Nga không còn sử dụng cầu Crimea để tiếp viện cho tiền tuyến ở Ukraine
VOV.VN - Sau các cuộc tấn công liên tục của Ukraine vào cầu Kerch (còn gọi là cầu Crimea), lực lượng Nga đã chuyển sang sử dụng các tuyến đường bộ xuyên qua các khu vược mới sáp nhập để tiếp tế cho tiền tuyến ở Ukraine.
Nga đã chuyển sang sử dụng các tuyến đường bộ ở các khu vực mới sáp nhập để tiếp tế cho tiền tuyến sau khi Ukraine liên tục tấn công vào Cầu Kerch (còn gọi là cầu Crimea, nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.
Theo các nhà phân tích tại Molfar, cơ quan tình báo tư nhân lớn nhất Ukraine, hình ảnh vệ tinh cho thấy cầu Crimea hầu như không có phương tiện giao thông qua lại và do đó nó có thể không còn là mục tiêu quân sự hiệu quả đối với lực lượng Ukraine vốn đang thiếu đạn dược.
Molfar đã phân tích ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp và nhận thấy thấy hầu như không có chuyến tàu chở hàng quân sự nào chạy qua tuyến đường sắt của cầu Crimea trong hơn 3 tháng.
Trong khoảng thời gian này, người ta chỉ nhìn thấy một đoàn tàu chở hàng duy nhất của Nga với khoảng 55 toa chở nhiên liệu đi qua cầu vào ngày 29/2.
Dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh cùng dữ liệu liên quan đến số lượng toa tàu và nhận dạng hàng hóa, Molfar cho hay, không có hoạt động di chuyển nào liên quan đến tài sản quân sự của Nga trên cầu trong tháng 3 hoặc tháng 4.
Nga đã giảm đáng kể việc sử dụng cầu Crimea kể từ khi Ukraine tấn công cây cầu này bằng máy bay không người lái vào ngày 17/7/2023 và cho nổ tung một đoạn đường bộ và tuyến đường sắt.
Sau vụ tấn công, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi cầu Crimea là “mục tiêu quân sự chính đáng”, nhấn mạnh rằng, với vai trò kết nối đất liền Nga với bán đảo Crimea, cây cầu này “mang lại chiến tranh chứ không phải hòa bình” và phải bị vô hiệu hóa.
“Đây là con đường được sử dụng để cung cấp đạn dược để Nga tiến hành cuộc xung đột và việc này được thực hiện hàng ngày”, ông nói.
Cầu Crimea được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 và là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Nga đã sáp nhập bán đảo này năm 2014 sau một cuộc trưng cầu ý dân.
Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022, nhiều quan chức và chỉ huy ở Ukraine đã đe dọa phá hủy cầu Crimea. Nga cáo buộc lực lượng đặc nhiệm Ukraine tiến hành 2 vụ đánh bom lớn vào cầu Crimea kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào năm 2022.
Tuyến đường thay thế của Nga
Theo ông Vasyl Maliuk, người đứng đầu Cơ quan an ninh Ukraine, trước vụ tấn công ngày 17/7/2023, có hơn 40 chuyến tàu chở vũ khí của Nga đi qua cầu này mỗi ngày. Giao thông hiện nay giảm xuống chỉ còn 4 chuyến tàu chở khách và một chuyến tàu chở hàng thông thường mỗi ngày.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Molfar, ông Artem Starosiek nói với The Independent rằng quyết định ngừng sử dụng cầu Crimea để tiếp tế cho các lực lượng Nga diễn ra đồng thời với sự gia tăng lưu lượng hàng hóa qua Taman thuộc khu vực Rostov.
Theo ông Starosiek, Ukraine hiện nên tập trung sự chú ý vào Melitopol, Berdyansk và Mariupol, nơi Nga đang xây dựng các tuyến đường sắt mới để kết nối các khu vực mới sáp nhập với Crimea và đất liền Nga.
Các khu vực gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson trước đây thuộc Ukraine, đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 9/2022.
Tuyến đường sắt mới chạy từ Akimivka, thành phố Melitopol, kéo dài đến Berdyansk và Mariupol trước khi đến Rostov ở Nga, có thể sẽ được các lực lượng Nga sử dụng cho một cuộc tấn công mới dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa hè này.
Molfar cho biết tuyến đường này bao gồm 63km đường ray mới và khoảng 140km đường ray cũ được khôi phục, đã được thử nghiệm với chuyến tàu chở hàng đầu tiên vào tháng 3 vừa qua. Dự kiến tuyến đường sắt này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, với mạng lưới đầy đủ kết nối thêm nhiều khu vực thuộc vùng Donetsk.
Ông Starosiek cho rằng, Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào các tuyến đường bộ này thay vì tiêu tốn nguồn lực vào cầu Crimea.
“Những tuyến đường bộ mới này hiện đang là mối đe dọa nghiêm trọng hơn so với tuyến đường sắt đã không còn hoạt động của cầu Crimea”, ông Starosiek nói, đồng thời cho rằng, Ukraine có thể đề nghị phương Tây cung cấp thêm viện trợ để nhắm vào các điểm nóng đạn dược của Nga.