Ukraine trì hoãn phản công, phương Tây tính kế lâu dài
VOV.VN - Cuộc phản công mùa xuân của Ukraine nhằm đẩy lùi các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ đã bị trì hoãn quá lâu và có thể trở thành cuộc “phản công mùa hè” vì vào thời điểm này nó vẫn chưa bắt đầu. Trong khi đó, phương Tây đang tính chiến lược lâu dài cho Ukraine.
Mục đích của phương Tây
Các quan chức Ukraine khẳng định, sự trì hoãn này không phải là một bước lùi. Sau khi những cơn mưa mùa xuân biến nhiều khu vực trên chiến trường thành các vũng bùn lầy, họ đã quyết định đợi thêm vũ khí từ phương Tây. Nhưng điều đó phản ánh một sự thật không thể phủ nhận là cuộc phản công của Ukraine nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đã mất có thể kéo dài nhiều năm, chứ không chỉ vài tháng.
Hồi tháng 2/2022, Tổng thống Nga Putin hy vọng sẽ giành thắng lợi trong vòng vài tuần sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhưng sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine cùng nỗ lực viện trợ nhanh chóng của phương Tây đã đảo ngược kế hoạch của Nga.
Ukraine và các đối tác của nước này đã chuẩn bị một cuộc phản công lớn trong 6 tháng qua. Nhưng ngay cả những nước ủng hộ nhiệt tình nhất cho Kiev cũng không kỳ vọng xung đột sẽ kết thúc một cách nhanh chóng. Các lực lượng Nga đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ vững vàng, bao gồm các chiến hào và bãi mìn rộng lớn. Giới phân tích cho rằng, cuộc phản công có thể kéo dài đến cuối năm 2023 và dẫn tới một cuộc chiến tiêu hao, đầy khốc liệt.
Vì thế các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét lập ra các chương trình viện trợ quân sự trong thời gian dài hơn. Phát biểu với báo chí cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken khẳng định: “Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi cam kết hỗ trợ vững chắc cho Ukraine, hôm nay, ngày mai hoặc xa hơn nữa. Mục tiêu của chúng tôi là giúp Ukraine củng cố năng lực quốc phòng trong nhiều năm tới”.
Trước đây, gói vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine chủ yếu tập trung vào các hệ thống pháo binh và hệ thống phòng không. Hiện giờ, chúng bao gồm những khí tài quân sự tiên tiến hơn có thể giúp Ukraine phòng vệ lâu dài ngay cả sau khi tiến hành phản công, chẳng hạn như xe tăng chiến đấu chủ lực hay máy bay chiến đấu F-16.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới, Mỹ và các quan chức châu Âu dự kiến đưa ra ý tưởng thiết lập “quan hệ đối tác phòng thủ và răn đe” chính thức với Ukraine, trong đó có những cam kết viện trợ quân sự dài hạn. Ý tưởng này bắt nguồn một phần từ mô hình quan hệ giữa Mỹ và Israel, theo đó, Washington cam kết sẽ hỗ trợ vũ khí cho Israel trong 10 năm.
Đây được coi là cơ chế nhằm thay thế tạm thời cho việc xem xét đưa Ukraine trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – điều mà Mỹ đã loại trừ và một số thành viên NATO phản đối.
Cây bút Doyle MacManus của Los Angeles Times cho rằng, việc tập trung vào các cam kết dài hạn là một dấu hiệu khác cho thấy cuộc chiến nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn nữa.
Mục tiêu chính của Ukraine là đẩy lui các lực lượng Nga ra khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà họ đã giành quyền kiểm soát kể từ năm 2014, bao gồm cả bán đảo Crimea. Còn mục đích của Mỹ là tập trung hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng phòng vệ và muốn chứng minh cho Nga thấy rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của họ sẽ thất bại.
