Thách thức với tỷ phú Elon Musk khi thành lập đảng mới ở Mỹ

VOV.VN - Trong bối bất đồng gay gắt với Tổng thống Mỹ Donald Trump về dự luật thuế và chi tiêu, tỷ phú công nghệ Elon Musk một lần nữa lên tiếng về việc thành lập đảng mới, một nhiệm vụ đầy thách thức ngay cả với người giàu nhất hành tinh.

Ý tưởng thành lập đảng thứ ba, có tên gọi là America Party (đảng Mỹ), được ông Elon Musk lần đầu đưa ra vào đầu tháng này. Động thái diễn ra giữa lúc căng thẳng với Tổng thống Trump leo thang, đánh dấu sự rạn nứt trong liên minh chính trị từng được xem là bền chặt. Vị tỷ phú công nghệ nhắc lại ý định thành laạp đảng mới vào tuần trước, khi Quốc hội thông qua dự luật “to đẹp” mà ông gọi là “kế hoạch chi tiêu điên rồ”.

Ngày 5/7, một ngày sau khi Tổng thống Trump ký ban hành dự luật trên, ông Musk viết trên mạng xã hội X rằng America Party đã chính thức được thành lập, dựa trên kết quả thăm dò ý kiến những người theo dõi ông.

“Với tỷ lệ 2 trên 1, các bạn muốn có một đảng chính trị mới – và các bạn sẽ có nó! Khi nói đến việc đẩy đất nước đến bờ vực phá sản vì lãng phí và tham nhũng, chúng ta đang sống trong một hệ thống một đảng, chứ không phải nền dân chủ. Hôm nay, America Party được thành lập để trao lại tự do cho các bạn”, ông Musk viết trong bài đăng.

Ông cho biết đảng mới sẽ tập trung vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026, nhắm đến một số ghế Hạ viện và Thượng viện có tính cạnh tranh cao nhằm nắm quyền quyết định trong các đạo luật gây tranh cãi. Dù ưu tiên Quốc hội, ông Musk không loại trừ khả năng ủng hộ một ứng viên tổng thống.

Tổng thống Trump đã phản ứng gay gắt trên nền tảng Truth Social, cho rằng ý tưởng của ông Musk sẽ gây ra “sự gián đoạn và hỗn loạn toàn diện”. Ông Trump nói rằng ông Musk đang “chệch đường ray” và về cơ bản trở thành “một tai nạn tàu hỏa”.

Ông Musk chưa cung cấp thêm chi tiết cụ thể về tổ chức, cơ cấu hay kế hoạch hành động của America Party, khiến dư luận đặt câu hỏi liệu ông đã thực hiện những bước đi pháp lý hay chưa.

Thách thức pháp lý từ 50 tiểu bang

Nếu thực sự muốn thành lập đảng chính trị mới, ông Musk sẽ phải đối mặt với một loạt quy định pháp lý phức tạp ở cấp tiểu bang, yêu cầu về tư cách tranh cử và nguy cơ kiện tụng kéo dài.

“Chỉ có người giàu nhất thế giới mới có thể thực sự nghiêm túc với kế hoạch thành lập một chính đảng mới ở Mỹ”, ông Brett Kappel, luật sư chuyên về bầu cử, nhận định.

Theo ông Kappel, hệ thống pháp luật bầu cử tại Mỹ cực kỳ phân tán: mỗi bang có bộ luật riêng để công nhận một chính đảng có quyền xuất hiện trên lá phiếu, và các rào cản này có thể “ở mức cao đến cực kỳ khó vượt qua”. Ví dụ, tại California, một đảng mới phải có ít nhất 0,33% cử tri toàn bang đăng ký làm thành viên (tương đương khoảng 75.000 người) hoặc nộp đơn với hơn 1,1 triệu chữ ký. Sau đó, để duy trì tư cách hợp lệ, đảng này phải giữ mức đăng ký trên hoặc giành ít nhất 2% phiếu trong một cuộc bầu cử toàn bang.

