Ván cược lớn đối phó với Trung Quốc của Biden: Đồng minh liệu có đồng lòng?
VOV.VN - Đặt cược vào các đồng minh trong chiến lược đối phó với Trung Quốc liệu có phải một hướng đi khôn ngoan cho chính quyền Biden khi bản thân mỗi quốc gia đều có lợi ích và cách nhìn riêng trong quan hệ với Bắc Kinh.
Trong tuần đầu tiên trở thành tổng thống, ông Biden tập trung vào chiến dịch phân phối vaccine và thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng không quên bỏ qua thông điệp trung tâm. Đó là khi đối phó với Trung Quốc, ông sẽ không dễ dãi.
Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich trực tuyến vào tháng trước, ông Biden nhận định, Mỹ và đồng minh đang đối mặt với "sự cạnh tranh chiến lược dài hạn" với Trung Quốc và phải "chống lại" những "hành vi bắt nạt và cưỡng ép về kinh tế của Bắc Kinh, vốn làm suy giảm các nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế".
Kể từ sau lễ nhậm chức của ông Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đều dùng những ngôn từ cứng rắn khi nói về Trung Quốc. Trong khi chính quyền Tổng thống Biden cố gắng cho thấy một sự tách biệt rõ ràng với chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump trong hầu hết vấn đề thì lập trường với Trung Quốc của cả hai đều giống nhau. Ông Biden thậm chí cho thấy ông không có kế hoạch dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp thuế quan mà cựu Tổng thống Trump từng áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong suốt thời gian chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
"Mọi người nghĩ rằng sẽ có một sự khác biệt lớn giữa chính quyền ông Trump và ông Biden. Nhưng trong một vài tuần đầu tiên, đó dường như là rất nhiều sự tiếp nối, không chỉ về phong cách và tông giọng mà còn về sự nhận thức trước những thách thức mà Trung Quốc gây ra", Nadège Rolland, một chuyên gia về Trung Quốc tại cơ quan Nghiên cứu châu Á Quốc gia cho hay.
Ván cược lớn của Biden
Dù vậy, vẫn có một sự khác biệt lớn giữa hai bên. Ông Biden tin rằng ông có thể đưa ra nhiều chiến lược hiệu quả hơn để đối phó với Bắc Kinh qua việc thúc đẩy những lợi ích chung giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác. Trong các cuộc phỏng vấn hàng loạt quan chức cấp cao, những người dẫn dầu nỗ lực đối phó với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden, đều miêu tả một chiến lược có thể được tóm gọn trong từ “cứng rắn”, nhưng phải có sự ủng hộ của đồng minh.
Các quan chức trong chính quyền ông Biden tin rằng, cựu Tổng thống Trump đã đúng khi giữ thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không ủng hộ cách tiến hành của ông khi cho rằng cựu Tổng thống, vốn thường chỉ trích các đồng minh ở châu Âu và châu Á, đã tạo nên những khoảng trống quyền lực và làm suy yếu các liên minh.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson nhận định với báo giới rằng, ông Biden muốn tạo ra cái gọi là "những vị thế sức mạnh", nơi mà những quốc gia cùng chí hướng hợp tác để đối phó với các mối đe dọa.
Khi Tổng thống Obama nhậm chức giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, ưu tiên với Trung Quốc trong năm đầu tiên của ông là tránh những đối đầu không cần thiết với nước này. Chính quyền ông Biden, vốn được vận hành bởi nhiều quan chức tương tự như thời ông Obama, cũng không loại trừ khả năng cùng hợp tác với Trung Quốc để giải quyết những vấn đề cấp bách như Iran, Triều Tiên và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, dưới thời ông Biden, các quan chức trên cho biết, Mỹ sẽ tập trung hơn vào việc xây dựng các liên minh.
"Họ đã thể hiện rõ ràng rằng họ không vội theo đuổi các cuộc đối thoại chỉ vì mục đích đối thoại", Evan Medeiros, cựu cố vấn về châu Á dưới thời Tổng thống Obama cho hay.
Quan chức cấp cao này cũng nhấn mạnh, Mỹ muốn khai thác những mối quan tâm chung với các đồng minh.
"Chúng tôi đang đặt ưu tiên vào việc đào sâu những chia sẻ về lập trường với các đối tác và đồng minh nhằm giúp chúng ta nối dài những quan điểm chiến lược", quan chức trên cho hay.
Hôm 3/3, Tổng thống Biden đã ban hành "chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời", theo đó khẳng định Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp quyền lực công nghệ, quân sự, ngoại giao và kinh tế để gia tăng thách thức lâu dài với hệ thống quốc tế mở và bền vững".
Tại châu Á, ông Biden muốn thúc đẩy Quad, nhóm các quốc gia gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để chống lạiTrung Quốc. Financial Times tuần này đưa tin Nhà Trắng đang dẫn đầu một sáng kiến với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm sử dụng ngoại giao vaccine ở châu Á để đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Đồng minh liệu có đồng lòng?
