Pompeo liệu có thành công sau bài học thất bại của Tillerson?
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Trump dường như vẫn chỉ luôn muốn bảo vệ quan điểm của riêng mình và sẵn sàng loại bỏ bất kỳ ai trái ý dù đó là cố vấn thân cận nhất.
Quyết định “không lẫn vào đâu được” của Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy rõ ràng ông vẫn là một nhà lãnh đạo “không lẫn vào đâu được” vì những quyết định mang tính bản năng, táo bạo và thậm chí là “liều lĩnh”. Vụ sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson mới đây, khi ông này vừa kết thúc chuyến công du châu Phi là một ví dụ điển hình nhất. Tuy nhiên, quyết định này của Tổng thống Trump được cho có thể là một trong những quyết định mang tính định mệnh của Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: National Interest. |
Tổng thống Trump đã cho thấy ông không có cùng quan điểm với Ngoại trưởng Mỹ trong nhiều vấn đề quan trọng như thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Điều này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về quá trình đưa ra các quyết định trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Khi công khai thừa nhận có sự “lệch pha” với Ngoại trưởng Tillerson, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chọn Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo làm nhân vật thay thế với lý do vì “chúng tôi luôn có cùng quan điểm”. Điều này cho thấy, ông Trump dường như chỉ muốn nhận được những lời khuyên từ những người “tâm đầu ý hợp”.
Điều này trong việc hoạch định chính sách đối ngoại là đặc biệt nguy hiểm. Trump dường như không muốn tìm kiếm hay để ý đến những lời khuyên của những chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại khi những quan điểm đó xung đột với quan điểm của ông. Ông Trump có vẻ như cũng không hiểu sự cần thiết phải đảm bảo rằng các nước đồng minh và bạn bè được tham vấn trong các quyết sách về đối ngoại.
Dù ông Tillerson không thành công trong quá trình làm việc tại Bộ Ngoại giao, việc ông bị sa thải có thể dẫn tới nguy cơ Tổng thống Trump sẽ nhận được ngày càng ít hơn những lời tư vấn hữu ích và điều này khiến cho thế giới ngày càng trở nên bất ổn hơn vào thời điểm vai trò lãnh đạo của Mỹ đang hết sức cần thiết.
Cái kết được báo trước?
Nhiệm vụ của Tillerson đã rất khó khăn ngay từ khi ông nhậm chức. Bản thân ông không có kinh nghiệm ngoại giao hay thậm chí là phục vụ trong cơ quan công quyền bởi công việc của ông là quản lý một tập đoàn quốc tế khổng lồ. Điều đáng nói là Tillerson lại nhận lời đứng trong hàng ngũ của một trong những vị Tổng thống “phi truyền thống” nhất trong lịch sử nước Mỹ - người đã nói rằng muốn tự đưa ra tất cả các quyết định quan trọng.
Ngoại trưởng Rex Tillerson (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đường ai nấy đi. Ảnh: AP. |
Việc ông Tillerson bị sa thải có lẽ là điều không thể tránh khỏi sau khi ông gọi Tổng thống Trump là “người khờ khạo”. Bất đồng giữa Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ chủ yếu liên quan đến thỏa thuận khí hậu Paris, vấn đề Triều Tiên và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson phải ra đi ngay sau Chủ tịch của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Gary Cohn – người cũng đã rời bộ máy chính quyền Trump sau những bất đồng với Tổng thống về chính sách áp thuế mặt hàng thép và nhôm. Đó là còn chưa kể đến khả năng Cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster cũng có thể sẽ rơi vào tình cảnh tương tự.
Vụ ra đi đột ngột của Ngoại trưởng Tillerson diễn ra trong bối cảnh cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt phụ trách điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, ông Robert Mueller đang tiến gần hơn đến Nhà Trắng; ánh mắt nghi ngại của bạn bè, đồng minh sau khi Mỹ áp thuế với nhôm và thép; mối quan hệ đang ở điểm “nguy hiểm” với Nga liên quan đến tình hình Syria… Nhiều người cho rằng, trong hoàn cảnh phải đối mặt với những yếu tố phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro thì ông Trump sẽ lựa chọn sự ổn định trong chính quyền nhưng cuối cùng, ông chủ Nhà Trắng đã làm điều ngược lại.
Trump lựa chọn phương án loại bỏ những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa và đưa ông Pompeo vào vị trí lãnh đạo ngành ngoại giao. Với động thái này, có thể thấy ông Trump muốn xung quanh mình phải là những cá nhân có cùng quan điểm trong việc đối phó với Iran, Triều Tiên hay những thách thức trong các chính sách đối ngoại khác. Kịch bản Mike Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ: Được gì và mất gì?
Pompeo có tránh được “vết xe đổ”?
Được Tổng thống Trump “chọn mặt gửi vàng”, vậy đâu là triển vọng của Mike Pompeo trong việc khôi phục lại vị thế của Bộ Ngoại giao Mỹ và mang lại sự gắn kết chặt chẽ hơn trong việc hoạch định chính sách và triển khai ở nước ngoài?
Theo đánh giá của nhiều người, Mike Pompeo đã làm tốt công việc của mình trong vai trò Giám đốc CIA và nhận được sự tôn trọng của cấp dưới. Pompeo luôn giúp đỡ và lắng nghe quan điểm của các nhân viên. Được biết, Pompeo cũng đã có cuộc nói chuyện thẳng thắn với Tổng thống Trump về những mối đe dọa mà nước Mỹ phải đối mặt, bao gồm cả những nỗ lực can thiệp chính trị của Nga trong quá khứ và hiện tại.
Ông Pompeo dường như lấy được lòng tin của Tổng thống Trump, không giống như Tillerson và chia sẻ quan điểm cứng rắn về Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng có khác biệt rõ rệt trong việc cung cấp các thông tin tình báo cho Tổng thống với việc giúp ông chủ Nhà Trắng đưa ra quyết định quan trọng về chính sách đối ngoại và sau đó là thực hiện chúng.
Câu hỏi đặt ra là liệu Pompeo có thể thay đổi tâm trí của Tổng thống hoặc ít nhất là gây ảnh hưởng đến ông Trump? Liệu ông có hành động như một người khôn ngoan dù đôi khi có bất đồng với Tổng thống như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã làm hay chọn cách đơn giản là đóng vai một lãnh đạo ngành thuần phục hoàn toàn theo mọi ý kiến chỉ đạo? Thượng viện Mỹ chắc chắn sẽ phải nghiên cứu kỹ những câu hỏi này khi tiến hành các bước chuẩn thuận để ông Pompeo chính thức trở thành tân Ngoại trưởng Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn luôn sẵn sàng để bảo vệ quan điểm cá nhân, phản đòn những quan điểm trái ý ông và thậm chí là loại bỏ những người không song trùng về quan điểm dù đó là cố vấn thân cận nhất. Sự ra đi của Tillerson, Cohn và nhiều khả năng là McMaster rõ ràng không hề có lợi cho quan điểm “toàn cầu”.
Theo giới quan sát, có lẽ mối nguy lớn nhất đối với Mỹ chính là Triều Tiên và dân Mỹ chỉ có thể hy vọng ông Trump sẽ tiếp nhận một cách cởi mở các quan điểm khác nhau và cả những ý kiến phê bình; trọng dụng những chuyên gia có chuyên môn tốt để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong thời gian tới, qua đó giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn./. Chính sách ngoại giao của Mỹ thay đổi ra sao dưới thời Mike Pompeo?