Ông Trump “bật đèn xanh” cho viện trợ nhưng Ukraine vẫn đứng giữa vùng xám
VOV.VN - Những phát biểu của ông Trump về Ukraine trong ngày 14/7 không phải là tuyên bố quan trọng nhất mà một Tổng thống Mỹ có thể đưa ra. Chúng tạo nên một bức tranh chính trị phức tạp với những mảng sáng tối khó đoán, nơi Kiev khó lòng đặt trọn niềm tin vào sự ủng hộ của Washington.
Tin tốt là ông Trump đã bật "đèn xanh" để các quốc gia thành viên NATO mua vũ khí từ Mỹ, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đang cực kỳ cần thiết với Ukraine. Ông Trump còn ám chỉ rằng có tới 17 khẩu đội pháo phòng không đang được dự trữ ở một quốc gia NATO, sẵn sàng khai hỏa nếu được lệnh. Dù chi tiết thực sự của gói vũ khí còn chưa rõ ràng, nó chính xác là những gì Ukraine còn đang thiếu: các hệ thống đánh chặn tinh vi, có khả năng đối đầu với làn sóng tấn công ngày càng dồn dập bằng tên lửa tầm xa của Nga.

Tuy nhiên, mặt tối của bức tranh nằm ở điều ông Trump không nhắc đến: các biện pháp trừng phạt thứ cấp, tức là lệnh trừng phạt bất kỳ quốc gia nào còn mua năng lượng từ Nga. Một dự luật đang được thúc đẩy tại Thượng viện Mỹ có thể áp mức thuế lên tới 500% đối với mọi giao dịch mua bán dầu khí Nga. Nếu được thực thi, nó sẽ làm cạn kiệt các nguồn thu của Điện Kremlin, vốn đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ.
Song chính những lệnh trừng phạt ấy lại đặt Mỹ vào một tình thế phức tạp. Dự luận trừng phạt này nhắm vào hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời cũng là đối tác của Mỹ. Trong bối cảnh giá dầu đang thấp nhưng bất ổn thương mại toàn cầu gia tăng, một đòn trừng phạt mạnh tay có thể gây ra cú sốc ngược, đẩy giá dầu lên cao và ảnh hưởng tới chính người tiêu dùng Mỹ. Chưa kể, hiệu lực của lệnh trừng phạt còn phụ thuộc vào thời gian và hiện tại, gần như không có giao dịch nào bị ảnh hưởng tức thời.
Ông Trump đang tạo ra một khoảng đệm kéo dài đến tháng 9/2025, 50 ngày để Tổng thống Nga Vladimir Putin cân nhắc lại chiến lược. Liệu cuộc tấn công mùa hè của Nga, nếu xảy ra, có đủ sức làm thay đổi cán cân chiến trường và buộc Kiev phải lùi bước? Hay liệu sức ép quốc tế, thậm chí từ Bắc Kinh và New Delhi, có đủ để khiến Moscow phải tìm kiếm một giải pháp “đóng băng” xung đột?
Tuy vậy, đó là những giả định đầy lạc quan. Trung Quốc gần đây đã tuyên bố không thể để Nga thất bại mà không khiến Mỹ toàn lực dồn sức vào cạnh tranh địa chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng chưa có dấu hiệu sẵn sàng rút khỏi nguồn cung dầu giá rẻ từ Nga. Lợi ích kinh tế trực tiếp vẫn có sức hút mạnh hơn bất kỳ tuyên bố chính trị nào.
Một lần nữa, Tổng thống Trump cho thấy ông vẫn chưa từ bỏ niềm tin rằng Điện Kremlin thật sự muốn hòa bình, chỉ là chưa được thuyết phục đúng cách. Nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra một thời hạn mới, kỳ vọng vào một phép màu ngoại giao có thể đưa người đồng cấp Nga đến bàn đàm phán. Thế nhưng, những gì xảy ra gần đây cho thấy, có vẻ mọi chuyện thường xuyên diễn ra theo cách mà ông Trump mong muốn.
Điều đáng chú ý không nằm ở những tuyên bố cụ thể, mà ở sự thay đổi trong giọng điệu của ông chủ Nhà Trắng. Ông Trump không trực tiếp chỉ trích ông Putin. Thay vào đó, ông nhắc đến vợ mình, Đệ nhất phu nhân Melania Trump – người thường xuyên kể với ông về những đêm Kiev chìm trong mưa tên lửa và UAV tấn công của Nga. Trong khoảnh khắc ấy, ta thấy một Nhà Trắng không hoàn toàn lạnh lùng với những gì đang diễn ra ở Ukraine.
Lập trường của ông Trump về Ukraine thường xuyên thay đổi trong suốt thời gian nắm quyền. Ông có thể tuyên bố hỗ trợ vũ khí hôm nay, nhưng cũng có thể bất ngờ cắt viện trợ hoặc đề xuất một "thỏa thuận hòa bình" bất lợi cho Kiev vào ngày mai, nếu điều đó mang lại lợi ích cho Mỹ.
Không những thế, ông Trump từng công khai đặt câu hỏi về vai trò của NATO, công kích các đồng minh châu Âu vì “không chịu trả tiền”, và bày tỏ ngờ vực đối với các cam kết phòng thủ tập thể. Điều đó khiến Ukraine – một quốc gia đang phụ thuộc phần lớn vào sự hậu thuẫn quân sự từ phương Tây, càng thêm dễ tổn thương nếu Nhà Trắng đột ngột thay đổi hướng đi.
Cũng cần lưu ý rằng, chính sách ngoại giao của ông Trump chưa hề đi xa khỏi nguyên tắc cốt lõi: tránh để Mỹ trả giá trực tiếp. Ông Trump tới nay vẫn chưa chưa đưa ra những quyết định được coi là quan trọng nhất. Không có khoản viện trợ mới nào được công bố. Không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ nhận được năng lực tác chiến mới, ít nhất là trên mặt giấy tờ.
Ở thời điểm này, Kiev có thể cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng cảm giác ấy có thể sẽ nhanh chóng phai nhạt. Suy cho cùng, ông chủ Nhà Trắng vốn là một nhà lãnh đạo khó đoán và không có gì chắc chắn rằng ông sẽ duy trì lập trường ủng hộ Ukraine đến cùng.