. Nó có tầm quan trọng to lớn về mặt chiến lược”.
Thượng nghị sỹ Angus King cũng bày tỏ quan ngại về tham vọng của Trung Quốc trong khu vực: “Trung Quốc hiện giờ đã tuyên bố họ là “một quốc gia gần bắc cực". Điều đó giống như thể Maine tự nhận mình là một bang gần Caribe. Nhưng dù sao họ cũng đã làm được và tôi nghĩ điều đó cho thấy ý định của họ. Nga và Trung Quốc đều thể hiện mối quan tâm lớn đến khu vực”.
Các học giả đã cảnh báo về dấu ấn ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, cho rằng, hai quốc gia có khả năng định hình tương lai khu vực.
“Thất bại lớn nhất trong chính sách của Mỹ là chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa chiến lược của sự cạnh tranh quyền lực lớn tại Bắc Cực”, ông Heather Conley, phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu Châu Âu, Á Âu, và Bắc Cực tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS có trụ sở tại Washington viết trong một báo cáo vào năm 2019.
“Mặc dù Mỹ cho rằng Bắc Cực có giá trị hạn chế về mặt chiến lược và sự hiện diện của họ ở mức độ tối thiểu thời điểm hiện tại là đã đủ, nhưng hai đối thủ cạnh tranh là Nga và Trung Quốc lại có những quan điểm khác biệt, lâu dài về khu vực này và đã mở rộng dấu ấn về kinh tế, quân sự của họ”, chuyên gia Heather Conley nhận xét.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asian Review, bà Conley cảnh báo về sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Moscow tại Bắc Cực. “Kịch bản tồi tệ nhất đối với Mỹ sẽ là một liên minh giữa Nga và Trung Quốc, mà có thể đe dọa hoặc hạn chế việc tiếp cận của Mỹ với khu vực Bắc Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương.
Hai bên đã hợp tác về mặt tài chính ở Bắc Cực. Khi Nga nỗ lực tìm cách đảm bảo nguồn tài trợ từ các ngân hàng phương Tây dành cho dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal ở Bắc Cực do các biện pháp trừng phạt sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, nước này đã chuyển hướng sang Trung Quốc.
Theo CSIS, hai ngân hàng của Trung Quốc là Ngân hàng xuất nhập khẩu và Ngân hàng hợp tác phát triển đã ký 2 hạn mức tín dụng 15 năm với số vốn lần lượt là 10,7 tỷ USD và 1,5 tỷ USD cho dự án này. Trong khi đó công ty Silk Road Fund của Trung Quốc cũng cung cấp 1,2 tỷ USD.
Nhờ sự đầu tư lớn như vậy, các công ty của Trung Quốc đã giành được 29,9% cổ phần của một trong những dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Trước đó vào năm 2019, Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận để các công ty nhà nước từ hai bên hợp tác vẫn chuyển LNG từ Bắc Cực. Novatek -nhà sản xuất LNG lớn của Nga và Công ty vận tải nhà nước Sovcomflot đã phối hợp với hai công ty nhà nước của Trung Quốc là COSCO Shipping và Silk Road Fund quản lý một hạm đội gồm hàng chục tàu phá băng vận chuyển nhiên liệu từ các nhà máy của Novatek, trong đó có khí tự nhiên hóa lỏng Yamal đến các nơi khác.
Mỹ "lạnh gáy" với thế trận và tham vọng của Nga ở Bắc cực
Đã đến lúc Mỹ phải “thức tỉnh”
Tại phiên điều trần của Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite nhấn mạnh Mỹ cần tăng cường sự hiện diện tại vùng biển phía bắc. Ông cho biết, hải quân sẽ cung cấp “năng lực duy nhất để Mỹ có thể phát huy sức mạnh tại Bắc Cực”, đồng thời chỉ ra rằng 4 tàu hải quân của Mỹ đã tới vùng biển Barents, như một minh chứng cho điều đó.
Nhiệm vụ do 3 tàu khu trục Aegis thuộc lớp Arleigh Burke gồm: USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt, cùng tàu hỗ trợ chiến đấu nhanh USNS Supply thực hiện đã thu hút sự chú ý của Hạm đội phương Bắc của Nga. Lực lượng này cho biết, họ đang theo dõi các tàu Mỹ.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, các tàu chiến của Mỹ đi vào Biển Barents. Hoạt động này được xem là một phần của chiến lược Bắc Cực mới mà Washington đặt ra.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tiếp tục làm điều đó”, ông Braithwaite cho biết, đồng thời lưu ý thêm một lực lượng Hải quân Mỹ phù hợp được yêu cầu phải đề cao cảnh giác trong khu vực.
Cũng tại phiên điều trần, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Sullivan của bang Alaska đã bày tỏ sự thất vọng về việc Mỹ đã “chậm chân” tại Bắc Cực. Ông viện dẫn một báo cao năm 2013 do chính quyền cựu Tổng thống Obama phát hành với tiêu đề “Chiến lược an ninh quốc gia đối với khu vực Bắc Cực”. “Báo cáo này có 13 trang, nhưng 6 trong số này là hình ảnh. Nga chỉ được nhắc đến 1 lần trong chú thích. Đó là một trò đùa”, ông Dan Sullivan nói.
Nghị sỹ này cho biết thêm, hiện giờ đã có “sự thức tỉnh” về tầm quan trọng chiến lược của Bắc Cực ở Washington. “Các đối thủ của chúng ta không chờ đợi. Nga đã rõ ràng, ngoài ra còn Trung Quốc và các nước khác cũng đang tham gia cuộc đua. Cuộc cạnh tranh quyền lực mà đang thực sự diễn ra tại khu vực đó của thế giới”.
Theo chiến lược do Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân năm 2018 đưa ra, Hải quân Mỹ đang phát triển một tên lửa hành trình phóng từ trên biển mới (SLCM) có khả năng hạt nhân, được biết với tên gọi SLCM-N, được trang bị đầu đạn nhiệt hạch W-80-4 với đương lượng nổ từ 5 đến 150 kiloton. Bất cứ tàu thuyền nào được trang bị vũ khí SLCM-N đang hoạt động tại khu vực biển Bắc Cực sẽ sở hữu khả năng tấn công ưu việt, chống lại lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Nga hiện có 6 căn cứ quân sự ở phía bắc, cùng với 10 sân bay, nhiều cứ điểm hệ thống tên lửa phòng không và cảng quân sự, nằm dưới sự điều khiển của của Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp Hạm đội Phương Bắc, được gọi tắt là lực lượng Bắc Cực.
Trong số các hệ thống phòng không có Tor-M2DT - một biến thể đã được nâng cấp từ hệ thống SA-15 thời Liên Xô và hệ thống Pantsir-SA mới. Cả 2 hệ thống này được thiết kế để hoạt động trong môi trường khắc nghiệt ở phía bắc Bắc Cực, chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình./.