Nga tích cực thiết lập thế trận răn đe hạt nhân toàn diện
VOV.VN - Những hình ảnh vệ tinh do Business Insider đăng tải cho thấy thời gian gần đây, Nga đã tiến hành nhiều hoạt động xây dựng quy mô lớn tại các cơ sở hạt nhân bí mật nơi được bao phủ bằng nhiều lớp hàng rào an ninh.
Các hình ảnh này do công ty vệ tinh Planet Labs của Mỹ chụp vào tháng 5 và tháng 6/2025. Một số nhà phân tích hàng đầu nghiên cứu về lực lượng hạt nhân của Nga cho rằng, Nga đang xây dựng các công trình, đường sá và nhanh chóng mở rộng một số địa điểm.

Những nỗ lực hiện đại hóa này hé lộ manh mối về kế hoạch và phương án dự phòng của Moscow đối với lực lượng hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên khắp châu Âu sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Thời gian gần đây, Điện Kremlin thường xuyên nhắc đến vũ khí hạt nhân như một phương tiện răn đe nhằm ngăn chặn sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine.
Đánh giá về các hoạt động mở rộng căn cứ của Nga, ông Hans Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ cho rằng:
"Nga dường như có hai mục tiêu chính ở đây: Một là tăng cường sức mạnh trong nước, liên quan đến quá trình nâng cấp một cơ sở hạt nhân. Hai là gia tăng sự tương tác với các quốc gia hạt nhân khác hoặc các cường quốc quân sự lớn”.
Trong bối cảnh lực lượng lục quân và không quân của Nga đang suy yếu do xung đột kéo dài, một số nhà phân tích đưa ra giả thuyết rằng Moscow có thể sẽ cố gắng tái thiết sức mạnh bằng cách dựa vào các trụ cột quân sự có từ thời Liên Xô, chẳng hạn như huy động lực lượng lớn và triển khai vũ khí hạt nhân. Bộ Quốc phòng Nga hiện vẫn chưa phản hồi trước thông tin mà Business Insider đăng tải.
Mỹ cũng đang hiện đại hóa toàn diện bộ ba hạt nhân của nước này, trong đó có việc đại tu các tên lửa phóng từ mặt đất, đặc biệt thay thế tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III từ thời Chiến tranh Lạnh bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa Sentinel. Tiến trình này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân leo thang do xung đột Nga-Ukraine và việc Trung Quốc tăng cường nâng cấp kho vũ khí.
Nga được cho là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tháng 6/2025, Tạp chí Các nhà Khoa học Nguyên tử ước tính, Moscow nắm giữ khoảng 4.300 đầu đạn đang hoạt động. Trong khi đó, Mỹ ước tính có kho dự trữ gồm 3.700 đầu đạn đang hoạt động. Nga có 5 căn cứ hạt nhân chính, trong đó 4 căn cứ ở châu Âu và một căn cứ gần Alaska. Trong số 4 căn cứ ở châu Âu, có căn cứ ở Asipovichy và Kaliningrad, một vùng đất tách rời của Nga trên Biển Baltic. Ngoài ra, các hoạt động cũng được ghi nhận tại căn cứ hải quân Gadzhiyevo, gần Na Uy và Phần Lan, cũng như quần đảo Novaya Zemlya, nơi phân chia biển Barents và biển Kara.
Căn cứ Asipovichy tại Belarus
Căn cứ đầu tiên nằm ở Asipovichy, một thành phố chiến lược ở miền trung Belarus. Khi xung đột nổ ra vào tháng 2 năm 2022, Nga đã điều động lực lượng quân đội đồn trú tại Belarus tiến vào khu vực Kiev. Cách thành phố Asipovichy 8km về phía đông là Căn cứ Đạn dược 1.405 của Belarus.
Tổng thống Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đều công khai tuyên bố Belarus có thể lưu trữ vũ khí hạt nhân của Nga. Tuyên bố này được coi là một biện pháp chính trị đối phó với việc Mỹ lưu trữ vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Hình ảnh này chụp được ngày 21/5 cho thấy, một cơ sở mới được bảo mật về an ninh đã được xây dựng ở góc phía bắc của căn cứ Nga.
