Tuổi trẻ H’rê đam mê với nghề truyền thống
VOV.VN - Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, thay vì phải xa quê lập nghiệp, nhiều bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số say mê với nghề truyền thống, gắn bó với quê hương.
Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống từ nơi đây đã được khắp nơi đón nhận, mở ra hướng phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân.
Phạm Thị Y Hoà sinh ra và lớn lên ở Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm lên 6 tuổi, từ sự chỉ bảo của mẹ, các chị, các bà, Y Hoà đã biết dệt thổ cẩm. 13 tuổi, Y Hoà đã kiếm được tiền từ nghề dệt thổ cẩm. Chịu khó tìm tòi, sáng tạo, qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của Y Hoà, những nét hoa văn độc đáo của thổ cẩm đồng bào H’rê dần được biến tấu, thổi hồn vào những sản phẩm thời trang, tô đẹp giá trị truyền thống.
Tháng 3/2022, tại triển lãm EXPO 2020 diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đoàn Việt Nam mang đến triển lãm nhiều hoạt động văn hóa, trong đó có show thời trang thổ cẩm “Dòng chảy bất tận” gây ấn tượng với du khách.
Thổ cẩm Làng Teng vinh dự góp mặt 5 sản phẩm trong bộ sưu tập của các nhà thiết kế nổi tiếng. Đó là những trang phục hiện đại được thiết kế từ vải thổ cẩm với những hoa văn, hoạ tiết độc đáo, tinh xảo từ đôi bàn tay tài hoa của cô gái trẻ H’rê Phạm Thị Y Hòa, ở Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
“Lần đầu tiên thổ cẩm của người H’rê, thổ cẩm Làng Teng được đưa ra thế giới thì đối với bản thân em đó là một điều cực kỳ may mắn khi mà sản phẩm của bản thân làm ra được mọi người tin tưởng đón nhận đưa ra nước ngoài trình diễn ở các show thời trang lớn của các nhà thiết kế. Thông qua đó, mình biết được nhu cầu của các nhà thiết kế, bạn bè đối với thổ cẩm của Làng Teng. Đây là cơ hội rất lớn đối với thổ cẩm Làng Teng, thổ cẩm dân tộc H’rê”, Y Hòa chia sẻ.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Làng Teng được đồng bào H’rê gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi độ tháng 3 về, khi cây bông nở rộ, phụ nữ H’rê mang gùi lên rẫy thu hoạch bông, mang về phơi khô. Qua nhiều công đoạn, bông được kéo thành sợi, nhuộm màu… Thổ cẩm Làng Teng được dệt thủ công bằng tay, qua nhiều công đoạn.
Trước đây, những tấm vải thổ cẩm được dân làng mang ra chợ bán. Bây giờ ở Làng Teng, nhiều bạn trẻ H’rê nhanh nhạy hơn, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, từ đó thổ cẩm Làng Teng được người tiêu dùng khắp nơi đón nhận. Vải thổ cẩm Làng Teng giờ đã được các nhà thời trang sử dụng thiết kế các trang phục, đưa lên sàn diễn giới thiệu rộng rãi với công chúng. Ở Làng Teng bây giờ, nhiều bạn trẻ say mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
“Trước đây, mấy em học xong thì ít dệt nhưng hiện nay, hầu như ai cũng biết dệt, ai cũng học dệt thổ cẩm. Từ đó, bảo tồn nghề dệt và bảo tồn thêm một số nghề thủ công như đan lát, làm nhạc cụ, đạo cụ của người H’rê…”, chị Phạm Thị Sung, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ cho biết.
Năm 2019, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H'rê, ở Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ Nông- Lâm- Du lịch- Văn hóa Làng Teng ra đời với sự góp mặt của 19 thành viên, chủ yếu là các thanh niên H’rê. Ông Lữ Đình Tích, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương đang nỗ lực xây dựng phát triển điểm du lịch trải nghiệm văn hóa H’rê, xã Ba Thành.
“Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã công nhận Di sản văn hoá phi vật thể đối với Nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba và Nghề dệt thổ cẩm truyền thống Làng Teng. Những năm gần đây, huyện đã chỉ đạo một số địa phương mở nhiều lớp truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây là tín hiệu rất mừng, vừa bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể. Đồng thời, tiếp tục truyền dạy cho thế hện trẻ để họ tiếp nối những nghề truyền thống truyền dạy cho các thế hệ mai sau”, ông Tích nói.
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ở vùng cao tỉnh Quảng Ngãi ngày càng có nhiều bạn trẻ, nghệ nhân trẻ tuổi người dân tộc H’rê, Cor, Cadong… nỗ lực phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
“Đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc thì không chỉ là trách nhiệm, sự vào cuộc của một cấp, một ngành mà cần phải có sự tâm huyết, dành những chính sách ưu tiên và hỗ trợ ở mức cao nhất của nhiều ngành, nhiều cấp. Đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại, marketing để các giá trị văn hoá này có đầu ra, gia nhập, hội nhập vào những sân chơi lớn. Từ đó, gia tăng quảng bá, nâng cao hiệu quả cho việc sản xuất các sản phẩm truyền thống, tạo động lực thúc đẩy lớp trẻ, cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc”, bà Hoa cho biết thêm./.