Phương Tây đau đầu đoán ý Nga khi Moscow quyết không nhượng bộ “lằn ranh đỏ”
VOV.VN - Nga vạch ra những “lằn ranh đỏ” và kiên quyết không nhượng bộ khiến phương Tây đang phải đau đầu đoán ý Moscow xem liệu đó là động thái gây sức ép để các yêu cầu được đáp ứng hay một “cái cớ để tạo chiến tranh”.
Nga bị phương Tây cáo buộc đang chuẩn bị tấn công Ukraine trừ khi NATO đưa ra những nhượng bộ quan trọng về an ninh, trong đó có cam kết dừng mở rộng về phía đông. Phía Nga cho biết Mỹ và NATO liên tục vi phạm các cam kết được đưa ra vào đầu những năm 1990, rằng liên minh này sẽ không mở rộng sang những nước từng thuộc Liên Xô. Trong khi đó các nhà lãnh đạo NATO mặc dù khẳng định sẽ để ngỏ cánh cửa ngoại giao với Nga về kiểm soát vũ trang cũng như những vấn đề khác nhưng liên minh chưa sẵn sàng thảo luận về việc đóng vĩnh viễn cánh cửa kết nạp thành viên mới.
Nguồn cơn căng thẳng giữa Nga và NATO
Các nhà lãnh đạo Nga từ lâu đã thận trọng với việc mở rộng về phía đông của NATO, đặc biệt khi liên minh này kết nạp các nước từng thuộc Khối Warsaw và những nước từng thuộc Liên Xô vào cuối những năm 1990 (Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan) cũng như vào đầu những năm 2000 (Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia). Mối lo ngại của Nga ngày càng gia tăng vào cuối những năm 2000 khi NATO bắt đầu có ý định kết nạp Gruzia và Ukraine vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Với Nga, việc Ukraine gia nhập NATO là một "lằn ranh đỏ".
"Không có nhà lãnh đạo Nga nào có thể nhắm mắt làm ngơ trước những bước tiến kết nạp Ukraine của NATO. Đó sẽ là một hành động thù địch nhằm vào Nga", Tổng thống Putin từng cảnh báo cựu Thứ trưởng Phụ trách Các vấn đề chính trị Mỹ William Burns - người hiện là Giám đốc CIA, chỉ vài tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi năm 2008 ở Bucharest.
Mặc dù NATO không thông báo kế hoạch kết nạp thành viên chính thức với Ukraine và Gruzia tại Thượng đỉnh Bucharest nhưng liên minh này từng khẳng định "các quốc gia trên sẽ trở thành thành viên NATO" và liên minh này đã đi từ lời mời chính thức tới những cuộc trao đổi về việc gia nhập với Albania và Croatia, cả hai đều trở thành thành viên NATO năm 2009. NATO cũng mở rộng một lần nữa vào năm 2017 khi kết nạp thêm Montenegro và năm 2020 kết nạp thêm Bắc Macedonia.
Những “lằn ranh đỏ” của Nga
Nga đã đưa ra 2 dự thảo thỏa thuận nhằm đòi hỏi những đảm bảo an ninh mang tính ràng buộc pháp lý từ Mỹ và NATO, lần lượt là:
Trong dự thảo thỏa thuận với Mỹ, Nga đưa ra 8 điểu khoản và một số điều khoản yêu cầu những giới hạn chặt chẽ hơn với các hoạt động quân sự, chính trị của Mỹ và NATO.
Điều 4 kêu gọi NATO dừng mở rộng về phía đông, phủ nhận tư cách thành viên tương lai của các nước từng thuộc Liên Xô như Ukraine. Dự thảo đề xuất này cũng cấm Mỹ thiết lập các căn cứ ở trong hoặc hợp tác quân sự với những nước từng thuộc Liên Xô.
Điều 5 sẽ ngăn chặn cả 2 bên ký kết triển khai các khí tài quân sự tại những khu vực nằm ngoài biên giới của mình mà có thể "bị bên kia cho là mối đe dọa với an ninh quốc gia". Các máy bay ném bom hạng nặng và "tàu chiến mặt nước dù là bất kỳ loại nào" đều không được triển khai bên ngoài vùng biển và vùng trời thuộc chủ quyền của bên đó tới những nơi có thể tấn công vào lãnh thổ của đối phương.
