Nước cờ của Nga khi công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan

VOV.VN - Trong bối cảnh khoảng trống quyền lực sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, Nga đang từng bước khẳng định vai trò và lợi ích địa chiến lược tại quốc gia Nam Á này.

Khi chính thức công nhận Vương quốc Hồi giáo Afghanistan vào tuần trước, Nga không chỉ mở đại sứ quán mới tại Kabul mà còn mở ra một mặt trận địa chính trị mới. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021, một cường quốc thế giới thiết lập quan hệ chính thức với chính quyền ở Kabul, chứ không chỉ dừng lại ở các kênh tiếp xúc không chính thức trước đó.

Ngày 1/7, đặc phái viên Taliban Gul Hassan đã trình quốc thư lên Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko. Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố công nhận chính quyền Taliban, cả về mặt ngoại giao, chính trị và biểu tượng.

Động thái này diễn ra sau một bước đi quan trọng vào tháng 4, khi Nga chính thức đưa Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố sau hơn hai thập kỷ. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, quyết định công nhận được đưa ra trên cơ sở thực tiễn, nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh, đối thoại kinh tế và đóng góp vào ổn định khu vực.

Tại Kabul, Taliban nhanh chóng hoan nghênh động thái của Moscow, cho rằng đây có thể là tín hiệu mở đường cho tiến trình tái hội nhập quốc tế. Mặc dù nhiều nước phương Tây vẫn giữ lập trường cứng rắn, các kênh tiếp xúc gián tiếp vẫn tồn tại, nhưng cho tới nay chưa có quốc gia nào tiến tới thiết lập quan hệ chính thức với chính quyền Taliban như Nga.

Tính toán an ninh từ thực tiễn

Đối với Nga, công nhận Taliban không chỉ là quyết định ngoại giao, mà còn là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh khu vực. Việc thiết lập quan hệ chính thức cho phép Moscow thúc đẩy hợp tác với chính quyền Taliban trong các vấn đề then chốt như kiểm soát hoạt động của các nhóm cực đoan và đảm bảo sự ổn định của khu vực Trung Á.

Thách thức này mang tính cấp thiết. Tháng 3/2024, một vụ tấn công khủng bố vào nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow khiến hàng chục người thiệt mạng. Theo nhà chức trách Nga, thủ phạm có liên hệ với nhánh Khorasan của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) – lực lượng đối lập với cả Taliban và Nga.

Sau vụ việc, quan điểm của Moscow thay đổi rõ rệt. Trong bối cảnh Taliban đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan, việc hợp tác, dù còn gây tranh cãi, được đánh giá là cần thiết về mặt chiến lược. Năm 2024, Tổng thống Vladimir Putin lần đầu gọi Taliban là “đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố”, cho thấy Moscow không còn coi lực lượng này là trở ngại, mà là một phần của giải pháp.

Việc công nhận chính quyền Taliban giúp chính thức hóa cách tiếp cận này, chuyển từ các tiếp xúc không chính thức sang khung hợp tác có điều kiện ràng buộc. Nga không chỉ trao tư cách đối tác, mà còn đặt ra yêu cầu về trách nhiệm.

Cơ hội kinh tế, thương mại

Việc thiết lập quan hệ chính thức mở ra nhiều cơ hội kinh tế. Afghanistan được đánh giá là giàu tiềm năng khoáng sản, bao gồm các kim loại quý hiếm như lithium và đất hiếm. Khi các mối quan hệ chính thức đã được thiết lập, các doanh nghiệp Nga có thể tiếp cận thị trường Afghanistan một cách chính thức và thuận lợi hơn.

Về thương mại, nhiều mặt hàng nông sản của Afghanistan, từ trái cây khô đến thảo dược, đã bắt đầu xuất hiện tại một số địa phương của Nga. Trong khi đó, hàng hóa Nga cũng đang thâm nhập thị trường Afghanistan. Theo Financial Times, Moscow đang âm thầm phát triển một hành lang thương mại với Kabul trong khi nhiều nước vẫn dè dặt.

Lợi thế địa lý cũng đóng vai trò quan trọng. Afghanistan nằm ở vị trí chiến lược giữa Trung và Nam Á, là điểm kết nối tiềm năng tới Pakistan, Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh chịu nhiều biện pháp trừng phạt và chuỗi cung ứng toàn cầu biến động, việc mở rộng các tuyến thương mại mới có ý nghĩa đặc biệt với Nga.

Việc công nhận chính quyền Taliban là bước đi đầu tiên giúp Moscow sớm giành được vị thế thuận lợi trong quá trình này.

