Tại sao Afghanistan phải ký thỏa thuận an ninh với Mỹ?
VOV.VN - Lợi ích chính trị và quốc gia của Afghanistan khiến Tổng thống Karzai khó trì hoãn quyết định ký kết.
Mỹ và Afghanistan ngày 20/11 nhất trí về nội dung cuối cùng của Hiệp định An ninh song phương (BSA) liên quan tới sự hiện diện của lính Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này sau năm 2014.
Rõ ràng, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai không phải không lo ngại đến chủ quyền quốc gia khi hướng đến thỏa thuận an ninh với Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn đặt ra bây giờ là: nếu không có thỏa thuận như vậy, Afghanistan liệu có thể đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, ổn định và thịnh vượng như trong 12 năm qua hay không?
Cảnh sát Afghanistan làm nhiệm vụ tại một khu vực ở Kabul (Ảnh: Reuters) |
Trong văn bản hiệp định, phía Mỹ đề nghị khoảng từ 10.000-13.000 lính Mỹ ở lại Afghanistan sau lộ trình rút quân vào cuối năm 2014. Nếu hiệp định được ký kết, sau năm 2014, quân đội Mỹ sẽ được toàn quyền sử dụng căn cứ không quân Bagram ở phía Bắc thủ đô Kabul và được quyền sử dụng chung 8 căn cứ khác trên toàn lãnh thổ Afghanistan.
Việc ký kết các thỏa thuận an ninh vốn nằm trong lợi ích của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định này thực sự là một thử thách đối với chính phủ Afghanistan, vì thỏa thuận này có thể coi là một sự “nhượng bộ” của chính phủ Afghanistan về một số vấn đề vốn gây tranh cãi bấy lâu nay, như việc quân đội Mỹ được hưởng quyền miễn trừ trước luật pháp nước sở tại, lính Mỹ được quyền tự do tiến hành các chiến dịch quân sự, được quyền khám xét các nhà thờ và nhà dân Afghanistan.
Mặc dù thỏa thuận này có thể đối mặt với nhiều chỉ trích từ phía người dân Afghanistan, vốn đang mong muốn “làm chủ” trên mảnh đất của chính mình, nhưng vì những lợi ích chính trị và quốc gia nên Tổng thống Karzai khó có thể trì hoãn quyết định ký kết.
Chính phủ Afghanistan hiểu rằng, để chậm trễ hơn nữa trong việc ký kết Hiệp định an ninh, có thể là một công cụ tuyên truyền hoàn hảo cho các nhóm cực đoan và Taliban. Những nhóm vũ trang này cũng biết rằng, chính phủ Afghanistan đang mất dần sự ủng hộ của các nước phương Tây. Do đó, chiến dịch thu hút thành viên mới của Taliban sẽ thuận lợi hơn, đặc biệt trong việc vận động người dân không tham gia cuộc bầu cử sắp tới. Ký hiệp ước an ninh với Mỹ cũng giúp ngăn chặn Afghanistan rơi vào một cuộc nội chiến nếu quân đội rút quân quá sớm, đảm bảo một quá trình chuyển giao chính trị hòa bình trong năm 2014 thông qua một cuộc bầu cử dân chủ.
Một thành viên của Hội đồng trưởng lão Afghanistan Akbar Khan Baber nhận định: “Nếu Hiệp ước an ninh này không được ký, Afghanistan sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự mà chúng ta đã phải đối mặt cách đây 12 năm. Sẽ có một cuộc nội chiến và thương vong sẽ lại bao phủ quốc gia này”.
Thêm vào đó, Hiệp định có tác động tâm lí lớn đến các hoạt động kinh tế tại nước này. Các nhà đầu tư đang lo ngại, tình hình an ninh tại Afghanistan có thể bị ảnh hưởng nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng quốc tế. Dự báo của Ngân hàng Thế giới gần đây cho biết, tốc độ phát triển kinh tế trong năm nay của Afghanistan có thể giảm do những điều kiện an ninh xấu đi và lực lượng quốc tế rút quân.
Mặc dù đã xây dựng được lực lượng an ninh khá mạnh trong thời gian qua nhưng quân đội Afghanistan vẫn chưa đủ mạnh để đảm nhận hoàn toàn các trọng trách an ninh sau khi quân đội nước ngoài rút hết quân khỏi đây. Nền kinh tế nước này cũng gặp nhiều khó khăn, nên sự hỗ trợ tài chính của Mỹ và phương Tây vào lúc này là vô cùng quan trọng. Nếu tiếp tục hiện diện tại Afghanistan, Mỹ cũng sẽ không bỏ phí những kết quả mà họ đã hy sinh nhiều năm qua tại chiến trường Tây Nam Á này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi đã hy sinh cả máu và của cải tại Afghanistan. Điều đó càng làm cho chúng tôi quyết tâm và có nghĩa vụ hơn để hướng theo con đường này bất chấp những thử thách vẫn ở phía trước. Quá trình chuyển giao chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Đặc biệt, với việc Mỹ còn hiện diện và có tiếng nói tại quốc gia này thì Afghanistan cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây. Chuyên gia phân tích chính trị của trường đại học Boston, Thomas Barfield nhận định, sự ổn định của chính phủ phần nào dựa vào sự ủng hộ tài chính và quân đội nước ngoài. Nếu tất cả lực lượng này rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này thì cơ hội Afghanistan tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính là không cao.
Hiện nay, Hiệp định song phương cần sự phê chuẩn của Hội đồng trưởng lão sẽ bắt đầu cuộc họp hôm nay (21/11). Mặc dù có sự chia rẽ về Hiệp ước an ninh này, nhưng Hội đồng trưởng lão có thể sẽ thông qua. Nhưng ngay cả sau khi thỏa thuận được ký kết, giới quan sát cũng cho rằng, chính phủ mới của Afghanistan sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách mới.
Tháng 4/2014, người dân Afghanistan sẽ đi bỏ phiếu để bầu nhà lãnh đạo mới thay Tổng thống đương nhiệm Karzai. Tổng thống mới sẽ có nhiệm vụ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ trong những năm sắp tới. Điều quan trọng hơn cả là câu hỏi về mối quan hệ Mỹ - Afghanistan sẽ như thế nào trên thực tế chứ không phải những gì đã được định hình bằng văn bản./.