Tác động của vụ vỡ đập Kakhovka với cục diện xung đột Nga - Ukraine
VOV.VN - Vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka đặt ra câu hỏi về khả năng của Ukraine trong việc phát động một cuộc phản công đã lên kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nó sẽ làm thay đổi các mặt trận nhưng không thể ngăn chặn giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.
Đập Nova Kakhovka, nằm trên sông Dneper, bị vỡ hôm 6/6, khiến dòng nước ồ ạt trút xuống hạ lưu và khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Ukraine cáo buộc lực lượng Nga cho nổ tung đập Kakhovka, trong khi Điện Kremlin phủ nhận và nói rằng Kiev cố tình phá hoại con đập để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc phản công của họ.
Vụ vỡ đập xảy ra trong bối cảnh Ukraine đã chuẩn bị cho cuộc phản công chống lại lực lượng Nga từ nhiều tháng qua.
Cuộc phản công của Ukraine sẽ vẫn diễn ra
Ukraine từ lâu đã cảnh báo rằng đập Nova Kakhovka là mục tiêu của Nga. Tháng 11/2022, Kiev bày tỏ lo ngại con đập có thể bị phá hủy khi lực lượng Nga rút lui khỏi hữu ngạn sông Dnepr ở vùng Kherson.
Nhà lập pháp Ukraine Oleksiy Goncharenko cho biết nước lũ xả ra sau vụ vỡ đập “chắc chắn” sẽ khiến cuộc phản công của Kiev trở nên khó khăn hơn ở khu vực này.
“Chúng ta có thêm vài trăm km tiền tuyến nên cũng sẽ có thêm nhiều nơi để có thể tấn công, tuy nhiên ở chính xác khu vực này, mọi việc sẽ khó khăn hơn. Tôi sẽ không nói là bất khả thi, nhưng chắc chắn việc tấn công sẽ khó hơn nhiều”, ông Goncharenko cho biết ngày 7/6 trong một cuộc phỏng vấn với Kênh 4 News của Vương quốc Anh.
Trong khi đó, ông Andrius Tursa, cố vấn Trung và Đông Âu tại Teneo, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, cho rằng vụ vỡ đập Kakhovka có thể làm thay đổi các kế hoạch tấn công của Ukraine - nhưng “không có khả năng cản trở” chúng.
Theo ông Tursa, các hoạt động tấn công tăng cường của Ukraine có thể cho thấy sự khởi đầu của một chiến dịch rộng lớn hơn, nhưng nó có thể sẽ diễn ra “dần dần và thận trọng”.
“Cuộc tấn công của Ukraine từ lâu đã được dự đoán sẽ tập trung vào việc giải phóng các khu vực phía Đông Nam nhằm cắt đứt ‘cầu nối trên bộ’ tới Crimea, chia cắt lực lượng Nga ở các vùng mà Moscow đang kiểm soát và gây ra những rủi ro mới đối với các tài sản quân sự của Nga trên bán đảo này”, ông Tursa nói.
“Mặc dù đó có thể vẫn là một trong những mục tiêu của Ukraine, nhưng họ cũng đang chịu áp lực chính trị ngày càng tăng để chứng minh rằng thiết bị quân sự và sự huấn luyện của phương Tây đã cho phép họ giáng những đòn mạnh vào lực lượng Nga và chiếm lại các khu vực lãnh thổ quan trọng bất kể các vùng lãnh thổ đó nằm ở đâu”, ông Tursa nói thêm.
Ông Ian Bremmer, người sáng lập và Chủ tịch Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, không cho rằng việc con đập bị vỡ sẽ tạo ra nhiều khác biệt đối với cuộc phản công của Ukraine.
“Đây không phải là nơi ‘cầu nối trên bộ’ dẫn đến Crimea dễ bị đứt gãy nhất nên có lẽ kế hoạch sẽ không ảnh hưởng gì”, ông Bremmer nhận định.
Các mặt trận sẽ thay đổi
Dù vậy, vụ vỡ đập Kakhovka sẽ làm thay đổi các mặt trận trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Các mũi tấn công chính dự kiến sẽ tập trung ở khu vực Zaporizhzhia và Donetsk, chứ không phải dọc theo sông Dnepr. Sự thay đổi này xuất phát từ thực tế sông Dnepr giờ đây có cả lợi và hại cho quân đội 2 bên.
Bên dưới con đập, binh lính Nga và Ukraine từng đối mặt với nhau ở 2 bên bờ sông với khoảng cách hơn 1km giờ đã bị ngăn cách bởi dòng nước lũ rộng tới vài km. Trong khi đó, ở thượng nguồn, hồ chứa vốn tương đối rộng và khó có thể quan sát phía đối diện, đang dần biến thành bãi bùn, có khả năng kéo 2 bên lại gần nhau hơn.
Bà Natalia Humeniuk, Người phát ngôn Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine, cho hay: “Điều này sẽ có tác động nhất định vì bối cảnh của chiến trường trong tương lai đã thay đổi đáng kể, thậm chí chính tiền tuyến cũng thay đổi”.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, chuyên gia quân sự Ukraine Mykhailo Samus cho biết lũ lụt sẽ ít ảnh hưởng đến cuộc phản công của Ukraine, vì quân đội nước này chưa bao giờ có ý định biến cuộc chiến dọc sông Dnepr trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch tổng thể.
Việc Ukraine đe dọa tấn công ven sông là nhằm đánh lạc hướng quân đội Nga khỏi các khu vực tấn công chính.
“Trước khi có lũ lụt, chúng tôi cần phải vượt sông Dnepr, sau lũ cũng vẫn vậy, nhưng sẽ khó hơn. Các hoạt động phụ trợ và nghi binh vẫn có thể được tiến hành”, ông Samus nói.
Nga bất lợi ở bãi cát Kinburn
Các quan chức Ukraine cho biết Nga có thể sẽ gặp bất lợi ở bãi cát chiến lược phía Nam, nơi cửa sông Dnepr đổ ra Biển Đen, nếu một phần của nó bị ngập lụt.
Nga đã hoàn toàn kiểm soát bãi cát Kinburn (phía Tây Bắc của Bán đảo Kinburn giữa cửa sông Dnepr và Biển Đen) vào tháng 6/2022, một trong những bước tiến đáng chú ý cuối cùng của Moscow ở phía Nam. Nga đã nắm giữ khu vực này trong một thời gian dài sau khi rút khỏi Kherson ở bờ Tây sông Dnepr, cho phép họ ngăn chặn hoạt động vận chuyển của Ukraine vào vùng đồng bằng trong khi có thể pháo kích vào các khu vực do Ukraine nắm giữ.
Bà Humeniuk, Người phát ngôn của Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine, cho biết lũ lụt có thể khiến những vị trí đó gặp nguy hiểm nếu một số khu vực của mũi đất Kinburn bị nhấn chìm, biến nó thành một hòn đảo và cắt đứt các tuyến đường tiếp tế. “Điều này chắc chắn sẽ làm phức tạp hóa hậu cần của đối phương”, bà Humeniuk nói.
Giao tranh tiếp tục diễn ra hôm 8/6 tại khu vực con đập bị vỡ, cả trên hồ chứa đang dần biến mất ở thượng nguồn và ở vùng nước lũ dưới hạ lưu. Giống như trước trận lụt, các cuộc giao tranh hầu hết đều có hình thức giống nhau: pháo kích từ xa để giành quyền kiểm soát các đảo ở đồng bằng sông Dnepr./.