Nga giành lợi thế “đi trước”

Tại Mỹ và Liên minh châu Âu, Afghanistan vẫn bị coi là biểu tượng của một cuộc chiến thất bại. Về mặt chính thức, Taliban vẫn bị liệt vào danh sách lực lượng bị cô lập. Tuy nhiên, các kênh tiếp xúc gián tiếp vẫn diễn ra, chủ yếu ở cấp tình báo và ngoại giao kỹ thuật. Dù vậy, chưa có quốc gia phương Tây nào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Kabul.

Nga là nước đầu tiên làm điều đó. Động thái này có thể khiến Moscow đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới từ phương Tây. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga đã chịu loạt trừng phạt nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khả năng các biện pháp bổ sung gây tác động lớn là không đáng kể.

Trên thực tế, việc công nhận chính quyền Taliban giúp Nga giành lợi thế “đi trước” trong khu vực, không chỉ tại Kabul mà còn ở phạm vi rộng hơn. Trong khi phương Tây vẫn cân nhắc về mặt hình ảnh và chính sách, Nga đang từng bước thiết lập hiện diện thực tế. Bên cạnh năng lực quân sự và năng lượng, Nga còn tận dụng ảnh hưởng lịch sử từng thiết lập tại Trung Á, nơi Moscow từng giữ vai trò đảm bảo an ninh và ổn định thời hậu Xô viết.

Mục tiêu sau cùng của Nga

Nga từng đóng vai trò trung gian quan trọng trong các xung đột khu vực. Năm 1997, Moscow giúp thúc đẩy thỏa thuận hòa bình kết thúc cuộc nội chiến kéo dài tại Tajikistan.

Hiện quan hệ giữa chính quyền Taliban và Tajikistan còn nhiều căng thẳng. Tuy nhiên, với vai trò là đối tác tin cậy của cả hai bên và là thành viên của các cơ chế an ninh khu vực, Nga đang ở vị trí thuận lợi để đóng vai trò trung gian hòa giải. Điều tương tự cũng tồn tại trong quan hệ giữa Afghanistan và Turkmenistan, khi hai bên còn tồn tại các tranh chấp biên giới và nghi kỵ chính trị.

Chính trong bối cảnh đó, việc công nhận chính quyền Taliban giúp Nga có thêm công cụ thúc đẩy đối thoại khu vực, điều mà các nước phương Tây hiện khó thực hiện.

Mục tiêu dài hạn của Nga có thể còn lớn hơn, đó là kết nối năng lượng. Với sự hiện diện thương mại ban đầu tại Kabul và định hướng phát triển hành lang năng lượng Á – Âu, Moscow không chỉ coi Afghanistan là một thách thức cần kiểm soát, mà là một điểm kết nối tiềm năng trong chiến lược khu vực.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Nga “đi đầu” công nhận chính quyền Taliban, Afghanistan bước sang chương mới
Nga “đi đầu” công nhận chính quyền Taliban, Afghanistan bước sang chương mới

VOV.VN - Hôm qua (3/7), Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan - một lực lượng nắm quyền điều hành đất nước Afghanistan từ năm 2021 và từng bị Nga đưa vào danh sách khủng bố.

Nga “đi đầu” công nhận chính quyền Taliban, Afghanistan bước sang chương mới

Nga “đi đầu” công nhận chính quyền Taliban, Afghanistan bước sang chương mới

VOV.VN - Hôm qua (3/7), Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan - một lực lượng nắm quyền điều hành đất nước Afghanistan từ năm 2021 và từng bị Nga đưa vào danh sách khủng bố.

Nga trở thành quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Taliban của Afghanistan
Nga trở thành quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Taliban của Afghanistan

VOV.VN - Hôm qua (3/7) Nga cho biết đã chấp nhận đại sứ mới của Afghanistan đến trình quốc thư và như vậy, Nga trở thành quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan.

Nga trở thành quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Taliban của Afghanistan

Nga trở thành quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Taliban của Afghanistan

VOV.VN - Hôm qua (3/7) Nga cho biết đã chấp nhận đại sứ mới của Afghanistan đến trình quốc thư và như vậy, Nga trở thành quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan.

Mỹ xem xét lại việc xếp Taliban vào danh sách tổ chức khủng bố
Mỹ xem xét lại việc xếp Taliban vào danh sách tổ chức khủng bố

VOV.VN - Việc xếp Taliban – lực lượng đang cầm quyền tại Afghanistan là “tổ chức khủng bố nước ngoài” hiện đang được chính quyền Mỹ xem xét lại. Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio mới đây.

Mỹ xem xét lại việc xếp Taliban vào danh sách tổ chức khủng bố

Mỹ xem xét lại việc xếp Taliban vào danh sách tổ chức khủng bố

VOV.VN - Việc xếp Taliban – lực lượng đang cầm quyền tại Afghanistan là “tổ chức khủng bố nước ngoài” hiện đang được chính quyền Mỹ xem xét lại. Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio mới đây.