Trung Quốc sẽ sớm soán ngôi của Mỹ?
VOV.VN - Trái ngược với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” của Washington, Trung Quốc lại đang quảng bá hình ảnh một đất nước có trách nhiệm và vì tương lai chung.
Quyền lực mềm là khả năng một nước có thể định hình quan điểm, thái độ, và hành động của nước khác mà không cần tới sức mạnh và sự ép buộc. Sử dụng quyền lực mềm, một đất nước có thể thu hút các đối tác và những người ủng hộ đối với chính sách, quan điểm và hành động của mình. Quyền lực mềm của một nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả hiệu quả kinh tế, danh tiếng quốc tế và hình ảnh toàn cầu.
Trái ngược với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” của Washington, Trung Quốc lại đang quảng bá hình ảnh một đất nước có trách nhiệm và vì tương lai chung. Ảnh: Sputnik
Có một sự nhầm lẫn khi cho rằng, Trung Quốc sử dụng quyền lực mềm tương đối muộn. Tuy nhiên, Trung Quốc thực hiện quyền lực mềm theo cách khác với phương Tây. Các chuyên gia phương Tây thường không chú ý tới quyền lực mềm của Trung Quốc dù nước này có lịch sử có ảnh hưởng lớn ở châu Á về văn hóa và thương mại.
Âm thầm tích lũy quyền lực mềm
Các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc đã tích lũy đáng kể quyền lực mềm thông qua lịch sử, văn hóa lâu đời của mình. Những điều này được bổ sung bằng sự tăng trưởng kinh tế phi thường trong 30 năm qua.
Năm 1980, GDP đầu người theo sức mua tương đương của Trung Quốc là 310 USD. Năm 2017, con số này là 16.624 USD, tăng 53,6 lần chỉ trong 37 năm. Trong giai đoạn này, 800 triệu người dân Trung Quốc thoát nghèo. Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của thế giới sẽ không thể đạt được nếu không có sự đóng góp của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng. Năm 2002, họ chưa hề có mạng lưới đường sắt cao tốc. Nhưng đến năm 2016, Trung Quốc có 22.000 km đường sắt cao tốc, chiếm 60% hệ thống đường sắt cao tốc toàn cầu. Theo kế hoạch, đến năm 2020, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc sẽ lên tới 30.000 km và mục tiêu tới năm 2030 là 45.000 km.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy cũng là một yếu tố mang lại quyền lực mềm cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong nhiều vấn đề khác.
Theo UNESCO, số tiền mà các nước có thu nhập cao trên thế giới chi vào nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 88% toàn cầu năm 1996, nhưng tới năm 2013, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 69,3%. Trong khi đó, số tiền chi cho R&D của Trung Quốc, vốn chỉ chiếm 2,5% toàn cầu vào năm 1996, đã tăng lên 19,6% sau 17 năm.
Các hoạt động nghiên cứu và giáo dục ngày càng tăng cũng là một yếu tố gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc. Năm 2016, có 442.431 sinh viên nước ngoài học tập và nghiên cứu ở Trung Quốc, tăng 35% so với năm 2012.
Trung Quốc có đang thay thế vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ?
Trung Quốc hiện đứng thứ 3 về thu hút sinh viên nước ngoài sau Mỹ và Anh. Việc các trường đại học Trung Quốc đang ngày càng tăng hạng trong bảng xép hạng toàn cầu, tốc độ quốc tế hóa nhanh chóng, chính sách khuyến khích các sinh viên nước ngoài học tập ở Trung Quốc, cùng với chi phí học tập và sinh sống ở đây dễ chịu hơn so với các nước phương Tây, Trung Quốc sẽ sớm trở thành điểm đến hàng đầu cho các sinh viên quốc tế.
Trong số 5 triệu sinh viên quốc tế đang theo đuổi các khóa học bậc cao ở nước ngoài, gần 25% là học viên người Trung Quốc. Trong năm 2016, các trường đại học Mỹ thu hút 330.000 sinh viên Trung Quốc, tiếp đó là Ấn Độ với 166.000. Việc gia tăng các sinh viên Trung Quốc ở nước noài cũng như sinh viên nước ngoài ở Trung Quốc cũng đẩy mạnh sức mạnh mềm của Bắc Kinh.
Về khía cạnh văn hóa, Trung Quốc là nước đứng thứ 2 thế giới với 52 di sản được UNESCO công nhận, chỉ sau Italy với 53 địa danh. Năm 2016, Trung Quốc đón khoảng 138 triệu du khách nước ngoài, tăng 3,5% so với năm 2015. Cũng trong giai đoạn này, 122 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, tăng 4,3%.
Vì sao ông Trump cần tránh va chạm với Trung Quốc?
Quyền lực mềm của Mỹ đang suy giảm?
Sự thành công của nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, những tiến bộ nghiên cứu và khoa học, cùng với thành công trong thể thao, văn hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp tăng cường quyền lực mềm của Bắc Kinh trong tương lai.
Trái lại, quyền lực mềm của Mỹ lại đang giảm với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, xu hướng chống toàn cầu hóa, chống nhập cư, việc rút khỏi Hiệp định về chống biến đổi khí hậu hay hay chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Sự khác biệt chính sách giữa 2 siêu cường này đang ngày càng rõ rệt. Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng quyền lực mềm thông qua các sáng kiến vì tương lai chung hay, trong đó có Vành đai và con đường, hay việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á…
Thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường cùng các sáng kiến phát triển lớn khác, Trung Quốc được đánh giá là sẽ tạo được sự kết nối quốc tế về chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính và giao lưu nhân dân, và từ đó xây dựng nền tảng mới cho hợp tác quốc tế, cũng như định hướng cho sự phát triển chung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần khẳng định chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, nhấn mạnh Mỹ sẽ chỉ theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương “công bằng”, xem xét lại các thỏa thuận thương mại đa phương mà Mỹ cho là không hiệu quả. Những điều này sẽ chỉ làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc lại luôn nhấn mạnh toàn cầu hóa và tự do thương mại. Quan điểm của Bắc Kinh cho rằng, toàn cầu hóa là “xu hướng lịch sử không thể đảo ngược” và cơ chế thương mại đa phương là điều thiết yếu.
Không thể phủ nhận quyền lực mềm của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có cả việc Bắc Kinh sẽ giải quyết những tranh chấp trên biển Đông, các vấn đề biên giới với các nước láng giềng như thế nào, hay đối phó với vấn đề về môi trường của chính nước này cùng các vấn đề khác ra sao./.