Nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Mỹ sẽ phản ứng ra sao?

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ làm gì nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine? Đây là một câu hỏi khá hóc búa.

Nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ đã tranh luận về vấn đề này còn một số chuyên gia bên ngoài cho rằng, không có bất cứ bản hướng dẫn hay một thỏa thuận nào về phản ứng của Mỹ.

Những lựa chọn của ông Biden

Điều này dường như không mới với Tổng thống Biden. Trước đây chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng tiến hành một cuộc tập trận mô phỏng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Baltic, nhưng đã có những bất đồng cơ bản về cách phản ứng.

Các quan chức tình báo Mỹ cho biết họ không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường, nhưng một số phiên bản của học thuyết quân sự Nga được công bố từ năm 2000 cho biết, Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân để chống lại các cuộc tấn công hạt nhân vào Nga hay đồng minh, hoặc một cuộc tấn công quy mô lớn có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh Nga. Các chuyên gia quân sự đánh giá, những đầu đạn nhỏ nhất của Nga cũng có sức công phá lớn hơp gấp nhiều lần các quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Khi Mỹ tiếp tục gửi các loại vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine nhằm giúp nước này đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga, các quan chức Mỹ cho biết, trong nhiều tháng qua, chính quyền Biden đã hình dung ra những kịch bản chiến tranh, trong đó có kịch bản Nga sử dụng bom nguyên tử tại Ukraine.

Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns cho biết: “Chúng tôi không thấy bằng chứng thực tế cho thấy Nga đang lên kế hoạch triển khai hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở thời điểm này. Nhưng với những tuyên bố chúng tôi nghe được từ lãnh đạo Nga, không thể xem nhẹ các khả năng đó”.

Một số nhà phân tích nhận định, phản ứng của Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào cách thức Nga “sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Nếu xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân ở Biển Đen hoặc vào quân đội Ukraine ở khu vực hẻo lánh hay những kịch bản leo thang hơn chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân tàn phá một thành phố lớn của Ukraine hay tấn công một quốc gia NATO, những lựa chọn của Mỹ rất rõ ràng, nhiều quan chức và các chuyên gia quân sự nhận định.

Mỹ có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt và tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine, đồng thời xây dựng một liên minh quốc tế chống lại Nga, phát động một cuộc tấn công quân sự thông thường vào các lực lượng Nga ở Ukraine hoặc ở Nga. Washington cũng có thể đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân nhưng chỉ trong trường hợp một đồng minh NATO bị tấn công.

Một số quan chức tình báo Mỹ cho biết, Mỹ nhiều khả năng sẽ không đáp trả bằng biện pháp quân sự nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Nhưng những ý kiến khác lại cho rằng, ông Biden có thể triển khai một số lực lượng thông thường để tấn công quân đội Nga ở Ukraine hoặc các lực lượng Nga đã phóng vũ khí hạt nhân, nhưng biện pháp này có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Evelyn Farkas, giám đốc điều hành của Viện McCain nói: “Trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi cho rằng Tổng thống Biden sẽ nói chúng ta đang ở trong một tình huống mới và Mỹ sẽ trực tiếp tham chiến chống lại Nga để ngăn chặn chính phủ nước này thực hiện những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm các hiệp ước về hạt nhân”.

Tuy vậy, hai quan chức Mỹ không đồng tình với nhận định trên: “Mỹ không thể đáp trả bằng biện pháp quân sự trừ khi họ sử dụng chúng để tấn công NATO”. Xét theo quan điểm này, Tổng thống Mỹ Biden chắc chắn không muốn căng thẳng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện có thể phá hủy nhiều thành phố của Mỹ. Và ông có lẽ cũng hiểu rằng, nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, thì cái giá mà nước này phải trả sẽ rất lớn. Nhiều quốc gia trên thế giới có thể nhanh chóng quay lưng lại với Moscow.

Tranh cãi về giới hạn đỏ

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị đặt lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2. Ông cảnh báo: “Một cuộc tấn công trực tiếp vào đất nước của chúng tôi sẽ dẫn đến sự tàn phá và hậu quả khủng khiếp cho bất cứ thế lực tiềm ẩn nào”.

