Ukraine sẵn sàng trở thành bãi thử vũ khí cho các công ty nước ngoài
VOV.VN - Trong nỗ lực thu hút đầu tư và công nghệ quốc phòng, Ukraine khởi động chương trình “Thử nghiệm tại Ukraine”, cho phép các công ty nước ngoài đưa vũ khí mới đến thử nghiệm thực tế ngay trong vùng chiến sự.
Theo thông báo ngày 17/7 của Brave1 - nhóm đầu tư và mua sắm vũ khí do nhà nước Ukraine hậu thuẫn, chương trình mang tên “Thử nghiệm tại Ukraine” (Test in Ukraine) sẽ cho phép các công ty gửi sản phẩm đến Ukraine, cung cấp hướng dẫn sử dụng trực tuyến, sau đó để lực lượng Ukraine sử dụng và đánh giá hiệu quả ngoài thực địa.
“Chương trình giúp chúng tôi hiểu được công nghệ nào đang có trên thị trường. Đồng thời cũng giúp các công ty biết được loại nào thực sự hiệu quả ngoài chiến trường”, ông Artem Moroz, phụ trách quan hệ nhà đầu tư của Brave1, chia sẻ với Reuters tại hội nghị quốc phòng ở Wiesbaden, Đức.

Ông Moroz cho biết sáng kiến này đã thu hút sự quan tâm đáng kể, tuy nhiên không tiết lộ tên các công ty đã đăng ký tham gia cũng như các chi tiết liên quan đến cơ chế vận hành hay chi phí, nếu có.
Hơn 3 năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, các lực lượng của Moscow đang tiếp tục mở rộng các mũi tiến công dọc tuyến chiến sự dài hơn 1.000 km, đồng thời đẩy mạnh các đợt không kích nhằm vào hạ tầng đô thị và quân sự của Ukraine.
Trong bối cảnh đó, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào một ngành công nghiệp quốc phòng đang từng bước hình thành, được thúc đẩy bởi đầu tư trong và ngoài nước, nhằm đối phó với một đối thủ vượt trội về quy mô và hỏa lực.
Brave1, được thành lập năm 2023 như một nền tảng trực tuyến nhằm kết nối các công ty quốc phòng Ukraine với nhà đầu tư và hỗ trợ quân đội đặt hàng, đã xây dựng danh sách các công nghệ quân sự mà Ukraine ưu tiên thử nghiệm, theo ông Moroz.
“Chúng tôi có danh sách ưu tiên. Trong đó, hàng đầu là các năng lực phòng không mới, thiết bị đánh chặn UAV, hệ thống điều khiển sử dụng trí tuệ nhân tạo, và các giải pháp đối phó bom lượn”, ông Moroz nói, đồng thời cho biết Ukraine cũng quan tâm đến các hệ thống không người lái dưới nước, công nghệ quản lý tín hiệu điện tử trên bộ, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và ứng dụng AI nhằm tăng độ chính xác của pháo binh.
Phát biểu tại cùng hội nghị, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết nước này đã xây dựng được hạ tầng cần thiết để nhanh chóng thử nghiệm và triển khai các công nghệ quốc phòng trong thời chiến – một yếu tố biến Ukraine thành điểm đến lý tưởng cho hoạt động thử vũ khí.
“Ukraine đã tạo ra một hạ tầng độc nhất để phát triển nhanh các đổi mới quốc phòng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các công ty từ các quốc gia đối tác phát triển, thử nghiệm và hoàn thiện các công nghệ thực sự hiệu quả trên chiến trường”, ông Fedorov nhấn mạnh.
Về thủ tục, các công ty chỉ cần nộp đơn đăng ký, xin giấy phép cần thiết, sau đó đưa sản phẩm vào Ukraine để thử nghiệm. Họ có thể tham gia trực tiếp hoặc ủy quyền cho đội ngũ Brave1 thực hiện, tùy theo lựa chọn trong hồ sơ đăng ký.
Các công ty quốc phòng nước ngoài cũng có thể phối hợp với các nhà sản xuất trong nước “để mở rộng quy mô phát triển và tăng tốc đưa sản phẩm ra thị trường”, dù các chi tiết như quyền sở hữu trí tuệ hay cơ chế hợp tác cụ thể hiện chưa được làm rõ.
Công nghệ nước ngoài, sản xuất tại Ukraine
Một trong những mục tiêu lớn hơn của chương trình “Thử nghiệm tại Ukraine” là khuyến khích các công ty quốc phòng nước ngoài chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Ukraine, kết nối với các đối tác địa phương để tận dụng nguồn lực hiện có, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế quốc phòng nội địa.
Theo Kyiv Post, dự án này nhằm giải quyết những khó khăn kéo dài mà ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang gặp phải. Hồi tháng 11/2024, đại diện ngành từng bày tỏ lo ngại rằng các đơn hàng từ chính phủ là không đủ để duy trì dây chuyền sản xuất. Ukraine có năng lực sản xuất, nhưng thiếu nguồn lực tài chính để chế tạo vũ khí với quy mô lớn.
Một bài báo của Business Insider gần đây cho hay, tình trạng này vẫn kéo dài đến tháng 6/2025 dù sản lượng UAV nội địa của Ukraine đã tăng tới 900% trong cùng thời kỳ.
Một giải pháp được giới chức Ukraine và phương Tây đề xuất là áp dụng “mô hình Đan Mạch”, theo đó các nước đồng minh đặt mua vũ khí do Ukraine sản xuất để viện trợ cho chính Ukraine, thay vì mua từ nhà thầu nước ngoài.
Một hướng đi khác là tích hợp Ukraine vào chuỗi cung ứng quốc phòng toàn cầu. Sáng kiến “Thử nghiệm tại Ukraine” được xem là một phần trong chiến lược đó, không chỉ để kiểm nghiệm công nghệ mới, mà còn nhằm xây dựng khả năng sản xuất trong nước.
Việc kết nối với các công ty quốc tế cũng tạo điều kiện cho Ukraine tham gia sản xuất một số linh kiện, tương tự như một sáng kiến gần đây của một công ty UAV Ukraine khi mở trung tâm bảo trì thiết bị nước ngoài, với sự hỗ trợ từ Brave1.
Việc các vũ khí được thử nghiệm có được sử dụng tại Ukraine hay không có thể không phải là ưu tiên hàng đầu – dù nếu Kiev đủ khả năng tài chính để mua, điều đó chắc chắn có lợi. Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và xây dựng năng lực sản xuất trong nước được coi là giá trị lâu dài quan trọng.
Mục tiêu sâu xa hơn là khiến các nhà sản xuất vũ khí quốc tế cân nhắc tích hợp Ukraine vào quy trình sản xuất ngay cả khi sản phẩm cuối cùng không được sử dụng tại Ukraine, miễn là không rơi vào tay Nga. Điều này không chỉ giúp Ukraine nâng cao năng lực quốc phòng mà còn mang lại động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thời chiến.