Xung đột Nga-Ukraine khiến NATO không thể “phớt lờ” Biển Đen
VOV.VN - Biển Đen đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh NATO vì là nơi hội tụ về mặt địa lý của nhiều đồng minh, đối tác cũng như đối thủ và cũng là nơi đang chứng kiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Từ lâu là tâm điểm của bất đồng khu vực, Biển Đen trở thành một trong những mặt trận chính trong xung đột Nga-Ukraine, do cả 2 quốc gia đều tiếp giáp vùng biển này. Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 và nằm nhô ra Biển Đen, là nơi đặt trụ sở Hạm đội quan trọng của Nga.
Gruzia nằm ở rìa phía Đông của Biển Đen. Các thành viên NATO gồm Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở phía Tây và Nam, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát các eo biển nối Biển Đen với Địa Trung Hải. Dòng chảy nhiên liệu từ vùng Caucasus và Trung Á đến châu Âu và thế giới cũng đi qua và quanh Biển Đen.
Một trong những lý do Romania đăng cai tổ chức hội nghị Ngoại trưởng NATO (29-30/11) tại thủ đô Bucharest cũng là nhằm thu hút sự quan tâm của liên minh quân sự đối với khu vực Biển Đen.
Nơi hội tụ của đồng minh, đối tác và cả đối thủ
Nhiều chính trị gia cũng như các chiến lược gia địa chính trị ở Mỹ và châu Âu nói rằng khu vực Biển Đen cần được quan tâm nhiều hơn. Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đen mới chỉ được đưa vào chiến lược dài hạn của NATO lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 và theo sáng kiến của Romania, Tổng thống Romania Klaus Iohannis nhấn mạnh tại cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO ngày 28/11.
“Biển Đen đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh NATO vì là nơi hội tụ về mặt địa lý của nhiều đồng minh, đối tác cũng như đối thủ, đồng thời là nơi giàu trữ lượng hydrocarbon, các hành lang vận chuyển ngũ cốc thiết yếu và cũng là nơi đang chứng kiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine”, Đô đốc nghỉ hưu của Mỹ James Stavridis, người từng là Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh của NATO, nhận định.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden do dự trong việc thách thức Nga trên Biển Đen, một phần do lo ngại việc điều tàu vũ trang tới khu vực này có thể làm leo thang xung đột hoặc rủi ro trên biển, từ đó đẩy Mỹ hoặc NATO vào một cuộc chiến.
Phát biểu tại Bucharest ngày 29/11, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Biển Đen có vai trò chiến lược đối với NATO và liên minh này đã tăng cường hiện diện trong khu vực kể từ năm 2014. Các thành viên bao gồm Mỹ và Pháp thường xuyên tuần tra khu vực bằng máy bay giám sát tiên tiến. Pháp gần đây đã dẫn đầu một cuộc tập trận trên không của NATO tại khu vực này.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, các quốc gia NATO không giáp Biển Đen vẫn thường xuyên tuần tra vùng biển này nhưng không có tàu nào ở đó vào tháng 2. Tình thế đã “đóng băng” do quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ đầu cuộc chiến, theo đó đóng cửa các eo biển giữa Địa Trung Hải và Biển Đen đối với bất kỳ tàu chiến nào không có cảng trụ sở ở đó.
Động thái này đã ngăn Nga điều thêm tàu chiến từ các hạm đội khác đến Biển Đen, đồng thời cũng ngăn cản hầu hết các nước NATO đưa tàu chiến vào khu vực.
Công ước Montreux năm 1936 áp đặt hạn chế đối với các quốc gia không thuộc Biển Đen đưa tàu chiến từ bên ngoài vào khu vực. Theo các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trong năm nay, bất kỳ hành vi nào vi phạm Công ước cũng có thể gây tranh cãi về mặt chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phần lớn công chúng cũng hoài nghi về cách tiếp cận của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine.
Các quan chức Mỹ từ chối thảo luận về các lựa chọn của NATO để cải thiện vị thế của liên minh hoặc làm suy giảm vị thế của Nga ở Biển Đen, cho rằng Moscow có khả năng chấm dứt xung đột vào ngày mai, và đây sẽ là bước đi khôi phục an ninh khu vực.
