Tranh thủ “còn nước còn tát”, Anh-EU nỗ lực đàm phán dù cơ hội thành công thấp
VOV.VN - Với phương châm “còn nước còn tát”, hôm 16/12, Anh và EU tiếp tục đàm phán với hy vọng có thể đạt được thỏa thuận trước ngày 31/12, thời điểm Anh kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit.
Khi gia hạn thời gian cho các nhà đàm phán của mình, cả Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết sẽ “cố gắng hết sức” nhằm đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit để ngăn chặn sự hỗn loạn thương mại xuyên biên giới khi bước sang năm mới.
Thậm chí với phương châm “còn nước còn tát”, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, ông sẵn sàng đến Brussels hoặc bất kỳ thủ đô nước châu Âu nào khác để có thể “đóng dấu” cho thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, ông Johnson hy vọng, Liên minh châu Âu sẽ thiện chí hơn nữa và điều khối này cần làm là công nhận quyền chủ quyền của nước Anh.
“Họ cần hiểu rằng Vương Quốc Anh có quyền giống như các nước khác, đó là có thể kiểm soát luật pháp và vùng biển đánh bắt cá của chính mình. Tuy nhiên, với bất cứ điều gì xảy ra trong vài ngày tới, tôi biết rằng nước Anh sẽ phát triển thịnh vượng theo những điều khoản mà chúng tôi đồng ý với những người bạn châu Âu”, ông Johnson cho hay.
Về phía EU, trong cuộc họp báo hôm qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo, tin tốt là các nhà đàm phán Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được tiến triển trong phần lớn các vấn đề, song vẫn còn hai vấn đề mà Anh và EU chưa thể nhượng bộ là sân chơi công bằng và quyền đánh bắt cá. Theo Chủ tịch Ursula von der Leyen, cuộc thảo luận về vấn đề này đang rất khó khăn. Dù EU tôn trọng chủ quyền lãnh hải của Anh, song khối này cũng mong muốn sự ổn định cho các ngư dân.
Trước diễn biến này, Chủ tịch Ursula von der Leyen nhận định con đường tiến tới thỏa thuận là khá hẹp song EU cam kết tiếp tục đàm phán: “Thành thật mà nói, đôi khi có cảm giác chúng ta sẽ không thể giải quyết những vấn đề này. Nhưng chúng ta phải tiếp tục cố gắng tìm ra giải pháp bởi đó là cách hành động đúng đắn và có trách nhiệm nhất. Những ngày tiếp theo sẽ mang tính quyết định bởi vì cả hai bên đã rất nhiều lần bỏ lỡ thời hạn”.
Như vậy, có thể thấy được mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh cho dù cả hai đều đánh giá thấp cơ hội thành công. Hiện nhiều quốc gia châu Âu kêu gọi hai bên tiếp tục đàm phán. Thủ tướng Đức Merkel cho biết, mọi cơ hội để đạt được thỏa thuận đều được hoan nghênh. Ông Micheal Martin, Thủ tướng Ireland, nước có nền kinh tế gắn bó với Anh hơn bất kỳ quốc gia EU nào khác cho rằng, ngay cả khi vào lúc 23 giờ ngày 31/12, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu vẫn có khả năng ký kết một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên.
Theo giới quan sát, trong trường hợp nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận thương mại vào thời hạn chót, một kịch bản có thể xảy ra là vào ngày 1/1 năm tới, EU và Anh có thể sẽ áp dụng một thỏa thuận tạm thời nhằm tạo điều kiện để hàng hóa không bị ùn tắc tại biên giới sau ngày 31/12./.