Để được công nhận ở cấp quốc gia, các đảng cấp bang còn phải xin ý kiến tư vấn từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC). Quá trình này chắc chắn sẽ đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, đặc biệt là về tính hợp lệ của chữ ký, đòi hỏi ông Musk phải chi một khoản lớn cho các vụ kiện tiềm tàng.

“Khuôn khổ pháp lý ở các bang đều thiên vị hai chính đảng lớn, khiến việc xuất hiện một đảng thứ ba trở nên vô cùng khó khăn”, ông Kappel bình luận.

Việc xây dựng một đảng mới có tham vọng quốc gia cũng cần nhiều thời gian. Theo ông Kappel, dù Musk có thể đưa một vài ứng viên vào danh sách tranh cử ở một số bang, nhưng việc xây dựng toàn bộ hạ tầng đảng phái có quy mô toàn quốc sẽ mất nhiều năm và điều này khó có thể hoàn tất trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2026.

Ông Musk viết trên X ngày 4/7 rằng một đảng non trẻ có thể tập trung vào 2–3 ghế Thượng viện và 8–10 ghế Hạ viện, từ đó nắm quyền “quyết định các đạo luật gây tranh cãi”. Ông cũng không loại trừ khả năng ủng hộ một ứng viên tổng thống.

Thực tế, các đảng thứ ba như Đảng Xanh hay Đảng Tự do (Libertarian) dù đã tồn tại hàng chục năm vẫn phải tranh đấu từng bang để được công nhận và giành quyền xuất hiện trên lá phiếu.

“Việc lập đảng mới và đưa tên lên lá phiếu là vô cùng khó khăn. Điều đó có thể thực hiện nếu bạn có rất nhiều tiền, nhưng nó vẫn sẽ là một dự án kéo dài nhiều năm và tốn hàng trăm triệu USD”, ông Kappel nhấn mạnh.

Ngay cả ông Trump cũng thừa nhận những trở ngại này khi viết rằng: “Elon muốn thành lập đảng thứ ba, nhưng thực tế là chưa đảng thứ ba nào từng thành công ở Mỹ. Hệ thống hiện nay dường như không được thiết kế để họ tồn tại”.

Ràng buộc tài chính và những giới hạn từ luật bầu cử

Với khối tài sản vượt 350 tỷ USD theo định giá của Forbes và Bloomberg, chi phí thành lập đảng mới dường như không phải là trở ngại lớn đối với Elon Musk. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông đã chi tới 277 triệu USD để hỗ trợ ông Trump và các ứng viên Cộng hòa, trong đó 239 triệu USD được rót vào America PAC – ủy ban hành động chính trị do ông Musk thành lập, nhằm huy động cử tri tại các bang chiến địa.

Tuy nhiên, kể từ đó, Musk đã phát tín hiệu sẽ giảm dần sự can dự vào chính trị. Hồi tháng 5, ông rút khỏi vai trò lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) và nói với các cổ đông Tesla rằng công việc của ông với chính phủ liên bang sẽ “giảm đáng kể”. Tại Diễn đàn Kinh tế Qatar cũng trong tháng 5, ông Musk cho biết sẽ “chi tiêu cho chính trị ít hơn nhiều” vì hiện “không thấy lý do gì để tiếp tục móc hầu bao”.

Nếu thực sự theo đuổi kế hoạch cạnh tranh với 2 đảng lớn, ông Musk sẽ phải quay lại chính trường với những ràng buộc tài chính rất phức tạp. Trước khi được công nhận là đảng quốc gia, các đảng mới thường hoạt động như tổ chức phi lợi nhuận, cho phép các nhà tài trợ không bị giới hạn về mức đóng góp. Nhưng sau khi được FEC công nhận, những nhà tài trợ như ông Musk sẽ bị ràng buộc bởi giới hạn quyên góp – hiện là 10.000 USD/năm cho đảng cấp bang và 44.300 USD/năm cho đảng cấp quốc gia.

