Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1: Chiến thắng nào cho ông Trump?
VOV.VN - Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc được đánh giá là đem lại lợi ích trước mắt cho Tổng thống Trump nhưng sẽ không đảm bảo về lâu dài.
Sau hơn 1 năm rưỡi ăn miếng trả miếng với các đòn thuế quan, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, qua đó hạ nhiệt cuộc thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc đem lại lợi ích cho chiến dịch tái tranh cử 2020 của Tổng thống Trump. Ảnh: Disrn |
Ngày 13/12, cả Mỹ và Trung Quốc đều xác nhận đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, theo đó Mỹ đồng ý giảm thuế quan đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc đã cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ, trong đó có nông sản, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Tổng thống Trump có thể sẽ nói rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc - đạt được chỉ vài ngày sau khi phe Dân chủ trong Quốc hội và chính quyền Trump đạt được thỏa thuận thông qua Thỏa thận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), là một bằng chứng nữa cho thấy ông là “nhà đàm phán đẳng cấp thế giới” như ông đã tự tuyên bố.
Lợi ích chính trị trước mắt
Trên Twitter ngày 13/12, ông Trump nói rằng đây là “một thỏa thuận tốt đẹp cho tất cả mọi người”. Đại diện thương mại Mỹ Robert Ligthizer trong một tuyên bố cùng ngày cũng đánh giá đây là thỏa thuận là “chưa từng có” và nhờ vào “sự lãnh đạo” của Tổng thống.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc là không rõ ràng. Thực tế, không nước nào công bố văn bản xác nhận chi tiết thỏa thuận. Điều này khiến các thị trường tài chính không mấy ấn tượng và thậm chí cảm thấy khó hiểu. Phía Trung Quốc thậm chí con thấy khó hiểu về việc liệu Mỹ có tổ chức họp báo về thỏa thuận này cùng thời điểm với mình hay không (Thực tế là không).
Tuy nhiên, dựa trên những thông tin đã được thông báo, các nhà phân tích thương mại đang coi thỏa thuận này là một dạng kiểu như “thỏa thuận ngừng bắn” hơn là giải pháp mang tính quyết định đối với những bất đồng của 2 bên.
“Đây là một thỏa thuận nhỏ, một sự tạm dừng trong cuộc xung đột thương mại mà theo đó sẽ tránh được sự leo thang các đòn thuế quan, trong khi Mỹ giảm thuế để đổi lấy cam kết thu mua hàng hóa nhiều hơn từ Trung Quốc cùng với một số cải cách kinh tế khiêm tốn vốn đã được thực hiện. Nó có nhiều cái thiệt cho cả 2 phía để đổi lấy bước tiến nhỏ”, Edward Alden, một học giả về thương mại tại Hội đồn Quan hệ Đối ngoại nói.
Trong khi đó, các dự báo dài hạn về cuộc chiến thương mại lại chưa rõ ràng, mặc dù có một số lợi ích chính trị trước mắt cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Những gì mà thỏa thuận mang lại cho Tổng thống là làm xoa dịu các thị trường khi hướng tới năm 2020 và một số giải pháp xoa dịu nhỏ cho các nông dân Mỹ vốn bị tác động bởi đòn thuế quan Trung Quốc. Điều này rõ ràng là có lợi cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump”, Alden nói.
Thỏa thuận “ngừng bắn” không ấn tượng
Các biện pháp giảm thuế theo thỏa thuận không có hiệu lực với tất cả hàng hóa Trung Quốc đang bị áp thuế. Ông Trump nói rằng, mức thuế 15% mà Mỹ áp với 120 tỷ USD hàng Trung Quốc hồi tháng 9 sẽ được giảm xuống còn 7,5%. Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế 25% đối với với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12 sẽ vẫn có hiệu lực.
Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua thêm nông sản Mỹ, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, minh bạch hơn trong điều chỉnh tiền tệ - điều tác động theo hướng có lợi cho Trung Quốc khi bán hàng hóa trên các thị trường quốc tế.
Trong một cuộc họp báo với Tổng thống Paraguay, ông Trump ca ngợi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 – đặc biệt là cam kết mua thêm nông sản Mỹ của Trung Quốc – như việc đảm bảo “những điều to lớn” cho nước Mỹ.
“Các nông dân giờ đây sẽ phải đi mua những chiếc máy kéo lớn hơn”, ông Trump tuyên bố trên Twitter sau đó.
Trong các tuyên bố công khai, giới chức Trung Quốc đã không nói đến chi tiết cụ thể về việc họ sẽ mua bao nhiêu hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các phóng viên vào buổi chiều 13/12 rằng, Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong 2 năm tới, trong đó có tăng thêm 32 tỷ mua nông sản. (Chưa bằng con số mà ông Trump cam kết hồi tháng 10 về việc muốn Trung Quốc tăng thêm 40-50 tỷ USD mua hàng nông sản Mỹ).
Chad Bown, một chuyên gia thương mại tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, chỉ ra rằng, nhiều điều khoản khác trong thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng. Tới nay, không có từ ngữ chính xác nào cho thấy Trung Quốc sẽ làm thế nào để điều chỉnh các biện pháp trợ cấp cho ngành công nghiệp vốn đang khác biệt với luật thương mại quốc tế hay cũng chưa rõ các công ty Mỹ ở Trung Quốc sẽ được bảo vệ như thế nào khỏi bị ăn cắp các tài sản trí tuệ có giá trị - một vấn đề lớn đối với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
“Chi tiết bản thỏa thuận là vấn đề”, Bown nói.
Thỏa thuận chính thức dự kiến được ký vào tháng 1/2020 và sẽ có hiệu lực 1 tháng sau đó. Về tổng thể, khi các chi tiết rõ ràng hơn, thỏa thuận có thể đem lại sự ổn định cho thương mại toàn cầu và ít nhất phần nào xoa dịu lo ngại của các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư rằng bất cứ sản phẩm nào được vận chuyển giữa Mỹ và Trung Quốc đều có thể bị tác động bởi thuế quan vào bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ hay Trung Quốc đã có sự thỏa hiệp làm thay đổi cuộc chơi hay có sự thay đổi về cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề thương mại toàn cầu, hay sẽ không có thêm “cuộc đấu” nào trong tương lai./.