Nỗ lực cô lập Nga của phương Tây thất bại và sự định hình thế giới đa cực
VOV.VN - Đằng sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Hungary Viktor Orban và chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hàm chứa những thông điệp và dấu hiệu của một trật tự thế giới đang được lãnh đạo Nga - Trung thúc đẩy.
Sự định hình của thế giới đa cực
Thủ tướng Hungary Viktor Orban có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh ngày 8/7 và nhân dịp này Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi một nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy Nga và Ukraine hướng đến một "lệnh ngừng bắn", đồng thời khen ngợi những sáng kiến ngoại giao của ông Orban. Theo Washington Post, đây là minh chứng mạnh mẽ cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đang tìm cách thiết lập một trật tự thế giới đa cực không phải do Mỹ chi phối.
Trong khi ông Tập Cận Bình tiếp đón ông Orban ở thủ đô Bắc Kinh, các tên lửa của Nga đã dội xuống Kiev, Dnipro và các thành phố khác của Ukraine ngày 8/7. Phía Ukraine cho biết cuộc tấn công đã khiến ít nhất 31 người thiệt mạng, trong đó có 2 người tại một viện nhi ở Kiev. Phản ứng trước cuộc tấn công tên lửa trên, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi sức ép quốc tế nhằm chấm dứt những hành động gây hấn của Nga.
"Cả thế giới phải sử dụng tất cả quyết tâm của mình để chấm dứt các cuộc tấn công của Nga", ông Zelensky nói trên Telegram.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trên Telegram rằng các lực lượng của nước này đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa lớn vào Ukraine ngày 8/7 nhưng khẳng định các mục tiêu là "những cơ sở công nghiệp quân sự" và "căn cứ không quân" của Ukraine.
Chuyến thăm của ông Orban tới Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm Kiev và Moscow vào tuần trước, chỉ vài ngày sau khi Hungary đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu. Những nỗ lực của Thủ tướng Hungary đã vấp phải sự chỉ trích từ phương Tây khi các nước này cho rằng ông đang gây sức ép để Kiev nhượng bộ lãnh thổ mà Moscow đã chiếm bằng vũ lực.
Tại Brussels, các quan chức đã không công nhận những nỗ lực của ông Orban khi cho rằng ông không có thẩm quyền thực hiện các hoạt động ngoại giao cho EU.
"Rõ ràng ông ấy chỉ đang đại diện cho đất nước của mình", một nhà ngoại giao EU giấu tên nói.
Eric Mamer, Người phát ngôn Ủy ban châu Âu nhấn mạnh, ông Orban đang hành động một mình.
"Ông ấy không nhận được sự ủy quyền trong các chuyến thăm này để đại diện cho EU".
Hungary đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU vào tháng 7 và Tổng thống Putin cho rằng ông Orban đến Moscow với tư cách đại diện hàng đầu của Hội đồng Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, một số quan chức hàng đầu châu Âu đã bác bỏ nhận định đó và nói rằng ông Orban không có nhiệm vụ gì ngoài thảo luận về mối quan hệ song phương giữa Hungary và Nga.
Trong một dấu hiệu cho thấy chiều hướng đa cực mới của địa chính trị, chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Hungary diễn ra chỉ vài tiếng trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Moscow trong chuyến thăm cấp nhà nước, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022.
Trong một tuyên bố trước khi rời New Delhi ngày 8/7, ông Modi đã khen ngợi "người bạn Vladimir Putin của tôi" và "Quan hệ Đối tác Chiến lược Đặc biệt và Đặc quyền giữa Ấn Độ và Nga". Ấn Độ mua dầu mỏ Nga gấp 20 lần kể từ năm 2021 và điều đó đã giúp Moscow chống chịu các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của phương Tây.
Với chuyến thăm Moscow lần này, ông Modi, người vừa tái đắc cử tháng trước đã cho thấy sự độc lập của mình mặc dù chính quyền Tổng thống Biden tích cực thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.