"Nga đã dựng lên một vành đai bao gồm ba lớp hàng rào và củng cố lớp giữa”, nhà phân tích Kristensen lưu ý.
Lối vào ở góc phía nam của cơ sở được che chắn cẩn thận và có lính gác kiểm tra xe tải ra vào. Các đầu đạn nhiệt hạch lưu trữ tại những địa điểm như vậy có thể là đầu đạn hạt nhân chiến thuật, dễ di chuyển hơn và tạo ra các vụ nổ và bụi phóng xạ nhỏ hơn rất nhiều. Mỗi có kích thước gần bằng một lò nướng nhỏ và nặng khoảng 200 đến 290 kg.
Một đơn vị đặc nhiệm của Nga sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển các đầu đạn này, có thể bằng trực thăng hoặc bằng tàu hỏa, để lắp vào tên lửa hoặc bằng xe tải đến kho chứa. Việc vận chuyển các đầu đạn này rất phức tạp, bởi chúng không chỉ có tầm quan trọng chiến lược của chúng mà còn có thể chứa khí độc và chất nổ hóa học. Các nhà phân tích cũng xác định được một đường dốc dỡ có mái che giữa một cụm cây, nhiều khả năng dẫn đến một boongke chứa đầu đạn. Ở phía đông của khu tổ hợp, xuất hiện một ăng-ten màu cam lớn phục vụ công việc chỉ huy và điều khiển.
Theo giới quan sát, loại đầu đạn mà Nga lưu trữ tại đây nhiều khả năng là loại có thể được thả bằng bom trọng lực từ máy bay chiến đấu của Belarus. Năm 2023, Tổng thống Putin cho biết Nga đang có kế hoạch cung cấp cho Belarus các đầu đạn chiến thuật có thể được triển khai từ máy bay tấn công Su-25 của Minsk.
Căn cứ Gadzhiyevo tại Murmansk
Gadzhiyevo là căn cứ hải quân chứa tàu ngầm hạt nhân của Nga. Đây cũng có thể là nơi chưa đầu đạn hạt nhân dùng cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hình ảnh vệ tinh chụp tháng 8/2020 này cho thấy một đầu đạn hạt nhân trên cần cẩu, bên cạnh một thùng chứa màu xanh lá cây dùng làm bình điều hòa. Phía đông cần cẩu là các lối vào trong- nhiều khả năng là nơi cất giữ các đầu đạn này.
Cách đó khoảng 1,6km về phía bắc là các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Nga đang neo đậu tại các cầu tàu dọc theo bờ biển. Cơ sở này có một cần cẩu cho phép nạp tên lửa đạn đạo liên lục địa cho tàu ngầm.
Tính đến ngày 28/5, Nga đã xây dựng ít nhất sáu tòa nhà mới. "Rõ ràng là kho chứa tên lửa đang được mở rộng đáng kể", Pavel Podvig - nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc nhận định.
Còn nhà phân tích Kristensen nghi ngờ các công trình này có thể là gara nạp đạn hoặc các kho chứa tên lửa thông thường chưa được lắp đầu đạn hạt nhân. "Các tòa nhà nằm ngay bên ngoài cơ sở xử lý tên lửa ở đây, cho thấy chúng phục vụ cho mục đích này”.