Ở thời điểm hiện tại, không bên nào sẵn sàng tham gia đàm phán. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cùng các quan chức khác cho rằng, kết quả cuộc xung đột cuối cùng sẽ được quyết định thông qua các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, nhưng đàm phán chỉ nên diễn ra sau cuộc phản công mà Washington cho là Kiev sẽ giành lợi thế.
Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow lưu ý: “Ông Putin chắc chắn sẽ quyết định tiếp tục chiến đấu. Còn đại đa số người dân Ukraine sẽ phản đối từ bỏ bất cứ vùng lãnh thổ nào”.
Phép thử với năng lực quân sự của Ukraine
Hiện Ukraine đang cố gắng tuyển mộ tân binh, thành lập các đơn vị mới để chuẩn bị cho cuộc phản công, còn phương Tây cũng đang nỗ lực thực hiến các chương trình huấn luyện cho binh sỹ Ukraine.
Theo nhà phân tích Mark Galeotti của The Sunday Times, cuộc phản công sẽ là phép thử đối với năng lực quân đội Ukraine trong một kiểu xung đột mới. Trước hết, Ukraine phải tìm cách thích nghi với những loại khí tài mà phương Tây cung cấp, trong đó có hơn 200 xe tăng và 1.500 phương tiện bọc thép khác.
Kiev hy vọng sẽ sử dụng những phương tiện này để xuyên thủng phòng tuyến của Nga và phá vỡ bế tắc trong một cuộc xung đột tiêu hao. Nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng. Thách thức về hậu cận có thể khiến tiến độ cuộc phản công bị chậm lại do thiếu đạn dược, linh kiện thay thế và kéo dài quá trình sơ tán các binh sỹ thương vong.
Thứ hai, vẫn chưa rõ Ukraine có thể nhanh chóng kết hợp các loại vũ khí để tạo ra hiệu quả tấn công cao nhất hay không. Việc triển khai chúng vào thực chiến cần nhiều thời gian và kinh nghiệm. Trong khi Kiev đang thiếu hụt nhiều chỉ huy kỳ cựu trên chiến trường.
Thứ ba, nếu binh sỹ Ukraine phải cố gắng làm quen với chiến thuật tấn công, thì Nga lại áp dụng cách chiến đấu quen thuộc hơn nhiều với việc giữ phòng tuyến từ phía sau và bên trong các công sự. Trong một cuộc chiến trên bộ, tấn công thường khó khăn hơn phòng thủ, đặc biệt khi đối phương cố thủ trong các chiến hào kiên cố.
Phía Nga có thể dựa vào những bãi mìn dày đặc, các hàng rào dây thép gai và hào sâu để cản bước lực lượng Ukraine, đồng thời đẩy đối phương vào những khu vực nguy hiểm. Tại đó, từ các boong-ke và chiến hào, quân đội Nga có thể dội hỏa lực pháo binh để ra đòn quyết định. Nhưng Ukraine cũng có thể sử dụng mồi nhử hoặc các cuộc tấn công nghi binh để khiến Nga phân tán lực lượng.
Không ai có thể đoán trước được kết quả cuộc phản công, ngay cả các chuyên gia quân sự kỳ cựu nhất. Nhưng theo nhà phân tích Mark Galeotti, dù Ukraine thành công hay thất bại, thì chắc chắn cuộc phản công này sẽ không giúp chấm dứt xung đột.
Cuộc phản công cũng được cho là sẽ tác động đến nền chính trị ở phương Tây. Nếu Ukraine thành công, điều đó sẽ củng cố niềm tin của Mỹ và châu Âu cho rằng sự can dự của họ là đúng đắn. Nếu cuộc tấn công thất bại, thì điều này sẽ khơi dậy những nghi ngờ ở phương Tây và tạo đà cho Nga tiếp tục chiến đấu. Thách thức lớn với phương Tây là liệu họ có thể hỗ trợ liên tục cho Ukraine về lâu về dài hay không khi sự ủng hộ của các cử tri tại Mỹ và châu Âu đối với nỗ lực viện trợ cho Ukraine đang dần xói mòn suốt 1 năm qua./.