Mỹ và NATO cần một chiến lược rõ ràng ở Biển Đen
Các nhà phân tích cho rằng việc soái hạm Moskva bị chìm cũng như các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ hải quân của Nga ở Sevastopol dường như đã phơi bày điểm yếu của Hải quân Nga. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Biển Đen đã trở nên an toàn hơn.
Thành công của quân đội Ukraine ở Kiev, Kharkiv và Kherson đã đẩy xung đột ra khỏi các vùng ở sâu bên trong Ukraine và trở thành một “mặt trận ven Biển Đen”.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ chỉ trích Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vì đã không điều tàu tới Biển Đen trước khi Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế tiếp cận, đặc biệt là khi Washington có thông tin tình báo chắc chắn rằng Nga sẽ tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Thật không may là tất cả các tàu của phương Tây đã rời Biển Đen vào thời điểm đó”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen cho biết.
Hồi tháng 7, bà Shaheen đã cùng Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney giới thiệu dự luật lưỡng đảng nhằm buộc chính quyền phải xây dựng một chiến lược Biển Đen.
Chiến lược an ninh quốc gia dài 48 trang của chính quyền Tổng thống Joe Biden, được công bố vào tháng 10 vừa qua, tập trung vào các mối đe dọa trong tương lai từ Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng không đề cập đến Biển Đen.
“Cách đảm bảo an ninh Biển Đen không phải là phớt lờ nó, nhưng tôi e rằng chúng ta vẫn đang phớt lờ nó ở thời điểm này”, Đô đốc nghỉ hưu của Mỹ James Foggo, người từng chỉ huy Hạm đội 6 có trụ sở tại Italy, cho biết.
Thượng nghị sỹ Shaheen cho rằng, cần tập trung vào Gruzia. Trong vài năm trở lại đây, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này đã trở nên rất thân với Mỹ nhưng cũng vẫn dao động giữa Nga và phương Tây trong bối cảnh đấu đá chính trị nội bộ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Mùa hè vừa qua, Gruzia đã nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu cùng với Ukraine và nước láng giềng Moldova. Gruzia cũng là nước duy nhất bị từ chối tư cách ứng cử viên do định hướng chính trị không rõ ràng.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Nga vẫn là trọng tâm lớn nhất của NATO xung quanh Biển Đen. Một số Thượng nghị sỹ Mỹ muốn chính quyền Tổng thống Biden gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép một số tàu của NATO - có thể là tàu khu trục – đi vào Biển Đen để giảm thiểu mối đe dọa do tàu ngầm Nga.
“Các tàu khu trục đủ nhỏ để Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc và cho phép chúng đi vào Biển Đen. Chúng tôi đang xem xét các cách thức và phương tiện để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ diễn giải công ước Montreux theo cách cho phép điều đó”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker nói.
Không nhiều người nhận định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chào đón tàu chiến mới. Là một thành viên NATO với tham vọng khu vực của riêng mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm vai trò trung gian trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay. Ankara đã tổ chức các cuộc đàm phán về xuất khẩu ngũ cốc và thúc đẩy các nỗ lực đưa Moscow và Kiev vào bàn đối thoại để chấm dứt xung đột.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò là nhà cung cấp an ninh và ổn định giữa các khu vực có xung đột”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh tại Bucharest ngày 29/11.
Theo ông Foggo, một cách để tăng cường sự hiện diện của NATO ở Biển Đen là điều các đơn vị quét thủy lôi đặc biệt bao gồm tàu và máy bay tới khu vực này. Hồi tháng 9, tàu của Romania đã va phải một quả thủy lôi, làm dấy lên báo động về các quả thủy lôi xung quanh cửa sông Danube chảy qua 6 quốc gia châu Âu.
Một giải pháp khác để tăng cường an ninh là giúp Romania trang bị tên lửa chống hạm tiên tiến và đàm phán với các quốc gia trên sông Danube về việc sử dụng tàu chiến ở đó.
Theo các chiến lược gia, dù xung đột Nga-Ukraine kết thúc, an ninh Biển Đen vẫn đóng vai trò quan trọng đối với NATO.
“Cuối cùng, khi một cuộc đàm phán hậu xung đột bắt đầu, các vấn đề xung quanh lãnh thổ Biển Đen, các tuyến đường liên lạc trên biển và việc tiếp cận các cảng biển sẽ vẫn là chủ đề gây tranh cãi”, ông Stavridis nhận định./.