Căn cứ Kaliningrad

Căn cứ thứ ba ở phía tây Kaliningrad, một vùng đất tách biệt của Nga giáp với Litva và Ba Lan, nằm trên Biển Baltic. Nơi đây có các hàng rào bảo vệ nhiều lớp giống với cách Nga bảo vệ các cơ sở lưu trữ hạt nhân của mình. Các nhà phân tích từ lâu đã nghi ngờ rằng căn cứ này được xây dựng để chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy có một tòa nhà nhỏ, màu xám xuất hiện tại căn cứ này vào tháng 6/2025. Khi bình luận về mục đích của việc xây dựng tòa nhà này, ông Michael Duitsman, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, suy đoán rằng đó có thể là một chòi gác. Tuy nhiên, ông lưu ý, nhiều đơn vị Nga cũng lấy vũ khí từ kho Kaliningrad, vì vậy vẫn chưa rõ tòa nhà này liên quan đến hệ thống nào. Các cơ sở hạt nhân của Nga thường có kiến trúc tiêu chuẩn do các kỹ sư hạt nhân thiết kế và phê duyệt. Mỗi tòa nhà thường đảm nhiệm một chức năng chuyên biệt.
"Chúng tôi vẫn chưa biết đó là gì, nhưng đây là một đặc điểm mới của các cơ sở này", ông Duitsman nói.
Căn cứ Kamchatka
Kamchatka nằm bên kia Biển Bering, đối diện Alaska và là nơi đặt một trong số các căn cứ hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã chọn căn cứ này để triển khai siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon mới. Poseidon được đẩy bằng năng lượng hạt nhân, có thể tự di chuyển quãng đường dài trước khi phát nổ.
Mỹ lo ngại Nga có thể sử dụng Poseidon tiến hành cuộc tấn công hạt nhân vào bờ biển phía tây nước này, chẳng hạn như tại các căn cứ hải quân hoặc các trung tâm dân cư như Vịnh San Francisco. Nhiều người cho rằng, Nga có thể tích trữ đầu đạn hạt nhân tại căn cứ này.
Trong bức ảnh vệ tinh mới chụp ngày 3 tháng 6 năm 2025, cơ sở ở cực bắc đã bị che phủ hoàn toàn và vệ tinh không thể quan sát bên trong. Về phía nam khu tổ hợp, xuất hiện một tòa nhà mới hình chữ T. Có "những dấu hiệu hạt nhân rõ ràng" trên các kho lưu trữ được nâng cấp này, nhà phân tích Kristensen nhận định. Cơ sở phía nam có hàng rào ba lớp và dường như Nga đang thiết lập một vành đai xung quanh tòa nhà phía bắc.
"Các hàng rào vành đai xung quanh những công trình mới tương tự như hàng rào của cơ sở vũ khí hạt nhân và các khu vực lưu trữ vũ khí ở phía nam", nhà phân tích Duitsman thuộc Viện Middlebury lưu ý. Ngoài ra, một công trường xây dựng mới đã được khởi công gần cơ sở ở cực bắc.
Căn cứ Severny ở Novaya Zemlya
Căn cứ thứ năm này nằm trên quần đảo Novaya Zemlya ở phía bắc, nơi Liên Xô đã kích nổ quả bom nhiệt hạch Tsar vào năm 1961. Đây là quả bom hạt nhân mạnh nhất từng được thử nghiệm. Gần bãi thử là một căn cứ hỗ trợ.
Quần đảo Severny là nơi Nga tiến hành các thí nghiệm hạn chế, hay các vụ thử hạt nhân không liên quan đến phản ứng dây chuyền hoặc vụ nổ toàn diện.
"Đây là nơi họ thử nghiệm các thiết kế đầu đạn hạt nhân, nhưng họ không cần phải tiến hành một vụ thử hạt nhân thực sự tạo ra sức công phá. Tuy nhiên, nếu Nga quyết định kích nổ một quả bom hạt nhân vào một thời điểm nào đó, thì việc này sẽ diễn ra tại đây”, nhà phân tích Kristensen suy đoán.
Một bức ảnh mới từ Planet Labs cho thấy, Moscow đã hoàn tất việc xây dựng tòa nhà lớn và nhiều khu vực mở rộng khác.
Trong thập kỷ qua, cộng đồng tình báo Mỹ đã cáo buộc Nga tiếp tục tiến hành các vụ nổ hạt nhân công suất nhỏ. "Nga có thể duy trì cơ sở này trong tình trạng sẵn sàng để nối lại các cuộc thử nghiệm nếu cần thiết", ông Kristensen nhấn mạnh.