Ngoại giao Mỹ: Kỷ nguyên mới?
Một tháng trên cương vị Người đứng đầu Nhà Trắng chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để Tổng thống Brack Obama thực hiện những cam kết về thay đổi.
Trên lĩnh vực đối ngoại, sự chuyển đổi đã tạo cho ông Obama những cơ hội để đạt bước đột phá trong chính sách với châu Á, đặc biệt là với Cuba.
Mặc dù chưa thật rõ nét, nhưng những thay đổi được ông Obama thực hiện trên lĩnh vực đối ngoại, lại đang mở ra một kỷ nguyên mới cho nền ngoại giao của Mỹ. Việc bà Hilary Clinton chọn châu Á là điểm đến đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, được coi là sự thay đổi trong cách nhìn thế giới của chính quyền mới ở Washington.
Hơn 60 năm qua, bất kỳ một Ngoại trưởng nào của Mỹ, sau khi chính thức đảm nhận trọng trách quan trọng đó, đều lựa chọn châu Âu cho chuyến công du đầu tiên của mình. Bởi đó gần như được Nhà Trắng mặc định là khu vực quan trọng, là đồng minh chiến lược của Mỹ cả trên lĩnh vực kinh tế và quân sự.
Nhưng nay, châu Á với các nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, đã buộc chính quyền mới của Mỹ phải thay đổi cách nhìn nhận của mình. Hơn nữa, trong 4 nước mà bà Ngoại trưởng Hilary Clinton vừa đến thăm gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia là những khu vực đang có tầm quan trọng không chỉ về địa chính trị mà cả về địa kinh tế.
Châu Á có tới 4 trong 7 thành viên câu lạc bộ hạt nhân thế giới, nơi đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc, nơi có các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) có đông người Hồi giáo nhất thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, việc Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á là một sự chuyển đổi mang tầm chiến lược, phục vụ lợi ích kinh tế và khôi phục sức mạnh cho nước Mỹ.
Ngay với Cuba - trong suốt nửa thế kỷ qua, Mỹ đã không thể thực hiện ý đồ xoá bỏ chế độ XHCN ở hòn đảo tự do này, cho dù đã áp dụng chính sách can thiệp, bao vây, kể cả tấn công quân sự và cấm vận kinh tế. Chế độ chính trị của Cuba vẫn ổn định, kinh tế cũng phục hồi vững chắc. Trong khi đó, việc tiến hành cấm vận thương mại với Cuba đã khiến Mỹ phải chịu không ít tổn thất, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ.
Theo các chuyên gia dầu khí Mỹ, vùng vịnh miền bắc Cuba có trữ lượng dầu mỏ từ 4,6 tỷ - 9,3 tỷ thùng/năm. Việc các quốc gia khác như Trung Quốc, ấn §ộ đang tăng cường quan hệ với Cuba để hợp tác khai thác nguồn dầu của nước này, khiến các công ty dầu lửa Mỹ sốt ruột, nhất là trong bối cảnh giá dầu và khí đốt thế giới leo thang. Bởi vậy, thay đổi trong chính sách với Cuba được coi là sự lựa chọn thứ hai của Tổng thống Obama. Đây cũng là thông điệp được ông Obama gửi tới người dân Mỹ ngay trong cuộc tranh cử Tổng thống vừa qua.
Trong những ngày tới, ông Obama sẽ chính thức dỡ bỏ những hạn chế về kinh tế đối với Cuba. Các nhà làm luật tại Hạ viện Mỹ đầu tháng này đã giới thiệu lại các dự luật trong quan hệ với La Habana mà khi được thông qua, sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế trong việc đi lại của công dân hai nước sang thăm viếng lẫn nhau. Thượng viện Mỹ cũng đang trình một kế hoạch, trong đó yêu cầu kết nạp Cuba vào các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ.
Những thay đổi này cho thấy, chính quyền của Tổng thống Obama đang có cách tiếp cận mới, thể hiện cái nhìn thực tiễn hơn chính phủ tiền nhiệm. Về ngắn hạn và trung hạn, những thay đổi này, cùng với gói kích thích kinh tế trị giá trên 800 tỷ đôla, sẽ tạo những hiệu ứng tích cực giúp Mỹ ngăn chặn đà suy thoái kinh tế.
Về lâu dài, những thay đổi này sẽ tạo nền tảng cho Mỹ xây dựng một nền ngoại giao mới, nhằm tạo dựng hình ảnh mới cho nước Mỹ. Đó là một nước Mỹ có trách nhiệm, thân thiện với cộng đồng quốc tế - như hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Obama. Những thay đổi này, tuy mới chỉ bắt đầu, nhưng cũng đã mở ra những cơ hội thiết lập các mối quan hệ đối tác vì sự phát triển của mỗi quốc gia, vì hoà bình và thịnh vượng chung của thế giới./.