Ukraine gia nhập NATO: Lằn ranh đỏ của Nga và giấc mộng khó thành sự thực
VOV.VN - Trong khi Ukraine coi việc gia nhập NATO là cơ hội để đối phó với tầm ảnh hưởng của Nga thì việc này sẽ vấp phải không ít trở ngại.
Đề xuất gia nhập NATO của Ukraine
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO tạo điều kiện để Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này, vài ngày sau khi Nga tăng cường lực lượng gần biên giới 2 nước.
"Gia nhập NATO là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh ở Donbass", ông Zelensky nhận định với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc điện đàm, đồng thời kêu gọi các thành viên NATO tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đen.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Taran cũng nhận định, Kiev là một tiền đồn mạnh mẽ trên sườn phía đông của NATO.
"Trong 7 năm qua, Ukraine đã không chỉ bảo vệ mạnh mẽ sự độc lập của mình mà còn cả an ninh và sự ổn định của châu Âu. Các nước thành viên NATO rõ ràng cho thấy họ coi Ukraine là một đối tác bình đẳng".
Vậy, liệu NATO có chấp nhận một thành viên mới như Ukraine hay không và điều đó có thể dẫn đến những hệ quả gì?
Theo các chuyên gia, chấp nhận rủi ro khi NATO tham gia xung đột vì Ukraine là điều mà gần như tất cả các nước thành viên đều không muốn.
Theo điều khoản số 5, một trong những nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, nói rằng "bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh”.
Điều khoản này cũng khẳng định rằng "nếu một cuộc tấn công có vũ trang như vậy xảy ra, mỗi một thành viên, với quyền tự vệ cá thể hay tập thể một cách chính đáng được Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận, đều sẽ hỗ trợ một bên hoặc các bên. Điều đó tức là các thành viên trong NATO có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh bị tấn công của mình, bao gồm sử dụng các lực lượng vũ trang để khôi phục và duy trì an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương".
Những bình luận của ông Zelensky hôm 6/4 đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía Nga khi điện Kremlin cho rằng việc Kiev gia nhập NATO chỉ khiến tình hình Donbass thêm căng thẳng.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhận định, Ukraine có thể sẽ bị chia rẽ nếu gia nhập NATO bởi người dân ở miền đông Ukraine không chấp nhận trở thành một phần trong liên minh quân sự phương Tây này.
Nga coi NATO mở rộng là “mối đe dọa trực tiếp”
Nga từ lâu đã phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO dù là ở khu vực Kavkaz với các quốc gia như Georgia hay các quốc gia châu Âu có biên giới tiếp giáp với nước này. Thụy Điển và Phần Lan, 2 nước châu Âu láng giềng của Nga, mặc dù rõ ràng là những nước ủng hộ phương Tây nhưng cũng không gia nhập NATO, một phần để tránh gia tăng căng thẳng với Nga.
"Moscow đã cảnh báo sẽ phản ứng quân sự nếu Thụy Điển hoặc Phần Lan quyết định gia nhập NATO. Theo Tổng thư ký NATO, các cuộc tập trận của Nga bao gồm cả các cuộc diễn tập tấn công hạt nhân nhằm vào Thụy Điển", Richard Sokolsky, học giả cấp cao tại Chương trình Nga và Á - Âu thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho hay.
Trong khi Thụy Điển và Phần Lan duy trì lập trường chính trị không liên minh thì việc Ukraine gia nhập NATO bị Nga coi là mối đe dọa trực tiếp với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của nước này.
"Chúng tôi sẽ phản ứng phù hợp trước những động thái hung hăng gây ra mối đe dọa trực tiếp với Nga", Tổng thống Putin từng khẳng định như vậy trong một cuộc họp cấp cao với các nhà ngoại giao vào giữa năm 2018.
"Những người đang tìm cách đưa các quốc gia, chẳng hạn như Ukraine và Georgia vào quỹ đạo của NATO nên suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra từ một chính sách vô trách nhiệm như vậy", ông Putin cảnh báo vào thời điểm đó.
Giấc mộng khó thành sự thực
Ngoài sự phản đối từ Nga thì còn có những vấn đề khác liên quan đến chính trị nội bộ trong việc cân nhắc khả năng Ukraine gia nhập NATO. Theo Hiệp ước sáng lập liên minh quân sự này, mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết. Do đó, nếu có bất kỳ thành viên nào không hài lòng với Ukraine thì việc này có thể ngăn cản Kiev gia nhập NATO.
Trong một thời gian dài, Macedonia không thể gia nhập NATO do sự phản đối từ Hy Lạp. Tuy nhiên, sau khi đổi tên thành Bắc Macedonia trước sức ép từ Hy Lạp, quốc gia này cuối cùng đã có thể tham gia vào NATO.
Ngoài Nga, Ukraine cũng có những vấn đề chính trị nghiêm trọng với Hungary - một quốc gia thành viên NATO. Nước này sẽ yêu cầu sự nhượng bộ từ Kiev trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có không ít lý do khi chưa sẵn sàng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, cả trong khía cạnh quan hệ với Nga lẫn những lý do cá nhân.
Chính trị Ukraine có tác động đáng kể trong suốt các cuộc thảo luận nội bộ của chính trường Mỹ trong phiên tòa luận tội Tổng thống Trump, vụ việc mà con trai ông Biden là Hunter Biden bị cáo buộc có quan hệ với giới lãnh đạo Ukraine.
Đối mặt với sự phản đối của Nga, quốc gia vốn coi ý định Ukraine gia nhập NATO là "một chủ đề gây chiến", Mỹ dường như cũng thận trọng khi cân nhắc đến khả năng Ukraine trở thành một thành viên của liên minh quân sự này. Washington, mặc dù ủng hộ Kiev khi nước này đối mặt với sự tăng cường lực lượng quân sự từ phía Moscow song cũng thể hiện mong muốn tránh chọc giận điện Kremlin một cách không cần thiết.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhận định rằng, Ukraine từ lâu đã muốn gia nhập NATO, do đó Washington và Kiev đang thảo luận về vấn đề này.
Dù vậy, những nhận định của bà Psaki cho thấy tư cách thành viên NATO của Ukraine ít có khả năng xảy ra.
"Chúng tôi là những người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, chúng tôi hợp tác cùng với họ nhưng đây là quyết định của NATO", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.
Mặc dù gần đây Mỹ áp lệnh trừng phạt lên cả Trung Quốc và Nga - những đối thủ chính trị truyền thống của nước này nhưng Washington muốn làm giảm căng thẳng ở miền đông Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì nhắc lại chính sách của Mỹ là ủng hộ một "cánh cửa mở" cho việc gia nhập NATO với những quốc gia đáp ứng được "tiêu chuẩn thành viên". Tuy nhiên, theo ông, Ukraine vẫn phải "thực hiện một số cải cách cần thiết để xây dựng một quốc gia tự do, thịnh vượng, dân chủ và ổn định hơn"./.