Câu hỏi đặt ra hiện nay là Tổng thống Biden có thể thuyết phục được bao nhiêu đối tác, đặc biệt là tại châu Âu, sẵn sàng tham gia vào những kế hoạch này. Trong khi nhiều quốc gia có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc thì các đồng minh châu Âu vẫn đặc biệt ngần ngại tham gia vào một cuộc đối đầu theo hình thức Chiến tranh lạnh với Bắc Kinh.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết họ nhận ra rằng, trong khi Mỹ và châu Âu chia sẻ nhiều giá trị chung thì vẫn có những khác biệt có nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sau khi ông Biden phát biểu tại hội nghị Munich, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đưa ra những bình luận nhấn mạnh nhu cầu cần hợp tác với Trung Quốc.
Các quan chức châu Âu và Mỹ cho biết họ sẽ tổ chức hàng loạt cuộc thảo luận trong những tuần tới về mọi thứ từ hướng tiếp cận chiến lược cho tới các vấn đề cụ thể như làm cách nào để ngăn cản Trung Quốc khỏi những công nghệ nhạy cảm về an ninh.
Dù vậy, chuyên gia Medeiros cũng nhận định, trong khi bà Merkel và ông Macron "khẳng định rõ rằng sự liên kết nhằm chống lại Trung Quốc sẽ không xảy ra" thì Mỹ có thể xây dựng các liên minh trong những vấn đề cụ thể.
Các quan chức Mỹ tự tin rằng họ có thể tìm kiếm tiếng nói chung với châu Âu trong những vấn đề như Tân Cương và Hong Kong (Trung Quốc), hay những vấn đề kinh tế liên quan đến việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cho rằng sẽ khó có thể đạt được sự nhất trí trong những vấn đề về công nghệ, chẳng hạn như 5G, vốn gia tăng căng thẳng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong suốt thời kỳ chính quyền cựu Tổng thống Trump.
Nathan Sheets, một cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính cho biết, lập trường cứng rắn hơn của Tổng thống Biden với Trung Quốc phản ánh sức ép từ lưỡng đảng trong Quốc hội, vốn bị chi phối bởi thực tế rằng việc mềm yếu với Trung Quốc sẽ đe dọa đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
"Mọi người ở Washington thuộc cả hai đảng đều có một sự nhất trí rộng khắp rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược", chuyên gia Sheets cho hay.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, bức tranh này trở nên phức tạp hơn, một phần bởi một số chính trị gia muốn ưu tiên việc đảm bảo quan hệ thương mại tốt đẹp với Bắc Kinh.
Một minh chứng cho thách thức này là việc châu Âu đã ký một thỏa thuận về đầu tư với Trung Quốc ngay trước khi ông Biden nhậm chức.
"Dù không ai muốn thừa nhận nhưng sự hợp tác Mỹ - châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là sau khi Trung Quốc và EU ký thỏa thuận đầu tư", Anja Manuel, giám đốc Diễn đàn An ninh Aspen nhận định.
Bên cạnh đó, một vấn đề với Mỹ là sự nhìn nhận của châu Âu về mối đe dọa về kinh tế và an ninh từ Trung Quốc không mạnh mẽ như những gì diễn ra ở Washington.
Vẫn chưa có những quyết định lớn
Trong khi Mỹ tập trung vào việc tìm kiếm sự nhất trí với các liên minh thì những hành động của Washington tại Thái Bình Dương cho thấy Tổng thống Biden vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Hải quân Mỹ đã tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở Eo biển Đài Loan và tiến hành các cuộc diễn tập 2 tàu sân bay ở Biển Đông, đây là lần thứ 3 và lần duy nhất kể từ năm 2012.
Dù vậy, chính quyền ông Biden vẫn chưa có bất kỳ quyết định lớn nào cho thấy sự tương xứng giữa những tuyên bố mạnh mẽ và những hành động cứng rắn.
Mike Gallagher, một nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Wisconsin, dẫn đầu luồng quan điểm chỉ trích Trung Quốc cho biết ông nhìn thấy những dấu hiệu đáng khích lệ nhưng vẫn cần giữ thái độ "chờ đợi và xem xét" về những động thái của chính quyền mới với Bắc Kinh.
"Tin tốt là nhiều cố vấn của ông Biden ngày càng nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc", nghị sĩ này đánh giá.
Ngoài Ngoại trưởng Blinken và cố vấn Sullivan, ông Biden đã bổ nhiệm ông Kurt Campbell là người điều phối khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Laura Rosenberger là quan chức hàng đầu phụ trách về Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Trong khi đó, tại Lầu Năm Góc, Ely Ratner, một quan chức có lập trường cứng rắn khác đã được bổ nhiệm dẫn đầu một lực lượng mới tập trung vào chính sách với Trung Quốc./.