Ngoài ra, luật liên bang cũng quy định khá phức tạp về thời điểm mà một tổ chức phải đăng ký là ủy ban chính trị. Một ví dụ điển hình là trường hợp nhóm Unity08 từng nỗ lực lập liên danh tranh cử tổng thống lưỡng đảng nhưng bị FEC yêu cầu đăng ký chính thức nếu chi quá 1.000 USD cho việc đưa tên lên lá phiếu – vụ việc kéo dài nhiều năm và phải ra tòa mới được giải quyết.

Một lựa chọn khác cho ông Musk là tiếp tục sử dụng America PAC, tổ chức được phân loại là siêu PAC, cho phép ông tài trợ không giới hạn nhưng không được phép phối hợp trực tiếp với ứng viên hay đảng phái.

Tổng thống Trump, về phần mình, cho rằng lý do ông Musk “khó chịu” là vì dự luật mới dần loại bỏ các khoản tín dụng thuế cho xe điện – điều có thể khiến Tesla thiệt hại hàng tỷ USD. Một số chỉ trích của Musk nhằm vào dự luật tập trung vào việc cắt giảm các ưu đãi năng lượng xanh, dù ông cũng lên án mức chi tiêu quá lớn của văn kiện này.

“Cá nhân tôi thấy Elon Musk là người tuyệt vời, và tôi tin ông ấy sẽ làm tốt. Nhưng có vẻ ông ấy hơi tức giận, và điều đó không thích hợp”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News cuối tháng 6.

Tổng thống cũng chia sẻ trên Truth Social rằng Musk từng nói với ông rằng không có vấn đề gì với việc loại bỏ quy định bắt buộc sử dụng xe điện – một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất trong gói chính sách mới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Tỷ phú Elon Musk tuyên bố thành lập một chính đảng mới ở Mỹ
Tỷ phú Elon Musk tuyên bố thành lập một chính đảng mới ở Mỹ

VOV.VN - Ông Elon Musk cho biết, dựa trên kết quả cuộc thăm dò ý kiến, ông sẽ thành lập một chính đảng mới ở Mỹ với tên gọi Đảng Mỹ, nhằm mang lại tự do cho người dân Mỹ.

Tỷ phú Elon Musk tuyên bố thành lập một chính đảng mới ở Mỹ

Tỷ phú Elon Musk tuyên bố thành lập một chính đảng mới ở Mỹ

VOV.VN - Ông Elon Musk cho biết, dựa trên kết quả cuộc thăm dò ý kiến, ông sẽ thành lập một chính đảng mới ở Mỹ với tên gọi Đảng Mỹ, nhằm mang lại tự do cho người dân Mỹ.

Tỷ phú Elon Musk lại khẩu chiến với Tổng thống Trump, đòi lập đảng mới
Tỷ phú Elon Musk lại khẩu chiến với Tổng thống Trump, đòi lập đảng mới

VOV.VN - Tỷ phú Elon Musk ngày 30/6 đã đăng các dòng trạng thái, chỉ trích gay gắt‎ dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời kêu gọi một đảng chính trị mới thực sự quan tâm đến người dân.

Tỷ phú Elon Musk lại khẩu chiến với Tổng thống Trump, đòi lập đảng mới

Tỷ phú Elon Musk lại khẩu chiến với Tổng thống Trump, đòi lập đảng mới

VOV.VN - Tỷ phú Elon Musk ngày 30/6 đã đăng các dòng trạng thái, chỉ trích gay gắt‎ dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời kêu gọi một đảng chính trị mới thực sự quan tâm đến người dân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Musk “gương vỡ lại lành”?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Musk “gương vỡ lại lành”?

VOV.VN - Mối quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú công nghệ Elon Musk có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi tỷ phú Musk ngày 11/6 thừa nhận ông cảm thấy “lấy làm hối tiếc” về một số bài đăng tải trên mạng xã hội liên quan Tổng thống Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Musk “gương vỡ lại lành”?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Musk “gương vỡ lại lành”?

VOV.VN - Mối quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú công nghệ Elon Musk có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi tỷ phú Musk ngày 11/6 thừa nhận ông cảm thấy “lấy làm hối tiếc” về một số bài đăng tải trên mạng xã hội liên quan Tổng thống Trump.