Nhưng các quan chức an ninh của Mỹ và châu Âu cho biết, không có dấu hiệu cho thấy Nga di chuyển các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi kho vũ khí hạt nhân. Hiện đang có những cuộc tranh luận tại Washingotn về điều gì có thể khiến Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân: Khi Nga muốn củng cố lợi ích đạt được trên chiến trường? đảo ngược thất bại? hay răn đe?

“Không rõ đâu là giới hạn đỏ. Nếu các lực lượng Ukraine bước vào lãnh thổ Nga thì đây có phải là hành động vượt giới hạn đỏ hay không? Tôi không biết rõ”, ông Chris Chivvis, cựu nhân viên tình báo Mỹ tại châu Âu cho biết.

Viện dẫn chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Gruzia năm 2008 và sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, ông Chris Chivvis nhấn mạnh: “Nga đã gây bất ngờ cho chúng tôi rất nhiều lần trong suốt 15 năm qua”.

Chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho biết, mặc dù có công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân trên chiến trường nhỏ hơn những quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, nhưng Nga không có đầu đạn nhỏ như vậy.

Tất cả vũ khí hạt nhân chiến thuật đều có sức công phá rất lớn. Không có sự khác biệt về công nghệ giữa vũ khí hạt nhân “chiến thuật” và vũ khí “chiến lược” - sự khác biệt nằm ở mục tiêu. Bom hạt nhân chiến thuật được sử dụng để giành lợi thế trên chiến trường, còn vũ khí hạt nhân chiến lược dùng để tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự và thậm chí toàn bộ thành phố.

Trong trường hợp Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, nước này có thể chọn tấn công vào một căn cứ không quân hay các mục tiêu quân sự. Hoặc Moscow cũng có thể tiến hành thử vũ khí hạt nhân tại địa điểm xa xôi để gửi đi “phát súng cảnh báo” báo hiệu Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí nguy hiểm này.

Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Washington và các đồng minh NATO. Ông Biden và các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây sẽ phải cân nhắc một phản ứng nhắm tránh gây ra một cuộc xung đột hạt nhân toàn diện với Nga trong khi buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Theo các cựu quan chức Mỹ, chính quyền Biden sẽ hành động thận trọng, tham khảo ý kiến ​​của các đồng minh châu Âu để không đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Mỹ đã phải đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng họ đã quá chậm chạp khi những vũ khí tiên tiến đến Ukraine, nhưng những người ủng hộ Nhà Trắng nói rằng, chính quyền Biden muốn tránh các hành động có thể khiến cuộc khủng hoảng leo thang thành một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thế giới đối mặt nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao nhất trong nhiều thập kỷ
Thế giới đối mặt nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao nhất trong nhiều thập kỷ

VOV.VN - Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cảnh báo, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Thế giới đối mặt nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao nhất trong nhiều thập kỷ

Thế giới đối mặt nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao nhất trong nhiều thập kỷ

VOV.VN - Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cảnh báo, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Điều gì xảy ra sau khi vũ khí hạt nhân được cho “nghỉ hưu”?
Điều gì xảy ra sau khi vũ khí hạt nhân được cho “nghỉ hưu”?

VOV.VN - Việc giải trừ vũ khí hạt nhân là một quá trình phối hợp, có sự tham gia của các nhà khoa học và các kỹ sư. Tất cả sẽ bắt đầu từ bản thiết kế mà các chuyên gia đã sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Điều gì xảy ra sau khi vũ khí hạt nhân được cho “nghỉ hưu”?

Điều gì xảy ra sau khi vũ khí hạt nhân được cho “nghỉ hưu”?

VOV.VN - Việc giải trừ vũ khí hạt nhân là một quá trình phối hợp, có sự tham gia của các nhà khoa học và các kỹ sư. Tất cả sẽ bắt đầu từ bản thiết kế mà các chuyên gia đã sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phân tích khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phân tích khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

VOV.VN - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đồng thời cũng là cựu Giám đốc CIA Robert Gates vừa nhận định về khả năng Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay không.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phân tích khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phân tích khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

VOV.VN - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đồng thời cũng là cựu Giám đốc CIA Robert Gates vừa nhận định về khả năng Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay không.