"Tổng thống Putin có thể truyền tải tới công chúng rằng: Ấn Độ là một người bạn, tất cả các cuộc trao đổi về việc cô lập Nga là những cuộc trao đổi vô nghĩa và không phải mọi người đều nằm dưới sự ảnh hưởng của phương Tây do Mỹ dẫn đầu cũng như việc thế giới bất đối xứng và đa cực đã đến", Nandan Unnikrishnan, Giám đốc chương trình Á - Âu tại Observer Research Foundation - một tổ chức nghiên cứu tại New Delhi nhận định. Theo ông: "Ấn Độ nhất trí rằng đây là một thế giới đa cực, thậm chí cả khi nước này hơi nghiêng về phương Tây một chút".
Chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Putin?
Washington Post nhận định, chuyến thăm của ông Orban tới Trung Quốc là một chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Putin, người từ lâu đã kêu gọi trật tự thế giới đa cực. Tổng thống Putin nhận định, phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh là bên chịu trách nhiệm cho việc xung đột kéo dài ở Ukraine.
Sau cuộc gặp với ông Orban ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông đánh giá cao những nỗ lực của nhà lãnh đạo Hungary nhằm mang đến một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine.
"Trung Quốc và Hungary có lập trường cơ bản giống nhau và chúng tôi đang đi cùng một hướng", ông Tập Cận Bình nói.
"Chỉ khi tất cả các nước lớn tạo ra năng lượng tích cực thay vì tiêu cực thì khởi đầu của lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột này mới có thể xuất hiện sớm nhất có thể", ông Tập Cận Bình nói, đồng thời cho biết, Trung Quốc "chủ động thúc đẩy hòa bình và khuyến khích đàm phán theo cách của mình".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bild, ông Orban khẳng định Ukraine sẽ không bao giờ đánh bại Nga,
"Sẽ không có giải pháp cho cuộc xung đột này trên tiền tuyến. Tổng thống Putin không thể thua nếu nhìn vào các binh lính, trang thiết bị và công nghệ của họ. Đánh bại Nga là một suy nghĩ khó có thể tưởng tượng. Việc Nga thực sự bị đánh bại là điều hoàn toàn không thể tính tới".
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố nước này không nhất trí với bất kỳ lệnh ngừng bắn nào giữa bối cảnh các lực lượng của Nga đang chiếm 1/5 lãnh thổ và tên lửa đang dội xuống các thành phố. Tổng thống Zelensky yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ nước này tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ vào tháng trước – một sự kiện mà Trung Quốc không tham dự và Nga không được mời.
Bắc Kinh đã bác bỏ những chỉ trích từ Ukraine, châu Âu và Mỹ về quyết định không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức, cho biết nước này không tham gia vào các cuộc trao đổi mà không có Nga. Trung Quốc, cùng với Brazil, thay vào đó, đưa ra đề xuất 6 điểm mà các quan chức Trung Quốc khẳng định đã nhận được sự ủng hộ từ hàng chục nước đang phát triển trên khắp thế giới.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, các nước phương Tây là trở ngại để Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, Cui Hongjian, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh nhận định. Trung Quốc tin rằng nước này "phải lên tiếng và có lập trường", ông Cui cho hay.
Lập trường trung lập của Trung Quốc được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng khi xung đột ở Ukraine đã kéo dài sang năm thứ ba và thương mại Nga - Trung không ngừng phát triển.
Ông Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau vào tuần trước ở Kazakhstan, nơi Tổng thống Putin phát biểu về tiến trình hướng tới một "trật tự thế giới đa cực và công bằng" trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Tại cuộc họp này, Tổng thống Putin đề nghị nối lại các cuộc đàm phán từng diễn ra ở Istanbul năm 2022, không lâu sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngày 8/7, tại Moscow, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga luôn ủng hộ những nỗ lực ngoại giao.
"Tổng thống Putin là một người ủng hộ những nỗ lực ngoại giao và chính trị nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine", ông Peskov nói.