Điều 6 kêu gọi các bên tiếp tục hạn chế triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn phóng từ mặt đất trên lãnh thổ của mình và chỉ triển khai ở những khu vực mà chúng không thể tấn công vào lãnh thổ của đối phương.
Điều 7 ngăn chặn các bên triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ và yêu cầu các cơ sở hạ tầng vũ khí hạt nhân liên quan ở các nước thuộc bên thứ ba phải được dỡ bỏ.
Trong dự thảo thỏa thuận với NATO, Nga nêu ra 9 điểm, trong đó có một số điểm kêu gọi sự nhượng bộ quân sự đáng kể từ liên minh này.
Điều 4 có sự phân chia rõ ràng giữa tư cách thành viên của các nước Đông Âu và Tây Âu trong NATO. Điều khoản này cấm các nước là thành viên của liên minh từ năm 1997 triển khai các khí tài quân sự tới "bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu" vượt qua những gì mà các nước này từng triển khai năm 1997. Việc triển khai như vậy chỉ có thể diễn ra "trong những trường hợp ngoại lệ" và có sự nhất trí của Nga.
Điều 5 cấm các bên đặt tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất tại những khu vực có thể tấn công vào những bên còn lại. Điều 6 sẽ hạn chế NATO tiến hành bất kỳ đợt mở rộng nào, trong đó bao gồm cả việc kết nạp Ukraine. Điều 7 sẽ cấm các thành viên NATO tiến hành bất kỳ động thái quân sự nào ở Ukraine cũng như các nước Đông Âu khác, cùng với khu vực Nam Kavkaz và Trung Á.
Nhiều nhà phân tích và các quan chức phương Tây cho rằng, một số yêu cầu của Nga, chẳng hạn như cấm mở rộng NATO trong tương lai là bất khả thi. Một số người lo ngại Nga cố tình đưa ra những đòi hỏi quá mức mà chắc chắn phương Tây sẽ bác bỏ nhằm tạo cớ leo thang quân sự ở Ukraine.
Phương Tây đau đầu đoán ý Nga
Các quan chức Mỹ xác nhận với CBS News rằng chính quyền Tổng thống Biden đã cho phép một số đồng minh NATO vận chuyển khẩn cấp các vũ khí do Mỹ sản xuất - trong đó có cả các tên lửa chống tăng, tới Ukraine để củng cố khả năng phòng thủ của quốc gia này.
Trong khi đó, các quan chức điện Kremlin khẳng định Nga không có kế hoạch và cũng không có ý định tấn công Ukraine trong khi Tổng thống Putin và các cố vấn của ông cho rằng Mỹ và NATO mới chính là bên gia tăng căng thẳng khi đe dọa trừng phạt và di chuyển các thiết bị quân sự và binh lính tới gần biên giới phía tây của Nga. Moscow cũng đưa ra cảnh báo về việc hành động quân sự nếu các yêu của Nga không được đáp ứng - chủ yếu là việc ngăn Ukraine gia nhập NATO.
Chính quyền Tổng thống Biden gọi những đề xuất trên là bất khả thi nhưng cả hai bên đều thể hiện thái độ sẵn sàng đối thoại, đáng chú ý nhất là cuộc trao đổi giữa Ngoại trưởng Mỹ Blinken và người đồng cấp Lavrov ở Geneva ngày 21/1.
Bất chấp những "suy đoán" của Tổng thống Biden ngày 19/1, các quan chức Mỹ cho biết họ vẫn không biết chắc liệu Tổng thống Putin có quyết định tấn công Ukraine hay không dù trên bất kỳ quy mô nào, hoặc liệu tình trạng "bên bờ vực chiến tranh" hiện nay có phải chỉ nhằm đòi hỏi sự nhượng bộ từ Mỹ và NATO hay không trước những yêu cầu về "đảm bảo an ninh" của Moscow.
Tổng thống Biden khẳng định ông không cho rằng Tổng thống Putin muốn một "cuộc chiến tranh toàn diện" và rằng ông đánh giá nhà lãnh đạo Nga chỉ muốn đặt ra phép thử với Mỹ và NATO. Các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không biết Tổng thống Putin đang nghĩ gì nhưng đã chuẩn bị cho những kịch bản có thể xảy ra./.