Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế tàu chiến vào Biển Đen tác động đến chiến dịch của Nga ở Ukraine
VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ có thể hạn chế tàu chiến của Nga từ Địa Trung Hải tới Biển Đen qua các eo biển của nước này theo Công ước Montreux. Điều này tác động thế nào tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine?
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/2 thông báo sẽ cấm tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles. Quyết định này đã được Thổ Nhĩ Kỳ gửi tới tới các quốc gia ven Biển Đen cũng như các quốc gia không thuộc biển Đen.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết thêm, Ankara cam kết tuân theo các quy định của Công ước Montreux, trong đó có quyền kiểm soát việc qua lại hai eo biển này.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết đã chính thức thông báo cho Nga về quyết định ngăn tàu chiến đi qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles.
Ông Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sử dụng quyền hạn của mình theo Công ước Montreux liên quan đến việc di chuyển của tàu thuyền trong eo biển, nhằm ngăn chặn sự leo thang của cuộc khủng hoảng. Đồng thời Ankara sẽ nỗ lực để tiếp tục các sáng kiến ngoại giao đa chiều nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định giữa Nga và Ukraine.
Quyết định được đưa ra 3 ngày sau khi Ukraine đề nghị Ankara đóng cửa eo biển Bosporus và Dardanelles đối với tàu thuyền của Nga. Vậy Công ước Montreux quy định những gì và việc thực thi các điều khoản trong đó có tác động thế nào tới tình hình Nga-Ukraine hiện nay?
Lối đi duy nhất vào Biển Đen
Trước Công ước Montreux, các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ thuộc phạm vi quy định của Công ước Lausanne 1923, trong đó thiết lập một số quy tắc về việc tàu quân sự đi qua các eo biển này.
Năm 1936, Anh, Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Montreux, Thụy Sỹ và đồng ý trả các eo biển (Bosphorus và Dardanelles và Biển Marmara) cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Công ước Montreux được Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô, Bulgaria, Hy Lạp, Đức, Nam Tư và Nhật Bản phê duyệt.
3 quan điểm quan trọng nhất cần được cân bằng là giữa của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô và Anh. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tái quân sự hóa khu vực và giành được nhiều quyền kiểm soát các eo biển nhất có thể, Liên Xô muốn đi lại không bị hạn chế để Hạm đội Biển Đen có thể tiếp cận Địa Trung Hải, trong khi Anh muốn áp đặt một số hạn chế đối với ảnh hưởng của Liên Xô ở Địa Trung Hải. Cuối cùng công ước Montreux được thỏa hiệp giữa 3 quan điểm này.
Các eo biển Bosporus và Dardanelles, còn được gọi là eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, nối Biển Aegean và Biển Đen qua Biển Marmara. Đây là lối đi duy nhất từ các cảng ở Biển Đen ra Địa Trung Hải và xa hơn.
Công ước Montreux quy định những gì?
Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát cả eo biển Bosporus và eo biển Dardanelles.
Công ước Montreux đảm bảo quyền tự do đi lại của tàu dân sự qua các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ nếu các tàu này không thuộc một nước đang chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng có quyền đóng cửa eo biển đối với bất cứ tàu thuyền thương mại nào.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiến tranh, Ankara có quyền làm bất cứ điều gì cần thiết, trong đó có cả việc đóng cửa eo biển với tàu thuyền nước khác. Nếu các nước khác đang có chiến tranh và Thổ Nhĩ Kỳ trung lập, các eo biển bị đóng cửa với các bên gây chiến.
Các quốc gia Biển Đen có thể điều tàu ngầm qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ với điều kiện thông báo trước, miễn là chúng đã được đóng, mua hoặc đưa đi sửa chữa bên ngoài Biển Đen.
Có sự hạn chế đối với hải quân các nước không thuộc Biển Đen. Ví dụ, họ không thể điều quá 9 tàu chiến cùng lúc và không có tàu nào trên 10.000 tấn đi qua các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu cũng chỉ được phép lưu lại khu vực không quá 21 ngày.
Các nước không thuộc khu vực Biển Đen muốn điều tàu tới khu vực phải thông báo trước 15 ngày, trong khi các nước trong khu vực là 8 ngày.
Nga bị ảnh hưởng như thế nào?
Các điều khoản của Công ước Montreux cùng với vị trí của Nga ở Biển Đen khiến nhiều người đặt câu hỏi việc Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế tàu chiến có tác động thực sự đáng kể đối với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine hay không.
“Dù chúng tôi hạn chế tàu chiến, Nga vẫn có quyền đưa tàu đi qua các eo biển. Trong các cuộc đàm phán, Nga đã đưa ra các sửa đổi. Điều 19, 20 và 21 có nói rõ về vấn đề này”, Ngoại trưởng Cavusoglu nói.
Điều 19 của Công ước Montreux có một ngoại lệ: “Tàu chiến của các nước gây chiến, cho dù họ có phải là quốc gia ở Biển Đen hay không, nếu đã rời căn cứ thì có thể [đi qua các eo biển] quay trở lại căn cứ”.
Điều đó có nghĩa là một hạm đội Nga có căn cứ ở Biển Đen nhưng hiện đang ở Địa Trung Hải vẫn được phép đi qua eo biển Bosporus và Dardanelles để trở về căn cứ thường trực. Các hạm đội của Nga hiện đang ở Biển Đen nhưng có căn cứ thường trực ở Địa Trung hải hoặc Biển Baltic vẫn được tự do ra khỏi khu vực.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cavusoglue nhấn mạnh, không nên lạm dụng điều khoản này. “Các tàu trở lại căn cứ không nên tham gia vào một cuộc chiến sau khi tuyên bố trở về căn cứ”.
Theo Cornell Overfield, nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích Hải quân, các tàu mà Nga quyết định đưa vào Biển Đen hoặc đưa ra khỏi khu vực, sẽ không thể trở lại cho đến khi chiến tranh kết thúc. Điều này không có nhiều tác động đáng kể trong ngắn hạn nhưng lại là vấn đề lớn nếu xung đột kéo dài.
Ông Sinan Ulgen, cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và là nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie ở châu Âu, cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng Công ước Montreux sẽ khiến Nga phải tính toán lại sự hiện diện quân sự ở Biển Đen và Đông Địa Trung Hải.
“Trước đây Nga có thể sử dụng linh hoạt các tài sản hải quân của hạm đội Biển Đen, bao gồm cả tàu ngầm. Bây giờ thì không được như vậy nữa. Họ sẽ phải chọn tài sản nào ở Biển Đen và tài sản nào sẽ ở lại Địa Trung Hải”, ông ông Sinan Ulgen đánh giá trên Twitter.
“Nga có thể có đủ nguồn lực để duy trì sức mạnh hải quân ở Biển Đen trong 2-3 tháng. Nhưng nếu xung đột kéo dài, đó sẽ là một câu chuyện khác”, ông Mustafa Aydin, Chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ nhận định./.